20 năm gắn bó với nghề, anh Nguyễn Đức Quyết đã đào tạo nhiều thế hệ thợ làm tóc, trong đó có những người đoạt danh hiệu Cây kéo vàng
“Quyết ơi, uốn tóc giúp chị”, “Anh Quyết ơi, cắt tóc cho em”. Khách hàng đến với salon Đức Quyết (49 Nguyễn Bặc, phường 3, quận Tân Bình-TPHCM) ngày càng đông và hầu hết đòi cho được Cây kéo vàng Nguyễn Đức Quyết chăm sóc tóc.
Với nụ cười niềm nở trên môi, bằng động tác nhấp kéo điêu luyện, anh Nguyễn Đức Quyết nhẹ nhàng kéo những sợi tóc dài của một nữ khách hàng bằng chiếc lược trên tay.
Những động tác lia kéo tiếp diễn, những sợi tóc được cắt tỉa đã nằm gọn vào nếp. Thời gian trôi qua, khách lần lượt ra về với gương mặt vui vẻ, hài lòng.
Ngẫu hứng với nghề
Ít ai ngờ rằng trước khi trở thành nhà tạo mẫu tóc, anh Nguyễn Đức Quyết lại là bộ đội xuất ngũ. Cơ duyên đưa anh đến với nghề làm tóc là trong lúc đi tìm việc làm, anh ghé thăm nhà người chị họ vốn có salon cắt, uốn tóc.
Khi nhìn người thợ chính của tiệm cắt tóc cho một khách hàng nam, anh vội góp ý với người thợ: “Mái tóc này chưa hợp với khuôn mặt khách”. Thấy em mình nhận xét với ý chân tình, người chị họ liền để anh thử cắt tóc cho một khách hàng kế tiếp.
Anh Nguyễn Đức Quyết thực hiện mẫu tóc
“Nhớ lúc ở quân đội, mình vẫn thường cắt tóc cho nhiều anh em trong đơn vị. Biết đâu mình có cơ duyên với nghề làm tóc”- anh tự nhủ. Sau gần 10 phút thực hiện việc cắt tỉa, vị khách hàng ấy tỏ ra rất hài lòng với mái tóc của mình. Thấy em có khiếu cắt tóc, người chị gợi ý nên theo nghề. Anh gật đầu và chính thức chọn nghề tóc.
Con đường học nghề tóc của anh cũng không mấy suôn sẻ. Anh nhớ lại: “Người thầy đầu tiên mà tôi theo học nghề là cô Trang, quê ở Khánh Hòa. Nhưng học chỉ được 6 tháng, cô ấy đã sang Mỹ định cư”.
Trong lúc bối rối không biết tìm thầy nào để tiếp tục theo học, anh chợt nghĩ để thành công trong nghề, việc tự học hỏi là điều không thể thiếu. Vốn có năng khiếu cộng với việc chịu khó mày mò những mẫu tóc mới từ các catalogue, anh đã tự trang bị những kiến thức về tóc cho mình bằng tất cả niềm đam mê.
Khẳng định tay nghề
Năm 1991, anh mở tiệm cắt, uốn tóc cạnh chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. Nhờ khéo léo và biết tư vấn cho khách hàng kiểu tóc nào phù hợp với khuôn mặt nên anh được nhiều khách hàng tin tưởng.
Anh Nguyễn Đức Quyết cho biết: “Trong thời gian tới, tôi sẽ tổ chức những chương trình giao lưu dành cho hội viên với các nước trong khu vực và thế giới. Từ đó, những người thợ làm tóc Việt Nam có thể phát huy tay nghề tốt nhất thông qua việc cập nhật kiến thức, kỹ thuật làm tóc mới”. |
Anh kể: “Có lần, một cô gái trẻ với mái tóc dài ngang lưng đến tiệm nhờ tôi cắt tóc. Sau khi tư vấn kiểu tóc so le phù hợp với khuôn mặt, cô ấy đã đồng ý với kiểu tóc đã chọn. Không ngờ khi cắt xong vừa đưa kính để cô ấy ngắm lại mái tóc thì cô ta òa khóc, cho rằng mái tóc cô ấy quá ngắn. Tôi dỗ dành mãi nhưng cô ta vẫn khóc to hơn và bắt tôi thường. Cuối cùng, tôi chấp nhận không tính tiền để chuộc lỗi cùng cô ta. Hai ngày sau, tôi rất bất ngờ khi cô gái ấy quay lại và dẫn theo hai người bạn. Cô ấy nói về nhà, ai cũng khen mái tóc đẹp nên bạn em bắt dẫn đến để cắt kiểu tóc giống như thế”.
Năm 1997, cuộc thi Cây kéo vàng do Sunsilk tổ chức diễn ra trên toàn quốc. Anh đã đăng ký tham gia. Tại kỳ thi ấy, anh cùng với 12 thành viên khác đồng giải thưởng Cây kéo vàng. Chưa bằng lòng với những gì mình đạt được, năm 1998, anh tiếp tục tham gia cuộc thi lần 2. Ở cuộc thi này, anh lại vinh dự nhận giải Cây kéo vàng duy nhất trong số nhiều ứng viên tham gia.
Hết mình với thợ trẻ
Anh quan niệm người thợ giỏi phải là người biết tư vấn cho khách hàng những kiểu tóc phù hợp với gương mặt. Ngoài ra, người thợ phải biết tìm tòi cái mới, không ngừng sáng tạo.
Cũng chính vì niềm đam mê với nghề tóc mà anh đã không ít trăn trở: Những người thợ làm tóc rất nhiều nhưng không có nơi quy tụ họ lại để chia sẻ kinh nghiệm, truyền đạt kiến thức lẫn nhau.
Đó cũng là lý do khiến anh cùng với nhiều thành viên tâm huyết lập ra Hiệp hội Tóc TPHCM vào năm 2010. Trong vai trò chủ tịch hội, anh thường tổ chức những chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên.
Hơn 20 năm theo nghiệp làm tóc, điều anh tự hào nhất vẫn là đào tạo nhiều thế hệ kế thừa. Đến nay, đã có hơn 1.000 thợ làm tóc trong cả nước được anh dạy nghề, trong đó có cả những Cây kéo vàng thành đạt như: Trần Đức Thuận và Trần Đức Chí ở TPHCM, Đỗ Đức Huy, Đỗ Minh Sơn ở Hà Nội, Đỗ Minh Cường ở TP Biên Hòa - Đồng Nai... Hiện ngoài vai trò Chủ tịch Hiệp hội Tóc, anh còn đảm nhận vai trò Giám đốc sáng tạo của Trung tâm Dạy nghề Quốc tế Sáng Tạo (quận Bình Thạnh - TPHCM).