Dự báo nhân lực: Còn “áng chừng”!
Thông tin dự báo thiếu chính xác nên không đáp ứng nhu cầu của các cơ quan quản lý và các đơn vị đào tạo cũng như doanh nghiệp
“Hiện nay, công tác thu thập dữ liệu cung - cầu lao động theo hệ thống của ngành LĐ-TB-XH còn phụ thuộc, thiếu các dữ liệu hoặc các dữ liệu không đồng bộ, thống nhất nên cơ sở dữ liệu cho hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực còn quá ít, chưa đáp ứng yêu cầu nghiên cứu sâu và ứng dụng các mô hình dự báo nhân lực trung và dài hạn”.
Bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (Falmi) TPHCM, đã nêu lên những khó khăn trong công tác dự báo nhân lực tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác của Chính phủ mới đây.
Dự báo trên cơ sở... báo cáo hành chính
Trong công tác dự báo nhân lực, yếu tố quyết định cho sự thành công phải xuất phát từ số liệu tuyển dụng thực tế của các doanh nghiệp (DN). Đáng nói là hiện nay, các DN không đưa ra thông tin cũng như định hướng phát triển nguồn nhân lực, vì vậy công tác dự báo nhân lực gặp rất nhiều khó khăn.
Theo bà Mỹ Ngọc, do thiếu tư liệu về thực trạng lao động, cơ cấu DN, cơ cấu và sử dụng nguồn lao động nên các số liệu đưa ra chưa chi tiết, toàn diện về thị trường lao động tại TPHCM.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Falmi. Ảnh: HUỲNH NGA
Ngoài ra, trung tâm cũng chưa thu hút được lao động giỏi, cao cấp và các chuyên gia trong lĩnh vực dự báo nhân lực. Bên cạnh đó, điều kiện làm việc còn hạn chế, phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu trong giao dịch còn hạn chế khiến công tác dự báo càng khó khăn.
Xuất phát từ thực tế làm công tác dự báo, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Falmi, cho rằng hầu hết DN nhỏ và vừa không đưa ra được số liệu cụ thể trong quá trình phát triển của mình. Để có được số liệu phục vụ công tác dự báo, trung tâm phải lấy từ các sở, ngành, chủ yếu là báo cáo hành chính. Do vậy, mọi người thường ví von đó là phương pháp dự báo nhân lực… “áng chừng”!
Chưa được khách hàng chú ý
Dự báo nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định nguồn nhân lực cũng như định hướng cho các đơn vị đào tạo khi định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân: Thông tin dự báo phải chuẩn xác Trong quá trình đầu tư, nếu chúng ta chỉ chú trọng đến vốn, đất đai mà không chú trọng đến nhân lực là một thiếu sót. Do đó, dự báo nhân lực là công tác không thể thiếu trong quá trình phát triển của một quốc gia. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thì thông tin dự báo phải chuẩn xác. Falmi cần xác định lại khách hàng mình là ai, từ đó nâng cao năng lực để có thông tin ngày càng tốt hơn. |
Hằng năm, nhiều DN phải chi những khoản tiền lớn để có được thông tin từ khảo sát lương Việt Nam của những DN tư nhân, còn những số liệu dự báo về nhân lực mà Falmi đưa ra vẫn chưa được khách hàng chú ý.
Nhiều đại biểu đến từ các bộ Kế hoạch - Đầu tư, GD-ĐT cho rằng trung tâm cần xác định lại mục tiêu, khách hàng của mình là ai để từ đó xây dựng tiêu chí hoạt động cho phù hợp. Điều quan trọng nhất là dữ liệu đưa ra phải chính xác mới đáp ứng được nhu cầu của DN.
Trùng lắp chức năng
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường lao động Việt Nam, băn khoăn về việc liệu có cần thiết thành lập trung tâm dự báo như Falmi, vì 5 nhiệm vụ của trung tâm hiện nay gần như trùng lắp với trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL). Theo bà Vân, cần sáp nhập Falmi vào trung tâm GTVL và bổ sung chức năng dự báo nhân lực thì sẽ thành một trung tâm mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng nên sáp nhập Falmi vào Trung tâm GTVL TP để thực hiện chức năng dự báo nhân lực ngắn hạn và trung hạn. Riêng dự báo dài hạn thì đã có Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế thực hiện.