Những năm tháng không quên

Không chỉ là những kỷ niệm đẹp khi công tác ở Báo Người Lao Động, điều mãi mãi đọng lại trong tôi còn là những bài học về làm báo, làm người

Nhớ đến những ngày làm việc ở Báo Người Lao Động là nhớ về những người anh, người chị, những đồng nghiệp với biết bao chuyện không thể kể hết. Nhưng trên hết, có lẽ chúng tôi nhớ mãi những tháng năm đẹp nhất trong đời làm báo ở Người Lao Động.

Một nỗi nhớ

Trường CĐ Sư phạm Cần Thơ ngày 16-3-2003, hội trường hơn 2.000 chỗ chật cứng học sinh khối 12. Không khí vui như ngày hội. Phóng viên Đài Truyền hình Cần Thơ khẩn trương nối dây để tường thuật trực tiếp buổi tư vấn tuyển sinh mở màn chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" của Báo Người Lao Động.

Buổi tư vấn diễn ra trong 3 giờ. Hội trường như sôi lên bởi những cánh tay học trò giơ cao tranh nhau đặt câu hỏi. Trên bàn thư ký, chuông điện thoại reo liên hồi. Bạn đọc xem truyền hình trực tiếp buổi tư vấn gọi điện tới đặt câu hỏi. Ban Tư vấn làm việc liên tục. Buổi đầu tiên ra mắt chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" thành công ngoài dự tính.

Mỗi khi năm học vừa kết thúc, chuẩn bị cho mùa tuyển sinh ĐH-CĐ, nhóm phóng viên Ban Khoa giáo Báo Người Lao Động cũng đối mặt câu hỏi: Làm sao giúp học sinh lớp 12 chọn đúng ngành, đúng trường phù hợp sở thích, năng lực? Chưa có nghiên cứu nào nói về sự lãng phí trong việc chọn sai ngành học của thí sinh nhưng chắc hẳn con số này không nhỏ. Mỗi kỳ tuyển sinh có khoảng 1,5 triệu lượt thí sinh đăng ký, bao nhiêu em trong đó đăng ký sai nghề nghiệp tương lai?

Những năm tháng không quên - Ảnh 1.

Nhà báo Từ Nguyên Thạch ghi chép buổi trò chuyện của 3 nhà giáo: GS Trần Văn Giàu, GS Hoàng Như Mai và PGS Trần Hữu Tá (từ trái qua). Ảnh: NGUYỄN HỮU

Do vậy, cần có một hoạt động sau mặt báo để tư vấn cho thí sinh chọn đúng ngành học. Đó là một nhu cầu cấp bách. Ban Khoa giáo mạnh dạn đề xuất lên Ban Biên tập. Được sự đồng ý cao về chủ trương, chúng tôi ngẫm nghĩ ý tưởng rồi họp với các phóng viên cùng bàn bạc, thống nhất xắn tay áo vào làm.

Thông qua Ban Biên tập, công văn được gửi đến Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM mời đồng tổ chức. Các phóng viên cùng nhau tìm kiếm nhà tài trợ. Chúng tôi thiết kế kịch bản, nội dung chương trình, lên kế hoạch triển khai trình Ban Biên tập. Mọi việc "vừa chạy vừa xếp hàng".

Năm 2004, tại buổi lễ trao giải báo chí hằng năm do Hội Nhà báo TP HCM tổ chức, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" của Báo Người Lao Động được trao giải B (không có giải A) về thể loại công trình báo chí. Những năm sau đó, "Đưa trường học đến thí sinh" đi dần vào chiều sâu và mang lại nhiều thành quả. Trong đó, thành quả lớn nhất là Báo Người Lao Động đã neo được trong lòng hàng triệu phụ huynh, học sinh và bạn đọc.

Những tình thân

Những năm tháng công tác ở Báo Người Lao Động để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Ban Khoa giáo khi đó có lúc là "siêu" ban, vì ngoài lĩnh vực giáo dục, khoa học còn "gánh" thêm mảng y tế, việc làm. Thời tôi công tác, ban còn nhận thêm trang Lối sống.

Đến giờ, gương mặt những phóng viên thân yêu vẫn hiện ra mỗi khi tôi nhớ lại: Cao Tuấn, Diệu Hằng, Nguyễn Hà, Huy Lân, Mỹ Dung, Trà My, Thùy Dương, Đồng Văn Hùng… Hồi ấy họ trẻ trung, nhiệt tình, lãng mạn và có chút máu… liều. Vâng, họ đã làm được nhiều việc, có thành công, có thất bại và tất cả đã thành kỷ niệm không bao giờ quên. Họ có những lúc vui cười nhưng cũng có những lúc "nóng đầu", cự cãi hoặc giận dỗi đáng yêu của cánh phóng viên nữ…

Cứ thế, chúng tôi bước đi cùng thời gian và các hoạt động hướng về bạn đọc - nhất là công nhân, viên chức và người lao động nghèo, như tôn chỉ, mục đích của Báo Người Lao Động. Hàng loạt chương trình lần lượt thai nghén rồi ra đời, như: Chương trình Giới thiệu việc làm với chuyên trang Việc làm; chương trình học bổng Nguyễn Văn Trỗi mang tên "Vì những người thợ trẻ tương lai"; cuộc thi viết "Người Thầy tôi yêu"…

Và những người anh, người chị

Mùa hè 1999, nhà báo Phan Hồng Chiến - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động lúc đó - lặn lội ra miền Trung chỉ đạo "Chiến dịch 15 ngày giúp bạn đọc Đà Nẵng và miền Trung tìm việc làm", trao học bổng, xây trường học và ngủ dọc đường, ăn cơm bụi cùng cánh phóng viên. "Máu" làm báo hòa làm một, không còn phân biệt chức vụ.

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động giai đoạn sau đó, nhà báo Nguyễn Thị Hằng Nga, như người chị trong gia đình. Có lẽ do tính cách của phụ nữ, chị luôn quan tâm đến đời sống, thu nhập của anh chị em trong cơ quan. Mỗi dịp đến nhà gặp gỡ, chị hỏi thăm gia đình, sức khỏe trước khi hỏi chuyện bài vở.

Phó Tổng Biên tập - anh Lê Minh Giám là mẫu người khác, thâm trầm mà sâu sắc. Anh tận tình góp ý, định hướng từng đề tài, chi tiết nhỏ. Có lần tôi được phân công phỏng vấn Bí thư Thành ủy TP HCM Trương Tấn Sang cho đặc san Người Lao Động Xuân 1994. Khi bài đã được lên trang, anh Lê Minh Giám vẫn gọi lại hỏi những chuyện nằm ngoài nội dung phỏng vấn. Tôi cứ thật tình kể lại. Nghe xong, anh hào hứng: "Chi tiết hơn 10 giờ khuya, Bí thư Thành ủy mới xong công việc, về nhà chưa kịp ăn cơm lại tiếp nhà báo rất đắt. Em tìm cách thêm vào bài báo". Mà đúng vậy, khi báo phát hành, đồng nghiệp khen chi tiết đó giúp bài phỏng vấn thêm sức nặng.

Còn nhiều người để kể, mỗi người một vẻ. Mãi mãi còn lại trong chúng tôi không chỉ là những kỷ niệm đẹp mà còn là những bài học về làm báo, làm người.