NGƯỜI LÍNH CHIẾN TRƯỜNG K NĂM ẤY...
(NLDO) - Tham gia nhiều chiến dịch, đánh nhiều trận, ông Mai Trung Ty đã trưởng thành từ cán bộ chỉ huy trung đội, đại đội, lên đến chỉ huy cấp tiểu đoàn
Sáng sớm trong công viên gần nhà, thỉnh thoảng tôi bắt gặp hình ảnh một người đàn ông chống nạng đi bộ vòng quanh công viên chỉ với một chân còn lại và đôi nạng sắt. Sáng nay rảnh rỗi, tôi tò mò làm quen bắt chuyện. Và thật bất ngờ khi biết ông là thương binh thời chiến trường K!
Lên rừng, theo quân giải phóng
Trò chuyện, tôi được biết ông tên Mai Trung Ty, sinh năm 1942 quê Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Nhìn ông khỏe mạnh và trẻ trung so với tuổi 83. Ông thoát ly gia đình năm 1963, lên vùng rừng núi căn cứ Khu 5 Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1964 ông chính thức khoác áo lính quân giải phóng, thuộc Trung Đoàn Ba Gia, Sư đoàn 2 anh hùng, của Quân khu 5.
Sau thời gian lên núi, được rèn luyện với nhiều công việc khác nhau, đến tháng 4-1965 ông cùng đơn vị cấp tiểu đoàn tham gia một trận đánh. Đó chính là trận đánh đầu đời lính của ông, cùng đồng đội là một đơn vị quân chủ lực của miền. Lúc ấy, ông được phân công làm tiểu đội trưởng tiểu đội gồm 4 người, được giao nhiệm vụ phải bí mật vào giữa đồn địch, đánh từ trong đánh ra (nở hoa trong lòng địch).

Ông Mai Trung Ty cùng người viết tại công viên Tây Thạnh - TP HCM
Trang bị chiến đấu cho tiểu đội chỉ có 1 khẩu Carbine, 1 khẩu Thompson, còn lại là rất nhiều thủ pháo và lựu đạn. Mục tiêu đánh là một tiểu đoàn lính trú đóng tại đồn chợ Minh Huy (Thăng Bình, Quảng Nam). Phía địch có 5 xe bọc thép M113 nằm vòng ngoài làm rào chắn phòng thủ. Với yếu tố bí mật, bất ngờ theo chiến thuật của cấp trên giao phó, ông cắt rào, cùng tiểu đội nhẹ nhàng bò trườn qua nhiều lớp rào để vào bên trong đồn tìm địa hình giấu mình, ẩn nấp, chờ đến giờ G để nổ súng.
Giờ tấn công đã điểm. Ông cùng ba chiến sĩ đồng loạt quăng thủ pháo, lựu đạn vào các vị trí xung yếu như lô cốt, ụ súng hỏa lực của địch. Quân địch hoảng loạn, vì đạn nổ khắp nơi mà không phát hiện được quân ta đang ở đâu, đánh từ hướng nào.
Địch lớp chết, lớp bỏ chạy, lớp bị thương rên la kêu cứu. Mấy chiếc M113 bị hỏa lực B40, B41 của quân ta từ ngoài vòng rào áp sát bắn cháy ngay đầu trận, không kịp trở tay. Trận này, tiểu đội của ông tiêu diệt hơn chục địch quân và đã "bắt sống" được một chiếc M113. Anh em lính xe tăng của trung đoàn đã đưa được chiếc M113 này về căn cứ. Trận đầu tay nay, tiểu đội ông được trung đoàn biểu dương, khen thưởng.
Trưởng thành trong quân ngũ
Qua nhiều trận đánh khắp vùng quê Quảng Nam, Quảng Ngãi như: đồn Cây xanh gồm một đại đội bảo an trấn đóng ở Tam Kỳ; đánh đồn cấp đại đội ở Hà Lam - Thăng Bình, Quảng Tín…, cấp trên đã nhìn thấy ông có tố chất chỉ huy và mưu lược gan dạ. Năm 1965, ông được bầu là Chiến sĩ thi đua của Trung đoàn. Đến năm 1966, ông được cấp trên tạo điều kiện cho đi học Trường sĩ quan lục quân tại Sơn Tây (Hà Nội).
Trong thời gian học sĩ quan, ông được chọn đào tạo chuyên môn về nghiệp vụ của binh chủng đặc công. Năm 1970, ông tốt nghiệp sĩ quan với quân hàm thiếu úy, được biên chế về một trung đoàn đặc công cơ động thuộc Bộ Quốc phòng. Từ năm 1970 đến 1973 cùng đơn vị đặc công Bộ, ông đã tham gia nhiều chiến dịch, đánh nhiều trận từ chiến trường Khu 5, đến Quân khu 7, rồi xuống tận mãi chiến trường vùng Hậu Giang, cho đến Cà Mau của Quân khu 9. Ông đã trưởng thành cùng đơn vị, từ cán bộ chỉ huy trung đội, đại đội, lên đến chỉ huy cấp tiểu đoàn.



Một số bằng khen, giấy khen của vợ chồng ông Mai Trung Ty
Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra từ năm 1978, lúc này ông đã là đại úy, được điều về làm tham mưu trưởng một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 339 (QK9). Cùng đơn vị mới F339, đầu năm 1979 đơn vị ông đã tiến đánh bọn diệt chủng Pôn Pốt từ biên giới Hà Tiên của ta sang tỉnh KamPot, lên Pursat rồi đến đóng quân tại tỉnh Bát Đom Bong - một tỉnh có đường biên giới giáp với Thái Lan. Đến tháng 5-1982 sư đoàn bạn 317 đang đứng chân trên địa bàn này, nhận lệnh rút quân về nước, bàn giao địa bàn lại cho trung đoàn của ông trấn giữ.
Trong một đêm hành quân truy quét địch cuối tháng 5-1982, khoảng 10 giờ đêm, 2 lính cần vụ đã dọn dẹp một khoảng trống để chuẩn bị mắc võng, giăng mùng ngủ nghỉ. Ông đang đi qua, đi lại, dòm ngó quan sát địa hình thì không may giẫm lên lên một trái mìn KP2 của địch cài, còn sót lại. Mìn đã xé nát một bàn chân ông. Loại mìn này, nếu dẫm phải mà bước đi ngay thì nó sẽ nhảy lên tầm ngang thắt lưng mới nổ, lúc ấy lực sát thương sẽ lớn vô cùng.
Khi mìn nổ, ông trung đoàn trưởng đứng cách đó chừng 7-8 m cùng 2 lính cần vụ đã văng ra xa và bị thương do mảnh trúng vô phần mềm. Riêng ông mất chân trái, gãy 3 xương sườn và xương bả vai. Ông nhìn xuống chân, bàn chân trái và khúc cẳng chân đã rách bươm, te tua lòng thòng, lủng lẳng.
Ngay trong đêm, tổ quân y tiền phương của trung đoàn đã sơ cứu và khiêng ông về đội phẫu thuật trung đoàn, mãi đến 5 giờ sáng mới đến nơi. Đội quân y trung đoàn đã 2 lần cắt bỏ ống quyển chân vì hoại tử sau cắt và một lần hoại tử nữa sau khi tháo khớp gối. Lần cắt thứ tư thì mất đến gần khớp háng. Mãi gần một tuần mới có xe của bệnh xá sư đoàn lên, đã đưa ông đi, sau đó đưa ông cùng nhiều đồng đội bị thương khác về nước, vào Quân y viện 175 ở Gò Vấp.
Ông kể tiếp, lúc bị thương do mất quá nhiều máu và nhiều lần phẫu thuật khẩn cấp ở chiến trường, vì điều kiện y tế thuốc men thiếu thốn nên thể trạng ông giảm sút nghiêm trọng, nhiều lần anh em quân y tưởng ông không thể vượt qua. Trong những ngày thập tử nhất sinh ấy, lúc tỉnh lúc mê, ông biết lần bị thương này là ông đã bị loại khỏi chiến trường vì mất một chân. Những lần bị thương trong các trận đánh trước chỉ bị phần mềm nên vài tuần là chiến đấu tiếp được.
Lần bị thương nặng nhất này, ông đang là thiếu tá, tham mưu trưởng của Trung đoàn phó E8 của F339. Trước vài hôm bị thương, ông đã được cấp trên qua điện đàm thông báo tin mừng ông được thăng quân hàm trung tá và được điều về sư đoàn bộ nhận nhiệm vụ mới, sau chiến dịch mùa khô 1982 này.
Hạnh phúc muộn màng, bền vững
Ông kể tiếp: "Tôi bị mất một chân nhưng cũng được bù đắp nhiều thứ. Hơn bốn mươi tuổi, là thương binh cụt chân, thế mà tôi lại được gặp người con gái TP HCM thua tôi chục tuổi, thương yêu". Vợ ông - bà Nguyễn Thị Niễng sinh năm 1952, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1974, là giáo viên THPT. Năm 1984, lễ cưới diễn ra tại Quân đoàn 4 và sau đó ông nhận quyết định nghỉ hưu, chế độ thương binh.

Vợ chồng ông Mai Trung Ty
Thời gian đó, do đời sống của nhân dân cả nước nói chung đều khổ, biết bao khó khăn chồng chất lên đôi vai người vợ trẻ. Với đồng lương giáo viên của vợ và tiền trợ cấp hưu trí, thương binh của chồng, vợ chồng ông đã cùng nhau lao động và làm tất cả những gì có thể làm được. Lần lượt năm 1986, rồi 1988, hai con trai ra đời. Năm 1990, do hai con còn quá nhỏ, vợ ông xin nghỉ dạy học để có thời gian chăm sóc chồng cùng hai con. Ông là thương binh nặng 4/4 nên vợ được hưởng chế độ lương hằng tháng là người chăm sóc.
Vui mừng, hạnh phúc và đầy khó nhọc khi nuôi con khôn lớn, ăn học. Cả hai con đều theo nghiệp của mẹ, con trai lớn là môt tiến sĩ, giảng dạy đại học, đứa em trai là thạc sĩ dạy THPT. Ông khoe tiếp: "Nay tôi đã có 2 cháu nội của thằng con trai lớn, đã có cháu đích tôn được 8 tháng tuổi rồi".