Phương Thanh và nỗi ám ảnh một thời đã xa

Nếu chưa từng xem một Hiền “cá sấu” với cá tính “man man” hoang dại và phá cách kinh khủng trong Tội lỗi cuối cùng, hay Kiều Trinh với nội tâm giằng xé và phức tạp trong Bãi biển đời người và Kiều Oanh trong sáng, mạnh mẽ, tràn đầy sức sống mãnh liệt trong Kỷ niệm đồi trăng thì tôi không dám tin người đàn bà luống tuổi với vẻ đẹp đằm thắm thuần Việt đang ngồi trước mặt tôi là nghệ sĩ Phương Thanh - một trong những diễn viên thành công vào loại bậc nhất của điện ảnh Việt Nam.

Phương Thanh ngoài đời lúc này không giống với những gì chị thể hiện ở trong phim. Không man dại như Hiền “cá sấu” và cũng không quá mập mạp, trễ nải như những người đàn bà chị đóng sau này trên phim truyền hình. Vẫn gương mặt trái xoan thanh tú, đôi mắt tinh nghịch, sóng sánh ánh lửa trong cái liếc mắt và đôi môi xinh trong nụ cười giòn, Phương Thanh trẻ hơn nhiều so với tuổi 48 của mình. Trong cái đau đáu nhớ tiếc về một thời đã xa, Phương Thanh đã trải lòng mình khi trở về với những ký ức đầy ám ảnh.

Hiền "cá sấu" trong trại phục hồi nhân phẩm

Hiền “cá sấu” là vai diễn đưa Phương Thanh lên đỉnh vinh quang của sự nghiệp và cũng là vai diễn để đời trong bộ phim kinh điển của Hãng Phim truyện Việt Nam: Tội lỗi cuối cùng. Ở bộ phim này, Phương Thanh không hề có tên trong sự lựa chọn của đạo diễn Trần Phương, mà gương mặt pha nét bụi bụi của Thanh Quý mới là sự lựa chọn số một. Thế nhưng, trong câu chuyện tâm sự với Phương Thanh khi vừa đặt bút viết xong kịch bản, Trần Phương đã vô tình khơi dậy trí tò mò của cô khi nói rằng: “Tôi vừa hoàn thành một kịch bản tâm đắc, trong đó có một vai diễn mà diễn viên có thể đạt đến đỉnh vinh quang của nghề nghiệp. Tôi rất quý Thanh nhưng không thể giao cho cô vì Thanh chỉ phù hợp với những vai dịu hiền, trong sáng, thánh thiện”. Phương Thanh đã năn nỉ Trần Phương mượn bằng được kịch bản về đọc. Càng đọc, càng bị cuốn chặt vào kịch bản, và bùng cháy lên trong Phương Thanh một khao khát quyết liệt giành cho mình bằng được vai diễn này. Khi cô đề đạt nguyện vọng lên Hãng, mọi người đều không đồng tình vì cho rằng Phương Thanh không phù hợp với Hiền “cá sấu”. Phương Thanh đã xin đoàn làm phim cho cô một cơ hội duy nhất là được thử vai. Nếu không thành công, cô xin rút lui, đồng thời tuyên bố sẽ chuyển nghề luôn nếu không thể hiện được Hiền “cá sấu”.

Cơ hội đời người, Phương Thanh dồn toàn bộ tinh lực cho lần thử vai đầu tiên. Cô đã gây nên một sự kinh ngạc trong đoàn làm phim, đặc biệt là đạo diễn Trần Phương với gương mặt vừa trong sáng, thánh thiện, vừa liều lĩnh, man dại. Một gương mặt góc cạnh với biểu hiện những nét nội tâm phức tạp, hoang dã không chê vào đâu được. Đạo diễn Trần Phương đã phải thốt lên: Hiền “cá sấu” đây rồi!”.

Đã được nhận vai, nhưng Phương Thanh còn đặt cược hết tất cả sự kỳ vọng của chính bản thân mình vào vai diễn. Cô ý thức một cách sâu sắc về vai diễn và đã lao động hết sức nghiêm túc, thậm chí hy sinh hết mình vì lòng đam mê nghề nghiệp. Một mình lên tàu vào Nam, một mình xuống trại Phục hồi nhân phẩm Long An và xin được vào trại thực tế để gia nhập cuộc sống của những cô gái điếm.

Ông Giám thị trại Long An đã tạo cho Phương Thanh một lý lịch giả và trong vai một cô gái quê con nhà lành vào Sài Gòn tìm người nhà bị mất cắp rồi lỡ bước sa chân phải đi hành nghề mại dâm kiếm tiền về quê. Phương Thanh được bí mật đưa vào phòng giam đặc biệt của những tội phạm nữ mang trọng án. Tại đây, Phương Thanh với vẻ hiền hậu và chân quê đã qua mặt được hết các con mắt sắc sảo tinh đời của những ả bán dâm nhà nghề, Phương Thanh được Huỳnh Thị Hà (tên thường gọi là Hai) nữ quái của một băng đảng “xã hội đen”, là đàn em của tên “đại ca” Thay, một trong những tướng cướp nổi tiếng từ chế độ ngụy quyền, vào trại với tội danh nghiện xì ke, mại dâm và giết người, thâu nạp vào làm chân hầu hạ đổ bô, dọn phòng và chia cơm, nhận cơm cho cả phòng.

Tối đến, Phương Thanh phải có nhiệm vụ đấm bóp cho thị. Mặc dù được trại trưởng lén cho người theo dõi và bảo vệ ngầm, nhưng ngày đầu tiên nhập phòng, Phương Thanh đã phải mấy lần bật khóc, hú hồn vì sợ do những nhóm đầu gấu khác trong phòng thấy Phương Thanh được Hà Hai ưu ái nên đã ngấm ngầm đánh lén. Đêm đến, cô còn bị những kẻ đồng tính quấy rối. Mỗi lần như vậy, đều có người đi tuần bên ngoài ập vào kịp thời để giải cứu.

Ba ngày thực tế ở trong trại, đóng giả làm bụi đời đã đủ để Phương Thanh chợn người kinh hãi về thế giới của những người đàn bà tội lỗi. Song chính thời gian đó đã tích lũy được kinh nghiệm cho một vai diễn đầy đặn để đời. Đúng 5 ngày sau, Phương Thanh trở lại ngay chính căn phòng chị đã đóng giả trong sự kinh ngạc và khâm phục của cả phạm nhân và cán bộ quản giáo. Chính Hà Hai đã được mời vào vai nữ tướng cướp của phim Tội lỗi cuối cùng. Các phạm nhân trong phòng trọng án đều được tham gia diễn xuất trong phim lấy bối cảnh khi Hiền “cá sấu” ở trong tù, mà không cần phải diễn viên đóng thế.

15 ngàn đồng quyên góp của anh Trịnh Công Sơn

Sau khi bản nháp đầu tiên hoàn thành, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được đạo diễn Trần Phương mời đến xem và viết lời bài hát cho phim. Tình bạn đẹp và trong trẻo giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Phương Thanh mà nhiều người ở Hãng Phim truyện Việt Nam và bạn bè của cả Phương Thanh và Trịnh Công Sơn đều hiểu như một mối tình trong sáng và bãng lãng sương khói giữa một nhạc sĩ tài hoa và cô Hiền “cá sấu” trong Tội lỗi cuối cùng được bắt đầu từ đó.

Cô ngồi cạnh nhạc sĩ và kết thúc buổi xem, cô thấy nhạc sĩ bối rối đưa tay sang bắt tay cô. Sau cặp kính trắng kia, đôi mắt của nhạc sĩ như có nước. Ông nói rằng: “Cám ơn em đã cho tôi xem một bộ phim thực sự gây xúc động”. Sau này khi đã thân thiết, Trịnh Công Sơn nói rằng, ngay từ lúc nhìn thấy Hiền “cá sấu”, những nốt nhạc đầu tiên đã vang lên với những ca từ sâu thẳm: “Đi về đâu hỡi em/ Khi trong lòng không chút nắng/ Giấc mơ đời xa vắng/ Một mình em mãi lang thang/ Một đời em mãi cô đơn/ Đi về đâu hỡi em”.

Kể từ đó, giữa Phương Thanh và Trịnh Công Sơn có một tình cảm đặc biệt. Lần nào vào Sài Gòn làm phim, họ cũng đều liên lạc cho nhau và Phương Thanh còn nhớ Trịnh Công Sơn thường đi cái xe máy PC nhỏ màu vàng, lếch thếch đến chở Thanh đi chơi. Mặc dù rất nhiều người cho rằng Trịnh Công Sơn đã rất mê Phương Thanh và mối tình ấy cũng tuyệt đẹp bãng lãng hư thực như nhiều những người đẹp đi qua đời ông, nhưng với Phương Thanh thì khác.

Không như những người đàn bà lấy tình cảm của nhạc sĩ nổi tiếng và xem đó là thứ để trang điểm cho cuộc đời của mình, Phương Thanh gạt phắt đi. Chị quả quyết: “Anh Sơn đối với tôi tình cảm trong sáng, thánh thiện như một người anh đối với cô em gái nhỏ. Lần nào vào Sài Gòn, anh cũng đến chở tôi về nhà chơi, anh đánh đàn và chơi những bản nhạc anh mới viết cho tôi nghe. Lần nào anh cũng gọi cô em gái anh nấu cơm cho chị Thanh ăn với. Có khi anh rủ cả nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp đến khách sạn tôi ở mang theo đàn hát. Tôi cảm thấy anh đã yêu Hiền “cá sấu”, mê nhân vật trong bộ phim thì đúng hơn. Còn với tôi, chỉ là hình ảnh nhạt nhòa của Hiền, với lại anh Sơn là một người rất lãng mạn”.

Kỷ niệm sâu đậm nhất khiến Phương Thanh nhớ mãi đó là khoảng vào năm 1982, khi cùng đoàn vào Sài Gòn làm phim, Phương Thanh ở khách sạn Sài Gòn và bị kẻ cắp đột nhập vào lấy hết tư trang. Chính Trịnh Công Sơn đã đứng ra kêu gọi bạn bè quyên góp tiền giúp Thanh mua đồ. Phương Thanh còn nhớ hồi đó anh Sơn quyên góp được 15 ngàn đồng đưa cho cô. “Món tiền ấy với tôi là cả một gia tài lần đầu tiên tôi được sở hữu. Anh Sơn chở tôi trên chiếc xe màu vàng của anh đi sắm đồ. Tôi còn nhớ sắm được nhiều quần áo đẹp và túi, nón, đầy đủ, còn dư tiền để mua được cả vé máy bay bay ra Hà Nội. Tôi không bao giờ quên được tấm lòng nhiệt tình hết mình vì bè bạn của anh Sơn. Chính trong quãng thời gian 5 - 6 năm thân với anh, tôi đã học được ở anh Sơn rất nhiều, đó là chất thiền trong con người anh đối với những hệ lụy của cuộc sống.”

Phương Thanh bây giờ

So với lớp diễn viên cùng lứa nổi tiếng tài sắc như Thanh Quý, Minh Châu, Lê Vân… thì Phương Thanh là người đàn bà có cuộc sống bình yên và hạnh phúc tròn đầy hơn cả. Có lẽ chị là người biết dừng lại đúng lúc để vun vén cho hạnh phúc gia đình. Không quá lãng mạn, cũng không tự huyễn hoặc về mình dù chị đã lên tới đỉnh vinh quang của nghề nghiệp, Phương Thanh sống giản dị, mộc mạc, chân chất và bằng lòng với những gì mình có.

Cuộc hôn nhân gần tròn 20 năm với nghệ sĩ Anh Dũng - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, người đóng cặp với Phương Thanh trong bộ phim Kỷ niệm đồi trăng là một cố gắng tột bậc, hết mình vì gia đình của cả anh và chị. Chị nói: “Mình là người tỉnh táo và biết phân định rạch ròi từng quãng đời cho từng mục đích. Hơn nửa đời cống hiến cho điện ảnh đến vắt kiệt mình, 30 tuổi mới lập gia đình, và nhịn đến 36 tuổi mới sinh con, đến lúc đó gia đình và con cái mới là thứ quan trọng nhất không gì so sánh nổi. Từ bấy đến nay, mình dành tất cả thời gian và sức lực cho cái tổ ấm cỏn con của mình. Đừng nói nghệ sĩ thì không biết giữ gìn hạnh phúc. Chúng tôi hiểu cái giá của hạnh phúc nên cả hai đều nâng niu gìn giữ”.

Chị đã thu mình nhỏ bé và lặng lẽ đi qua những vất vả cực nhọc và nghèo khổ của đời người nghệ sĩ để đến được cái đích của hạnh phúc. Và dù, bạn bè cùng lứa, người tan vỡ, người bất hạnh, người qua mấy lần đò vẫn chưa cập được bến hạnh phúc thì Phương Thanh lại quá viên mãn với hạnh phúc chị dày công xây dựng. Còn điện ảnh hiện nay và ước mơ về những vai diễn đầy đặn cho lứa tuổi của chị, xem ra chỉ là nỗi ám ảnh của những giấc mơ xa mà thôi.