Cưỡi ngựa long rong ở Mông Cổ
Sau khi đi Mông Cổ về, tôi sinh ra một ảo tưởng: phen này mình vào Phú Thọ đua thì thiên hạ cứ gọi là lác mắt.
Chúng tôi đi road trip dài 14 ngày theo lộ trình sau: từ Ulaanbaatar lên miền Bắc, rồi quay về vùng trung tâm. Trong đó, có bốn ngày chúng tôi sẽ được làm cao bồi cưỡi ngựa. Vừa đọc lộ trình, cặp vợ chồng già người Đức, bạn đồng hành của chúng tôi đã tái xanh mặt mũi nói với anh hướng dẫn viên “Liệu tụi tao có thể đi xe thay vì đi ngựa được không?” Anh chàng ok liên tục, như đã quá quen với chuyện chưa đánh đã lùi của du khách này rồi. Tôi cũng có phần run rẩy khi nghĩ đến bốn ngày trời di chuyển bằng ngựa, nhưng chẳng lẽ tuổi mới đôi mươi lại tỏ ra hốt hoảng như hai cô chú kia?
Làm kỵ sĩ băng qua khu rừng thần tiên
Chặng đầu tiên, chúng tôi đi ngựa ở rừng quốc gia Khuvsgol. Nếu bạn hỏi nó ở đâu, tôi sẽ nói đó là một cái rừng đầy thông Siberian, trong rừng có một hồ lớn cũng tên là Khuvsgol nốt, và vào mùa đông, nước hồ sẽ đóng băng. Chỉ cần chạy xe èn èn qua đó vài chục cây số, bạn sẽ đến được hồ Baikal của Nga. Trên thực tế, hồ Khuvsgol và hồ Baikal là hai hồ sinh đôi, chỉ có điều ông anh Baikal “ham ăn” nên to béo hơn một chút.
Và tôi đã thắng.
Niềm khát khao được cưỡi ngựa tung vó trên những thảo nguyên mùa hạ ngập tràn hoa cỏ đã giúp tôi chiến thắng nỗi sợ.
Tôi nín thở nhìn người ta buộc những miếng đệm cưỡi ngựa vào chân mình, rồi lại nhìn mấy con ngựa đang nhởn nhơ ăn cỏ cột ở bờ rào gỗ, lòng không khỏi lo lắng. Đêm qua tôi đã đi vòng quanh khu lán trại hỏi thăm về vụ đi ngựa. Tôi bắt được một cô gái người Canada bèn hỏi “Ê đi ngựa có khó không?” Cô nàng bảo “Dễ ẹc”. Khi cô nàng quay đi, bạn đồng hành của cô ta cho tôi hay “Đừng tin nó, ở Canada nó là huấn luyện viên cưỡi ngựa đó”. Và tôi thấy mình tuyệt vọng thiệt rồi.
Nhưng ngay sau 15 phút leo lên ngựa thì tôi biết là mình sai lầm. Tôi nghĩ mình có thể cưỡi ngựa cả tháng cũng được. Ban đầu, phải ngồi lắt lẻo trên một “cái con” cao lênh khênh và chỉ đi theo ý của nó thì hơi… rùng rợn. Nhưng giống như chơi patin ấy, một khi đã nắm quy luật, đã đi được rồi, thì bạn sẽ chẳng bao giờ té nữa. Và bây giờ, chúng tôi chỉ việc ngắm trời mây, tận hưởng khu rừng thông Siberian mùa hè ngập tràn hoa cỏ, thi thoảng có con suối trong veo vắt ngang, trời thì lạnh tê và không khí trong như lọc.
Ngựa ơi, làm bạn với mình nhé!
Có vài quy luật như thế này. Hãy nói “Trrrrrru” và ghì cương khi bạn muốn đứng lại, và “Chuuu” cộng với thúc cương và chân vào hông ngựa khi bạn muốn đi. Đối với một số bạn ngựa cứng đầu lười biếng thì cần có thêm một cây roi da quất vào mông để làm động lực. Còn nếu bạn muốn phi nước đại thì cứ miệng hô, tay quất liên tục cho đến khi con ngựa chạy như gắn tên lửa thì thôi. Đó là với ngựa Mông Cổ, tôi không biết ngựa Việt Nam có hiểu thuật ngữ chuyên môn đó không, hay có một hệ thống tín hiệu khác.
Không bao giờ được xuống ngựa bên trái hay xớ rớ đứng sau mông ngựa nếu không muốn bị nó đá cho một phát kỷ niệm. Luôn phải cực kỳ “đanh đá” với nó, hãy là người cưỡi nó, đừng để nó cưỡi bạn.
Đừng ngại cho con ngựa xinh của bạn vài phát vào mông nếu nó cứ đi ba bước lại vục đầu ăn cỏ một lần, tè một phát, ị một phát. Cái trò này sẽ lặp lại mãi mãi và bạn sẽ không bao giờ đến nơi đâu, nếu bạn cứ nhượng bộ nó hoài. Tôi ban đầu rất cưng chú ngựa trắng mắt hiền của mình, nhưng sau chú này làm tới quá, kết quả là tôi bị tụt lại sau chót vì nó cứ ăn, ăn và ăn. Thế là anh nài ngựa đưa tôi một cây roi, và ra hiệu tôi phải ra tay trừng trị. Sự việc được cải thiện ngay sau đó.
Không bao giờ cởi đồ trên mình ngựa, thứ nhất là để tránh làm mất mỹ quan (hahaha, tôi đùa đấy), thứ hai là ngựa rất ghét những tiếng sột soạt, và nó có thể nổi điên lên hất bạn xuống đất chỉ vì bạn lỡ dại cởi áo khoác và tiếng áo cọ cọ làm nó bực bội. Tôi nghe anh hướng dẫn viên kể chuyện có một du khách Nhật đã bị gãy cột sống vì con ngựa cô ta cưỡi lồng lên hoảng sợ. Và thứ làm nó hoảng sợ là… một cái bọc ni-lông bay ngang.
Suýt ngã ngựa, và thực sự ngã ngựa
Người ta nói “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” rất có lý do. Ngựa là một loài rất bầy đàn. Nếu một con đi chậm, cả bọn sẽ đi chậm. Một con phi nước đại, những con còn lại sẽ đua theo.
Tôi nín thở nhìn người ta buộc những miếng đệm cưỡi ngựa vào chân mình, rồi lại nhìn mấy con ngựa đang nhởn nhơ ăn cỏ cột ở bờ rào gỗ, lòng không khỏi lo lắng.
Ngày cuối cùng của chặng cưỡi ngựa ở Khuvsgol. Khi đi qua một đồng lầy, tôi, như thường lệ, vẫn đi thong dong một mình, thậm chí còn hơi “lỏng buông tay khấu” say sưa nhìn cảnh vật, chả thèm để ý một sự chung quanh. Tự nhiên nghe uỳnh một cái, tôi thấy mình bị hất xuống đất, rồi khi tôi ý thức được cảnh huống của mình, thì thật là bi đát vô cùng: thân tôi, gồm lưng và hai cánh tay đang bị kéo lê dưới đất, một chân chới với trên trời, một chân còn lại thì mắc trên cái ngàm để chân của ngựa, và con ngựa của tôi thì chạy lòng vòng như điên, kéo lê tôi xềnh xệch. Tôi chỉ còn biết đưa tay ôm lấy đầu với ý nghĩ duy nhất: “Mình chết chắc rồi”.
Đến khi anh nài ngựa xông ra dừng được con ngựa lại, tôi thấy mọi người mặt mày tái mét đứng nhìn tôi một lúc rồi mới như sực tỉnh, chạy lại hỏi han. Người ta gỡ miếng cáp buộc quanh chân tôi ra, nắn bóp xem thử có gãy xương không. Anh hướng dẫn viên kiên quyết không cho đi ngựa nữa, gọi xe đến bìa rừng đón tôi về trạm nghỉ.
Hoá ra có một con chó hoang ở đâu nhảy xổ vào cắn ngựa của tôi. Và con ngựa hoảng loạn, lồng lên, trong khi tôi đang quá chủ quan thả lỏng dây cương. Chân tôi lại móc quá sâu trong ngàm để chân. Cùng một lúc, tôi mắc hai lỗi cơ bản của người cưỡi ngựa. Vết sẹo hình cái ngàm ngựa trên ống quyển không bao giờ mờ nhắc tôi mãi về điều đó.
Và lại lên ngựa…
Sau cú sốc ấy, phần vì quá sợ hãi, phần vì quá thất vọng về mình, tôi không nghĩ mình dám leo lên ngựa lần nữa. Nhưng khi đến hồ Terkhii, một cái hồ núi lửa mênh mông ở miền trung tâm, nơi có bầy hải âu chao liệng, tôi không thể cầm lòng. Và tôi lại lên ngựa. Mọi người hỏi tôi có chắc không. Tôi gật đầu. Đi qua những bãi đá mắcma nhọn hoắt, cảm giác bị kéo lê trên đất hiện về khiến tôi sợ đến đờ người. Nhưng tôi nghĩ đó là một nỗi sợ phải vượt qua trong đời. Một khi đã mắc những sai lầm, người ta sẽ giữ cho mình không được quyền tái phạm nữa, hoặc họ sẽ phải trả giá.
Và tôi đã thắng. Niềm khát khao được cưỡi ngựa tung vó trên những thảo nguyên mùa hạ ngập tràn hoa cỏ đã giúp tôi chiến thắng nỗi sợ. Giờ tôi vẫn nghĩ mình có thể vào Phú Thọ đua ngựa cho người ta lác mắt. Buồn cười không?