Những giờ phút "nghẹt thở" ở thủy điện Thác Bà

(NLĐO) - Đợt bão số 3 và mưa lũ vừa qua, thủy điện Thác Bà phải chuẩn bị phương án xấu nhất. "Đó là thời điểm vô cùng căng thẳng và lo lắng" - ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc công ty thủy điện Thác Bà, nhớ lại

Nước về hồ tăng theo giờ

Nhiều người ở TP Hà Nội cũng như một số tỉnh phía Bắc không thể quên thời điểm chiều ngày 10-9 vừa qua, tại Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội, các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, nhất là Yên Bái chuẩn bị phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà.

Những giờ phút "nghẹt thở" ở thủy điện Thác Bà- Ảnh 1.

Lưu lượng về hồ đạt mức cực đại 5620 m3/s, mức nước hồ đạt 59,28 m3/s

Những giờ phút "nghẹt thở" ở thủy điện Thác Bà- Ảnh 2.

Nếu phải phá đập phụ 4 thì sẽ có thêm lưu lượng khoảng gần 800 m3/s nữa đổ về hạ du và sẽ chắc chắn làm mức nước hạ du cao thêm 2 m nữa, gây thêm cảnh ngập lụt vô cùng lớn

Trước đó chỉ vài tiếng, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đang thị sát tình hình ngập lụt và công tác ứng phó tại tỉnh Bắc Giang đã phải dừng lại để họp trực tuyến với điểm cầu Trụ sở Chính phủ và các điểm cầu Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội với việc đưa ra những quyết định quan trọng.

Sau đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký công điện số 91/CĐ-TTg gửi Bí thư, Chủ tịch UBND 3 tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà. Vậy chuyện gì đã xảy ra ở hồ thủy điện Thác Bà.

Mức nước hồ Thác Bà (so với mực nước biển) như sau: Mực nước dâng bình thường: 58 m. Mực nước cảnh báo cấp 1: 58,85 m; Mức nước cảnh báo cấp 2: 59,65 m; Mức nước cảnh báo cấp 3: 61 m. Khả năng xả lũ tối đa của công trình: 3.650 m3/s (tương ứng với mực nước hồ ở mức 61 m và 3 cửa xả phải mở hết và 3 tổ máy phải xả nước chạy phát điện hết công suất tối đa).

Đại diện thủy điện Thác Bà cho biết trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam, ngày 6-9, Công ty đã tiến hành mở 2 cửa xả số 1 và 3, kết hợp xả nước phát điện tối đa 2 tổ máy. Tổng lưu lượng xả qua công trình khoảng 1.000 m3/s. Chiều và tối ngày 8-9, mức nước hồ dao động khoảng 57,5 m và lưu lượng nước về hồ chỉ ở khoảng 500 m3/s. Tổng lưu lượng xả qua công trình vẫn giữ khoảng 1.000 m3/s.

Những giờ phút "nghẹt thở" ở thủy điện Thác Bà- Ảnh 3.

Mặc dù đã mở hết 3 cửa xả, tổng lưu lượng xả qua công trình cũng chỉ đạt khoảng 2.600 m3/s so với lưu lượng về hồ vẫn lớn hơn 3.000 m3/s

Những giờ phút "nghẹt thở" ở thủy điện Thác Bà- Ảnh 4.

Những giờ phút "nghẹt thở" ở thủy điện Thác Bà- Ảnh 5.

Hình ảnh sạt lở khi lũ dâng cao

Tuy nhiên, đến thời điểm 15 giờ ngày 8-9, Công ty đã có văn bản gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) các huyện, thị trấn, và xã vùng hạ du, đồng thời chạy 2 xe gắn loa phóng thanh hai bên bờ sông Chảy về phía hạ du cảnh báo khả năng phải xả lũ qua công trình với lưu lượng lớn đến 2.260 m3/s, đề nghị các cấp chính quyền thông báo người dân chủ động di chuyển người và tài sản. Sau khi nhận được thông báo, rất nhiều địa phương đã chủ động họp dân và yêu cầu ký cam kết chủ động di chuyển người và tài sản.

Đến 23 giờ ngày 8-9, lưu lượng nước về hồ bắt đầu tăng lên 1.310 m3/s, sau đó tăng đột biến vào lúc 0 giờ ngày 9-9 là 3.617 m3/s và vào lúc 1 giờ ngày 9-9 là 4.305 m3/s. Ngay trong đêm lúc đó, Ban Chỉ huy PCTT đã họp khẩn cấp để bàn về phương án ứng phó để xả lũ qua công trình với lưu lượng lớn. Tuy nhiên do là ban đêm nhân dân vùng hạ du vẫn còn đang ngủ nên Công ty không thể tiến hành xả lũ.

Tình hình lưu lượng lớn về hồ được Công ty báo cáo đến Cục Quản lý đê điều và PCTT - Bộ NN-PTNT; đến Ban Chỉ huy PCTT các cấp chính quyền. Thời điểm mở 3 cửa xả để xả với lưu lượng lớn là lúc 6 giờ ngày 9-9 theo Công điện của Bộ NN-PTNT. Mặc dù đã mở hết 3 cửa xả, tổng lưu lượng xả qua công trình cũng chỉ đạt khoảng 2.600 m3/s so với lưu lượng về hồ vẫn lớn hơn 3.000 m3/s. Do đó, mức nước hồ vẫn tiếp tục tăng khoảng 3 cm/1 giờ.

Vào lúc 18 giờ ngày 9-9, mức nước hồ đạt 58,38 m và lưu lượng về tiếp tục tăng lên 3.800 m3/s. Đến 2 giờ ngày 10-9, lưu lượng về hồ tiếp tục tăng đến xấp xỉ 5.000 m3/s và mức nước hồ đã đạt mức cảnh báo cấp 1 là 58,85 m.

Ngay giữa 12 giờ trưa 10-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp với tất cả các địa phương liên quan và chỉ đạo tổ chức di dời ngay lập tức hơn 10.000 dân trong vòng 4 tiếng đồng hồ và sẵn sàng cho phá đập phụ để cứu đập chính

Kịch bản xấu là phá đập phụ số 4

Ngay trong đêm và rạng sáng 10-9, Công ty đã gửi văn bản báo cáo các cấp chính quyền về tình trạng khẩn cấp của hồ thủy điện Thác Bà đang ở mức báo động 1 và mức nước vẫn tiếp tục tăng do lưu lượng về hồ vẫn lớn hơn lưu lượng xả khoảng 1.000 m3/s. Công ty đã báo cáo tới Bộ NN-PTNT; Bộ Công Thương; UBND các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang về tình trạng khẩn cấp trên.

Những giờ phút "nghẹt thở" ở thủy điện Thác Bà- Ảnh 6.

Bộ NN-PTNT cùng Công ty Thủy điện Thác Bà và các đơn vị họp bàn phương án phá 1 đập phụ

Những giờ phút "nghẹt thở" ở thủy điện Thác Bà- Ảnh 7.

Bàn công tác ứng phó với tình huống khẩn cấp tại thủy điện Thác Bà

Những giờ phút "nghẹt thở" ở thủy điện Thác Bà- Ảnh 8.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn kiểm tra nhà máy thủy điện Thác Bà

Những giờ phút "nghẹt thở" ở thủy điện Thác Bà- Ảnh 9.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long kiểm tra phương án đảm bảo an toàn hồ thủy điện Thác Bà

Tình trạng khẩn cấp đã được xác định như sau: Nếu mức nước về tiếp tục tăng hơn so với mức xả tối đa thì mức nước hồ sẽ đạt tới cấp báo động 3 là 61 m. Dung tích hồ ở cấp báo động 3 là khoảng 3,9 tỉ m3. Nếu mức nước tiếp tục tăng lên trên cấp báo động 3 thì sẽ có nguy cơ vỡ đập chính, gây thảm họa ngập lụt lớn vùng hạ du, vì thế cần phải tìm giải pháp tránh nguy cơ mất an toàn nếu vỡ đập chính.

Vào lúc 9 giờ ngày 10-9, lưu lượng về hồ đạt mức cực đại 5.620 m3/s, mức nước hồ đạt 59,28 m3/s. Trước tình hình mức nước hồ đã tăng nhanh trên đến mức báo động 1 (58,85 m) và gần đến mức báo động 2 (59,65 m), vào lúc 10 giờ ngày 10-9, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đến làm việc với Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà để kiểm tra công trình xả lũ và khảo sát các đập phụ và tính toán phương án phá 1 đập phụ để tăng lưu lượng xả và cứu đập chính. Phương án dự kiến là đập phụ số 4 đã được thống nhất với Công ty và các cấp chính quyền địa phương huyện Yên Bình và các xã có các hộ dân bị ảnh hưởng. Phương án này được Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Thủy điện Thác Bà được khánh thành từ năm 1962, khi đó thiết kế lưu lượng lũ về tối đa chỉ 3.000 m3/giây và lưu lượng xả là 3.200 m3/giây, nhưng đến ngày 10-9, đoàn công tác ghi nhận lũ đã lên đến 5.600 m3/giây, tức là gần gấp đôi lượng lũ về thời điểm trước.

Chính vì vậy, thủy điện Thác Bà đứng trước nguy cơ "ngàn cân treo sợi tóc". Ngay giữa 12 giờ trưa ngày 10-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp với tất cả các địa phương liên quan và chỉ đạo tổ chức di dời ngay lập tức hơn 10.000 dân trong vòng 4 tiếng đồng hồ và sẵn sàng cho phá đập phụ để cứu đập chính.

Bởi vì, nếu vỡ đập chính, lượng nước 3 tỉ m3/giây tràn xuống sông Chảy, rồi đổ ra sông Lô ở Yên Bái, sẽ làm tăng thêm 3 m nước, mức độ sẽ tàn phá rất khủng khiếp. Theo đó, "chúng ta phải chấp nhận giải pháp gì đó để gây ra thiệt hại ít hơn" - ông Hiệp nói.

Được biết, UBND huyện Yên Bình cũng đã triệu tập nhiều cuộc họp với Công ty và các xã về thực hiện trước phương án di dời người dân và tài sản vùng ảnh hưởng xong trước 10 giờ ngày 11-9 nếu phải phải kích hoạt phương án phá đập phụ số 4 (dự kiến đập số 4 sẽ được phá vào chiều ngày 11-9 khi mức nước hồ tăng lên đạt 61 m).

Đến chiều ngày 10-9, lưu lượng về hồ và mức nước hồ vẫn tiếp ở mức rất cao khoảng 4.400 đến 4.800 m3/s. Các công tác chuẩn bị cho việc phá đập phụ số 4 được UBND tỉnh phối hợp với Quân Khu 2 và Sư đoàn 316 được thực hiện theo kế hoạch. Đập số 4 được bảo vệ nghiêm ngặt.

Sau những giờ nghẹt thở tin vui đã đến, lúc 10 giờ ngày 11-9, mức nước hồ bắt đầu giảm về 59,83 m3/s, lưu lượng về giảm còn 2.955 m3/s, lưu lượng xả 3.200 m3/s. Như vậy, lưu lượng về đã bắt đầu nhỏ hơn lưu lượng xả và chắc chắn mức nước sẽ tiếp tục giảm. Mức nước cảnh báo cấp 3 sẽ không đạt tới và việc phá đập phụ số 4 sẽ không phải thực hiện.

"Dự lệnh" không trở thành "động lệnh"

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc công ty thủy điện Thác Bà, chia sẻ: Mọi việc trở nên vô cùng căng thẳng và lo lắng cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT khi mà mức nước tiếp tục tăng nhanh, lưu lượng về hồ vẫn lớn hơn lưu lượng xả rất nhiều (hơn 1.000 m3/s) để dẫn tới tình huống phải phá dỡ đập phụ số 4.

Bởi lẽ khi công trình đang xả với lưu lượng 3.200 m3/s thì mức nước vùng hạ du đã ngập cao lên 6 m so với hàng ngày thông thường, nếu phải phá đập phụ 4 thì sẽ có thêm lưu lượng khoảng gần 800 m3/s nữa đổ về hạ du và sẽ chắc chắn làm mức nước hạ du cao thêm 2 m nữa gây thêm cảnh ngập lụt vô cùng lớn cho vùng hạ du.

Vào lúc 18 giờ ngày 10-9, mức nước hồ đạt mức báo động cấp 2 là 59,65 m. Lúc này lưu lượng xả ra đã tăng lên khoảng 3.200 m3/s và lưu lượng về hồ tăng lên 4.420 m3/s. Từ 5 giờ ngày 11-9, mức nước hồ đạt cực đại 59,84 m, lưu lượng về giảm còn 3.570 m3/s, lưu lượng xả 3.200 m3/s. Mức nước cực đại này giữ nguyên đến 9 giờ ngày 11-9.

Sau những giờ nghẹt thở tin vui đã đến, lúc 10 giờ ngày 11-9, mức nước hồ bắt đầu giảm về 59,83 m3/s, lưu lượng về giảm còn 2.955 m3/s, lưu lượng xả 3.200 m3/s. Như vậy, lưu lượng về đã bắt đầu nhỏ hơn lưu lượng xả và chắc chắn mức nước sẽ tiếp tục giảm. Mức nước cảnh báo cấp 3 sẽ không đạt tới và việc phá đập phụ số 4 sẽ không phải thực hiện. "Dự lệnh" phá đập phụ số 4 đã không trở thành "động lệnh".

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kể lại trong thời điểm đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương liên quan bằng mọi cách giảm xả tại các hồ khác về thủy điện. Rất may sau đó nước bắt đầu rút dần và phương án phá đập phụ đã không diễn ra.

Trước tình thế nguy cấp của thủy điện Thác Bà, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng - đã trực tiếp kiểm tra về tình huống khẩn cấp, đồng thời cùng đưa ra những chỉ đạo sát sao.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy vừa thôi nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái để nhậm chức Bộ trưởng hồi cuối tháng 8 đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ trở lại trực tiếp chỉ đạo phòng chống lũ lụt, sạt lở đất tại Yên Bái, trong đó có phương án xử lý ứng phó với tình huống nguy cấp tại thủy điện Thác Bà.

Trong khi đó, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, thông tin địa phương đã di dời hơn 10 ngàn dân chỉ trong 4 giờ để chuẩn bị cho phương án xấu nhất là phá đập phụ số 4. Đó là cuộc di dân "lịch sử" và rất may mắn là phương án phá đập không phải xảy ra. Đây cũng giây phút mà ông Tuấn không muốn nhớ lại.

Như vậy, nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ và các cơ quan ban ngành của Trung ương; sự chỉ đạo, phối hợp kịp thời của chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Yên Bái và các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Phú Thọ, của lực lượng vũ trang Quân khu 2, của lực lượng Công an nhân dân... đã thực hiện điều tiết thành công cơn lũ lịch sử, đảm bảo an toàn công trình, góp phần giảm bớt thiệt hại do mưa lũ gây ra cho vùng hạ du cũng như công trình, nhà máy, hồ chứa Thủy điện Thác Bà.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết: "Thành viên Ban chỉ huy PCTT của công ty suốt 3 ngày đêm từ 9-9 đến 11-9 không dám ngủ cũng như hầu như không kịp ăn vì phải theo dõi tình hình mưa trên lưu vực, tình hình lưu lượng nước về hồ, mức nước, lưu lượng xả, báo cáo trực tiếp và bằng văn bản tới các cơ quan chức năng…

Ngoài ra, nhờ có dung tích lớn, lưu lượng nước về thượng nguồn hồ Thác Bà trên 4.000 m3/s và đặc biệt đỉnh lũ 5.600 m3/s đã được hồ thủy điện Thác Bà ngăn lại để điều tiết và công trình thủy điện Thác Bà chỉ phải xả xuống hạ du với lưu lượng 3.200 m3/s. Nếu không có sự điều tiết này thì đỉnh lũ 5.600 m3/s sẽ chảy thẳng xuống hạ du và gây ra thảm họa ngập lụt vô cùng nghiêm trọng.

"Chúng ta đã an toàn khi không phải sử dụng tới tình huống xấu nhất" - Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá. Thủ tướng biểu dương Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT và cấp uỷ, chính quyền các cấp, người dân Yên Bái và các cơ quan, lực lực lượng, địa phương liên quan đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn cho hồ thủy điện Thác Bà.

Qua tình huống nguy cấp trên, nhiều bài học về tinh thần chủ động, đoàn kết cùng phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong việc đảm bảo an toàn hồ đập, trong đó có thủy điện Thác Bà, là rất quan trọng để vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai thời tiết, từ đó bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân.

Vượt mốc đỉnh lũ thiết kế kiểm tra tần suất 1 vạn năm/lần

Tình huống nước về hồ Thác Bà lớn đến 5.600 m3/s đã vượt qua mức đỉnh lũ thiết kế của công trình 5.100 m3/s (ứng với tần suất 0,01% (tức 1 vạn năm mới có 1 lần).

Ngoài ra, với lưu lượng về hồ liên tục trên 4.000 m3/s duy trì liên tục trong suốt 28 giờ (từ 20 giờ ngày 9-9 đến 0 giờ ngày 11-9 cũng đã vượt ra ngoài tình huống được tính toán, dự báo.