Những hội nhóm “chết người” trên mạng: Chiêu trò dạy “bùng nợ”
Người dùng tham gia vào các hội nhóm “bùng nợ” tỏ ra quan tâm các khoản vay sẽ được các đối tượng “chăm sóc chu đáo” bằng nhiều cuộc gọi, tin nhắn hướng dẫn dịch vụ
Sau khi cơ quan chức năng ngăn chặn 8 hội nhóm "hướng dẫn tự tử" và 43 hội nhóm "hướng dẫn bùng nợ" trên mạng xã hội Facebook, một số nhóm chuyển sang chế độ nhóm kín. Dùng tài khoản ảo thâm nhập vào các hội nhóm này, phóng viên Báo Người Lao Động đã phát hiện hàng loạt chiêu trò dẫn dụ để lừa đảo nhiều người đang có nhu cầu vay tiền.
Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày đều có bài viết chia sẻ cách "bùng nợ". Khi có người đăng bài than thở sẽ có hàng chục người vào bình luận "động viên, chia sẻ". Đáng chú ý, sau những lời đồng cảm, những người này dẫn dắt "con nợ" vào nhắn tin riêng.
Bên cạnh các thành viên của các hội nhóm "bùng nợ" không trả được nợ vì không đủ thu nhập thì phần lớn thản nhiên xem việc "quỵt nợ" là chuyện bình thường. Họ không ngại khoe khoang chiến tích, mánh khóe đi vay công ty tài chính, vay app online… rồi trốn nợ, lấy đó như một cái cớ để quảng cáo, dẫn dụ các thành viên khác sử dụng dịch vụ "hỗ trợ trốn nợ, xóa nợ", hoặc thậm chí dẫn đến vay một app tín dụng đen khác.
Admin nhóm Zalo kín “Hội ACE 3 miền” liên tục trấn an thành viên trong nhóm bằng cách gửi các clip nói chuyện với các công ty cho vay
Phía dưới một bài viết trong nhóm kín "Tư vấn bùng nợ thẻ tín dụng và vay tiêu dùng" (37.600 thành viên) thu hút hơn 100 lượt bình luận với các nội dung đồng cảm, trấn an, thậm chí là khiêu khích, chia sẻ chi tiết cách "bùng nợ": "Haha nó hù tui hoài", "Eo eo sợ quá. Làm dăm bảy cái hồ sơ vay nữa cho đỡ sợ", "Tao pha ấm trà ở nhà đợi rồi. Bọn mày đi thì đi đông vào, không đi một hai người thì không ai khiêng về được đâu".
Ngay tại bài viết này, phóng viên nhắn tin cho một tài khoản đã để lại bình luận đầy hấp dẫn: "ib em gửi cho 30 app mà vay" và được điều hướng nhắn tin qua Zalo, sau đó được thêm vào nhóm "Gia đình bùng app và chia sẻ kinh nghiệm cách đối phó".
Người này gửi một link tổng hợp đầy đủ 30 app vay tiền kèm hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, người này lại thúc giục phóng viên đăng ký vay nhiều app khác nhau, sử dụng thông tin cá nhân như CCCD, ảnh chân dung, số điện thoại chính xác. Không loại trừ khả năng, những yêu cầu cầu về thông tin cá nhân là mồi nhử để những kẻ xấu sử dụng vào giao dịch khác, khiến nợ chồng thêm nợ.
Phóng viên tiếp tục nhắn tin với tài khoản quảng cáo dịch vụ hỗ trợ bùng nợ và nhận được lời cảnh báo: "Nên nhớ một khi đã hết khả năng trả app thì không có cách nào chặn tụi app gọi về người thân mình. Các hình thức chặn app xóa phốt tạo hồ sơ trả gốc chỉ là lừa đảo". Người này cho biết các chiêu trò đó với mục đích chiếm đoạt tiền cọc khi "con nợ" có nhu cầu nhanh chóng "xóa nợ".
Đồng thời, người này chào mời tham gia nhóm Zalo kín với hơn 400 thành viên mang tên "Hội ACE 3 miền" đã và đang được hỗ trợ "bùng nợ".
Trao đổi với phóng viên về quá trình "xóa nợ", người này cho biết sẽ thực hiện theo 3 bước. Đầu tiên sẽ dùng số điện thoại và giọng nói tổng đài để thông báo cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp rằng thông tin cá nhân của "con nợ" đã bị lộ và đang bị các công ty tài chính lợi dụng đòi nợ. Đồng thời, chuyển hướng toàn bộ cuộc gọi của "con nợ" sang phía nhóm "hỗ trợ xóa nợ", và cuối cùng sẽ đăng đính chính những hình "con nợ" chụp với CCCD để vay nợ trước đó là bị cắt ghép. "Tụi em biết cách nói chuyện thì hồ sơ trên app của chị sẽ nhanh trôi. Các app đó chỉ duy trì được một thời gian thôi, sau đó sẽ chết. Chị không cần phải lo, tụi em sẽ hỗ trợ chị đến khi nào hết thì thôi" - người này cam kết.
Trong nhóm Zalo kín này, các thành viên khoe "chiến tích" như lừa được người thân tin tưởng bị lộ thông tin, "bùng nợ" được thời gian dài… Người có tài khoản Zalo Ad Trương Nhom (Admin trưởng nhóm - PV) liên tục gửi các đoạn video nói chuyện với công ty tài chính nhằm trấn an tinh thần cho các thành viên.
Những tin nhắn trong nhóm Zalo kín “Hội ACE 3 miền”.
Lần theo những thành viên trong nhóm "Hỗ trợ nợ xấu vay tiền", phóng viên liên hệ với anh N.Q. (ngụ Mỹ Phước 2, tỉnh Bình Dương) - nạn nhân đã từng bị các đối tượng lừa tiền bằng nhiều hình thức khác nhau trên nhóm "bùng nợ".
Anh Q. cho biết chiêu trò chung của các đối tượng là yêu cầu chuyển khoản trước, sau đó thông báo thông tin sai để tiếp tục lừa tiền. "Có nhiều hình thức lừa đảo trên các nhóm như chuyển phí kiểm tra hồ sơ, phí chấm sim, làm hồ sơ vay giả, mộc giả… Sau đó, các đối tượng lừa đảo lấy lý do cung cấp sai thông tin để yêu cầu nạn nhân chuyển thêm tiền, cứ như vậy, số tiền cứ thế tăng dần" - anh Q. nói.
Thực tế, chỉ cần người dùng tỏ ra quan tâm các khoản vay sẽ được các đối tượng "chăm sóc chu đáo" bằng nhiều cuộc gọi, tin nhắn hướng dẫn dịch vụ. Giá của các dịch vụ phụ thuộc vào số tiền "con nợ" vay trên các app tín dụng giao động từ vài trăm đến hàng triệu đồng.
Điểm chung của các chiêu trò này là đánh vào tâm lý nhẹ dạ, dễ dãi để hướng người dùng tham gia vào một quy trình lừa đảo khó lường hòng chiếm đoạt tài khoản và tiền. Nếu không tỉnh táo, rất nhiều người có thể sa chân vào chiếc bẫy khổng lồ mà các đối tượng có mục đích lừa đảo đã giăng ra, rồi rơi vào tình cảnh tiền mất, tật mang.