Những điều chưa biết về trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức

(NLĐO) - Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được ký gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh phía Nam, quận 1 (TP HCM) theo một văn bản bàn giao.

Khoảng 9 giờ 30 phút sáng 11-6-1963, tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám, quận 3), Bồ tát Thích Quảng Đức đã tự thiêu trước sự chứng kiến của hàng trăm Tăng Ni, Phật tử và người dân.

Ngọn lửa bao trùm thân thể ngài trong suốt gần 15 phút, một thời khắc không chỉ làm sững sờ chính quyền Công giáo Ngô Đình Diệm mà còn đánh thức lương tri thế giới.

Với tâm thế an nhiên, dáng ngồi thiền kiết-già bất động, ngài thiêu thân không phải để phản kháng bằng hận thù, mà để thức tỉnh chính quyền Ngô Đình Diệm: yêu cầu tôn trọng bình đẳng tôn giáo, tự do tín ngưỡng và bảo vệ Phật giáo khỏi pháp nạn đang diễn ra khốc liệt trong bối cảnh phân biệt đối với Phật giáo. 

Những điều chưa biết về trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức- Ảnh 1.

Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức

Xá lợi trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức đã vượt qua mọi định luật vật lý, trở thành bảo vật linh thiêng của Việt Nam, tượng trưng cho đại nguyện, đại bi và đại dũng của một vị Bồ tát giàu lòng từ bi và vô úy.

Sinh năm 1897 tại Khánh Hòa, xuất gia từ nhỏ, Bồ tát Thích Quảng Đức tinh chuyên thiền định và hành trì giới luật. Trải qua gần 60 năm tu hành, ngài gắn bó với công cuộc hoằng pháp độ sinh và có công xây dựng khoảng 30 ngôi chùa từ Nam Trung Bộ đến miền Nam.

Khi Phật giáo Việt Nam bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp nặng nề, Bồ tát Thích Quảng Đức chọn cách hy sinh thân mạng để đánh động lương tâm của chính quyền Ngô Đình Diệm, mở ra con đường đối thoại và bảo vệ lý tưởng bất bạo động của đạo Phật. 

Những điều chưa biết về trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức- Ảnh 2.

Hình ảnh Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu

Từ năm 1963 đến nay, hình ảnh và di sản của Bồ tát Thích Quảng Đức đã trở thành biểu tượng toàn cầu về đấu tranh bất bạo động. 

Việc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức không chỉ làm chấn động Sài Gòn, mà còn gây áp lực mạnh mẽ đến chính quyền Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế đối với chính quyền Ngô Đình Diệm. 

Những hình ảnh do ký giả Malcolm Browne ghi lại được lan truyền khắp các bản tin quốc tế gồm The New York Times, Time, Life, v.v.

Ngọn lửa từ thân xác thân ngài đã thổi bùng lên làn sóng phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, thúc đẩy hàng loạt cuộc xuống đường bất bạo động trên cả nước.

Cuối năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Hành động của Bồ tát Thích Quảng Đức là bước ngoặt lịch sử, góp phần thay đổi cục diện chính trị, mở đường cho tiến trình hòa bình, tôn trọng đa nguyên tôn giáo và thúc đẩy sự đoàn kết dân tộc trong những năm tháng nhiễu nhương.

Ngay sau lễ hỏa táng, trái tim còn nguyên vẹn của Bồ tát Thích Quảng Đức được Phật giáo Việt Nam tôn trí tại Chùa Xá Lợi, quận 3, TP HCM. Sau đó không lâu, trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức được tôn trí tại Việt Nam Quốc Tự cho đến năm 1991, trở thành biểu tượng tâm linh bất hoại, được Tăng Ni và Phật tử cả nước đảnh lễ với tất cả lòng kính ngưỡng.

Đến 11 giờ trưa ngày 26-4-1991, xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức chính thức được ký gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh phía Nam, quận 1 (TP HCM) theo một văn bản bàn giao. 

Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký gửi là Hòa thượng Thích Thiện Hào (Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP HCM) và Hòa thượng Thích Từ Nhơn (Phó Trưởng Ban Tăng sựTrung ương). 

Xá lợi trái tim được bảo quản cẩn mật trong điều kiện an ninh cao nhất từ năm 1991 đến đầu tháng 5-2025.

Từ ngày 27-4-2025, lần đầu tiên trong lịch sử, xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được tôn trí song song với xá lợi Phật từ Viện Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ (National Museumof India) để cộng đồng Việt Nam có dịp chiêm bái nhân dịp Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 được GHPGVN tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM từ ngày 6 đến 8-5-2025.

Sau Đại lễ Vesak LHQ2025, xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được tôn trí tại Bảo tháp Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP HCM. Việc tôn trí long trọng xá lợi trái tim lần này không chỉ mở ra cơ hội chiêm bái đặc biệt, mà còn là sự xác tín tinh thần của GHPGVN đối với giá trị từ bi, vô úy, bất diệt mà Bồ tát Thích Quảng Đức để lại cho lịch sử Việt Nam và nhân loại.