Nhiều thách thức chờ hệ thống Vòm Vàng
Hệ thống Vòm Vàng sẽ bao gồm các năng lực trên mặt đất và trên không gian nhằm phát hiện, ngăn chặn tên lửa
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính chỉ riêng các thành phần trên không gian của chương trình phòng thủ tên lửa Vòm Vàng có thể tiêu tốn tới 542 tỉ USD trong 20 năm tới
Thủ tướng Canada Mark Carney hôm 21-5 cho biết nước này đang đàm phán với Mỹ về việc tham gia chương trình phòng thủ tên lửa Vòm Vàng (Golden Dome) trong tương lai của Tổng thống Donald Trump.
Ông Carney cho rằng Canada đang đối mặt với nguy cơ bị đe dọa tên lửa có thể xuất phát từ không gian trong "tương lai không xa" và việc có các biện pháp bảo vệ người dân là điều tốt. Theo hãng tin AP, Tổng thống Donald Trump cũng cho biết Chính phủ Canada đã bày tỏ mong muốn tham gia chương trình và ông sẽ làm việc với Ottawa để bảo đảm nước này "đóng góp công bằng".
Cùng ngày, Trung Quốc nhận định kế hoạch của chính quyền ông Donald Trump nhằm bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công tên lửa sẽ làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang toàn cầu và quân sự hóa không gian ngoài trái đất, cũng như làm suy yếu hệ thống an ninh và kiểm soát vũ khí quốc tế.
Theo Tân Hoa xã, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh kêu gọi Mỹ từ bỏ việc phát triển và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, đồng thời thực hiện các hành động cụ thể nhằm tăng cường lòng tin chiến lược giữa các quốc gia lớn và duy trì ổn định chiến lược toàn cầu.
Hãng tin AP cho biết hệ thống Vòm Vàng được hình dung sẽ bao gồm các năng lực trên mặt đất và trên không gian nhằm phát hiện, ngăn chặn tên lửa ở cả 4 giai đoạn chính của một cuộc tấn công tiềm tàng. Theo đó, phát hiện và phá hủy trước khi phóng, đánh chặn ở giai đoạn bay ban đầu, ngăn chặn khi đang bay giữa chừng trên không, chặn lại trong những phút cuối khi tên lửa lao đến mục tiêu.

Các tấm áp phích giới thiệu hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Vàng tại Nhà Trắng hôm 12-5. Ảnh: AP
Đánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cho thấy nước này dự kiến đối mặt các mối đe dọa tên lửa có quy mô và độ tinh vi lớn hơn trong thập kỷ tới. Lầu Năm Góc cũng nhiều lần cảnh báo rằng các tên lửa mới nhất do Trung Quốc và Nga phát triển hiện nay tiên tiến đến mức cần phải có các biện pháp đối phó được cập nhật.
Đầu tháng này, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính chỉ riêng các thành phần trên không gian của hệ thống Vòm Vàng có thể tiêu tốn tới 542 tỉ USD trong 20 năm tới. Cơ quan này lưu ý rằng hệ thống đặt trên không gian sẽ cần số lượng lớn cảm biến và thiết bị đánh chặn để có thể hoạt động hiệu quả.
Trong khi đó, ông Donald Trump đưa ra mức chi phí thấp hơn và thời gian hoàn thành Vòm Vàng sớm hơn. Ông cho rằng hệ thống sẽ vận hành đầy đủ vào cuối nhiệm kỳ của mình với chi phí xây dựng ước tính khoảng 175 tỉ USD. Ông chủ Nhà Trắng cho biết ông dự định sử dụng năng lực phòng thủ hiện có để xây dựng hệ thống này.
Tuy nhiên, kinh phí cho chương trình vẫn chưa được bảo đảm. Trước mắt, ông Donald Trump tiết lộ đang tìm kiếm 25 tỉ USD cho hệ thống trong một dự luật cắt giảm thuế hiện được Quốc hội xem xét. Mặt khác, Tổng thống Mỹ không cho biết những công ty nào sẽ tham gia hệ thống Vòm Vàng mà chỉ nhấn mạnh dự án sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp tại những bang như Alaska, Indiana, Florida và Georgia.
Giới phân tích cho rằng hàng loạt thách thức về chính trị, khoa học và công nghệ cần phải giải quyết nếu muốn đưa hệ thống Vòm Vàng vào sử dụng một cách hiệu quả. Họ cũng lưu ý dự án có thể còn tốn kém hơn nhiều so với ước tính của ông Donald Trump để đạt được các mục tiêu đề ra.
Năng lực răn đe hạt nhân
Quân đội Mỹ hôm 21-5 đã tiến hành vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lần thứ hai trong năm nay. Theo Không quân Mỹ, tên lửa Minuteman III có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã được phóng từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg (bang California) hướng ra Thái Bình Dương. Minuteman III bay khoảng 6.760 km đến bãi thử hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Lục quân Mỹ tại đảo san hô Kwajalein, thuộc quần đảo Marshall.
Không quân Mỹ khẳng định đây là hoạt động thử nghiệm định kỳ nhằm bảo đảm năng lực răn đe hạt nhân của nước này vẫn an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả trước các mối đe dọa an ninh. Hoạt động này cũng nhằm trấn an các đồng minh của Mỹ, không phải là phản ứng đối với các sự kiện đang diễn ra trên thế giới.
Theo trang Newsweek, khoảng 400 tên lửa Minuteman III đang được triển khai trong hầm phóng đặt tại các bang Colorado, Montana, Nebraska, Bắc Dakota và Wyoming. Tên lửa này có tầm bắn chính thức được công bố trên 9.600 km.
Mỹ hiện có kế hoạch hiện đại hóa lực lượng ICBM thông qua việc thay thế Minuteman III bằng tên lửa Sentinel. Không quân Mỹ tuyên bố Minuteman III vẫn bảo đảm là công cụ răn đe hiệu quả cho đến khi hoạt động của hệ thống mới được hoàn thiện.
ICBM là một thành phần trong "bộ ba hạt nhân" của Mỹ, bên cạnh tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Theo Cơ quan Quản lý an ninh hạt nhân quốc gia Mỹ, nước này sở hữu 3.748 đầu đạn tính đến năm 2023.
Hoàng Phương