Người đặt nền móng cho y tế dự phòng

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem sức khỏe là tài sản quý giá của mỗi người và cả quốc gia.

Tư tưởng của Người về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt với nguyên lý "phòng bệnh hơn chữa bệnh" đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Những định hướng lớn của Đảng, đặc biệt là chủ trương tiến tới miễn viện phí toàn dân giai đoạn 2030 - 2035, khám sức khỏe định kỳ cho người dân là sự kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới.

Quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ sức khỏe không chỉ là chuyện của từng cá nhân mà là nền tảng phát triển của cả dân tộc. Trong nhiều bài viết, phát biểu và đặc biệt là thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế năm 1955, Người khẳng định: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công".

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khỏe không đơn thuần là trạng thái thể chất mà còn là điều kiện tiên quyết để người dân tham gia kháng chiến, kiến quốc và hưởng hạnh phúc. "Dân cường thì quốc thịnh", "Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công" - Người nhấn mạnh. 

Mỗi người dân khỏe mạnh không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn là lợi thế của quốc gia. Tầm nhìn này không dừng ở lý thuyết. Ngay trong kháng chiến chống Pháp, Người đã quan tâm đến việc đào tạo bác sĩ, phát triển y tế nông thôn, bảo vệ sức khỏe chiến sĩ. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho y tế dự phòng - khái niệm đến nay vẫn là xu hướng cốt lõi của mọi nền y học hiện đại.

Một trong những điểm nổi bật ở tư tưởng Hồ Chí Minh về y tế là đề cao công tác phòng bệnh. Tư tưởng ấy được thể hiện xuyên suốt từ các chiến dịch diệt muỗi, diệt ruồi, dọn dẹp vệ sinh làng xã, cho đến việc phổ biến kiến thức y tế bằng loa phát thanh, bích chương, truyền khẩu.

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - NGỌN ĐUỐC SOI ĐƯỜNG CHO DÂN TỘC (*): Người đặt nền móng cho y tế dự phòng - Ảnh 1.

Ngày 20-4-1963, Bác Hồ thăm Bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây, Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu”. Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN

Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khỏe của cá nhân và sức khỏe của cộng đồng có quan hệ mật thiết với nhau. Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng là một nét đặc sắc trong tư tưởng của Người về chăm sóc sức khỏe. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khỏe không chỉ là tài sản cá nhân mà còn là tài sản chung; tạo nguồn sức khỏe không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm của cộng đồng.

Câu nói của Người: "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe" đã thể hiện rất rõ mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe. Người hết sức coi trọng việc phát động phong trào quần chúng thi đua trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. 

Những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Người gọi đó là phong trào xây dựng "Ðời sống mới". Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào này phải đến với mỗi người và mỗi người phải tham gia. Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương về luyện, rèn ý chí, sức khỏe.

Tầm nhìn xa trông rộng

Năm 1958, Người phát động phong trào "Vệ sinh yêu nước", kêu gọi toàn dân tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn môi trường sống sạch đẹp. Theo Bác, vệ sinh là yêu nước, là cách thiết thực để mỗi người dân bảo vệ mình và người thân khỏi bệnh tật. Với tấm lòng luôn hướng về con người và vì con người, Bác Hồ đã đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh trở thành phong trào "Vệ sinh yêu nước". Bác nói: "Mọi người từ già, trẻ, trai, gái đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh giữ gìn sức khỏe". Ngày 2-7-1958, trong bài báo về "Vệ sinh yêu nước" đăng trên Báo Nhân dân, Người kêu gọi toàn dân thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Người nhấn mạnh quan điểm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh" và đã nêu lên những biện pháp chủ đạo về phong trào "Vệ sinh yêu nước" triển khai một cách thiết thực hiệu quả nhất.

Bài báo của Người nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phòng bệnh và khẳng định phòng bệnh phải từ những việc rất cụ thể. Bác viết: "Nếu tính lại mỗi năm Chính phủ và nhân dân tốn bao nhiêu tiền thuốc men, mất bao nhiêu ngày lao động thì sẽ thấy ruồi, muỗi đã gây nên một số tổn thất khổng lồ... do đó việc phòng bệnh hơn trị bệnh, chịu khó diệt ruồi, muỗi hơn là để ruồi, muỗi gây ra ốm đau rồi phải uống thuốc". 

Để đạt được kết quả trong công tác vệ sinh phòng bệnh, Bác cũng đã chỉ rõ công tác tuyên truyền vận động quần chúng là hết sức quan trọng, Bác nêu lên tinh thần chỉ đạo là phải "Đánh thông tư tưởng quần chúng bằng mọi cách tuyên truyền, giáo dục rộng khắp làm cho già, trẻ, gái, trai và mọi người phải tham gia tích cực".

Tháng 9-1962, trong lần đi thăm xã Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), Người căn dặn: "Vệ là bảo vệ, sinh là sinh sống con người, con người muốn mạnh khỏe sống lâu để lao động sản xuất tốt thì phải ăn ở có vệ sinh, muốn có vệ sinh phải có nước sạch, muốn có nước sạch phải đào giếng, đào nhiều giếng sẽ có nhiều nước sạch...". Ngày 15-2-1965, Bác đã về thăm và làm việc với nhân dân xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, một xã điển hình về phong trào vệ sinh phòng dịch của miền Bắc. Tại đây, Bác đã trực tiếp kiểm tra việc vệ sinh phòng bệnh của địa phương, xuống tận nhà để thăm hỏi sức khỏe người dân và kiểm tra giếng nước hộ gia đình.

Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào "Vệ sinh yêu nước", những ảnh hưởng của phong trào này ngày càng sâu rộng trong xã hội, hiệu quả của nó ngày càng to lớn trong công cuộc chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Phong trào "Vệ sinh yêu nước" đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam trong thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX, giảm đáng kể tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm, đồng thời tạo nếp sống văn hóa lành mạnh trong dân cư.

Cho đến ngày hôm nay, phong trào "Vệ sinh yêu nước" vẫn giữ nguyên những giá trị và những thành quả, từ đó khẳng định tầm nhìn xa trông rộng của Bác Hồ. Đảng và Nhà nước nhận định việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được Bác Hồ cho là quan trọng nhất, tất cả mọi người đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề giữ gìn vệ sinh sức khỏe. 

Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự tham mưu và tổ chức có hiệu quả của ngành y tế, những cố gắng của các cấp ủy Đảng, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các cấp, ngành, sự hưởng ứng tích cực của toàn dân công tác y tế dự phòng đã được triển khai sâu rộng, tác động tích cực đến việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Cụ thể hóa tư tưởng "Phòng bệnh hơn chữa bệnh"

Tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 7-5 vừa qua, Văn phòng Trung ương Đảng đã công bố kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Đảng ủy Chính phủ, các ban, bộ, ngành về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần, đồng thời, đề cập đến chủ trương tiến tới miễn viện phí toàn dân trong giai đoạn 2030 - 2035. Đây là bước đi mang tính cách mạng trong chính sách y tế, thể hiện quyết tâm bảo đảm công bằng và bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế như Bác Hồ từng căn dặn.

Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh việc củng cố hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm đủ năng lực, nhân lực và công nghệ để trở thành nơi người dân đặt niềm tin. Chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho toàn dân được xác định là bước đi cụ thể và cấp thiết nhằm phát hiện sớm, phòng ngừa bệnh tật, giảm chi phí điều trị và giảm tải cho các tuyến trên.

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - NGỌN ĐUỐC SOI ĐƯỜNG CHO DÂN TỘC (*): Người đặt nền móng cho y tế dự phòng - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khám sức khỏe cho người dân tại tỉnh Lai Châu. Ảnh: NGỌC DUNG

Chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng, khám định kỳ và miễn viện phí không chỉ là những biện pháp y tế mà còn là hiện thực hóa quan điểm "Lấy dân làm gốc", xây dựng Nhà nước vì nhân dân phục vụ. Những định hướng này không chỉ thể hiện rõ tư duy chiến lược, tầm nhìn nhân văn trong công tác y tế mà còn là minh chứng sống động cho việc cụ thể hóa tư tưởng "Phòng bệnh hơn chữa bệnh" của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện hoàn cảnh phát triển mới.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-5