Bút sa, chỉ hủy là xong?!

Trong tháng 3, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng kết quả kiểm tra, xử lý những văn bản trái pháp luật ở 33 địa phương (trong đó có TPHCM).

Những địa phương này đã ban hành 86 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái luật (cách xử lý là ra quyết định thay thế, chỉnh sửa, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản). Tính sơ sơ, một địa phương có chí ít 1 hoặc 2 văn bản trái luật. Có ý kiến cho rằng, cả nước có... vô số văn bản mà chỉ có 86 cái sai thì đáng là bao. Nhưng nếu cán bộ ta hiểu rằng đằng sau vài tờ văn bản mỏng tang đó là số phận con người, là sự vận hành cả một bộ máy, một phường - xã, một quận - huyện hay rộng hơn là cả một tỉnh, một TP với hàng triệu dân... thì chắc đã không vô tư ký rẹt rẹt đến mức trái cả luật lệ như vậy. Không thể thống kê nổi mức độ thiệt hại hữu hình và vô hình của những văn bản “lệ làng” trên.

“Bút sa gà chết”. Làm sao chặn ngay từ đầu đừng để mấy cây bút... sa bậy bạ rồi phải ngồi lại tìm cách giải quyết... hậu quả. “Trị” các “quan tham mưu” dỏm, cho cán bộ học luật nhiều hơn nữa... Nhưng có lẽ cách tốt nhất là truy cứu trách nhiệm... người ký! Có vậy cán bộ ta mới chịu khó cân nhắc tới lui trước khi quyết định, không bút sa bậy bạ nữa.