Những ngày không thể nào quên
Những ngày tháng 4 lịch sử, đến Hóc Môn, chúng tôi được nghe những câu chuyện sống động về vùng đất anh hùng qua lời kể của các nhân chứng sống
Lần giở lại những trang sử hào hùng của nhân dân vùng đất Hóc Môn - 18 Thôn Vườn Trầu, ông Nguyễn Văn Tân (SN 1952; ấp Tây Lân 2, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM), hiện là Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến xã Bà Điểm, khẳng định: Phong trào cách mạng, tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm đã có từ rất sớm ở vùng đất này.
Cái nôi cách mạng
Tham gia phong trào cách mạng từ năm 1967 theo tiếng gọi thanh niên tòng quân giết giặc, ông Nguyễn Văn Tân nhớ như in truyền thống quê hương: Cha ông, bà con xóm giềng và những thanh niên đồng lứa đã đồng lòng, dũng cảm, chia nhau từng nắm cơm, con cá, nằm gai nếm mật, bám trụ giữ từng tấc đất cho quê hương.
Bắt đầu là cuộc khởi nghĩa 18 Thôn Vườn Trầu diễn ra ngày 9-2-1885, do ông Phan Văn Hớn là Tổng lãnh binh, ông Nguyễn Văn Quá làm Chánh lãnh binh. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, nghĩa quân bắt và chém đầu tên đốc phủ Trần Tử Ca độc ác trước Di tích Dinh quận Hóc Môn.
Sau khởi nghĩa 18 Thôn Vườn Trầu, dù bị giặc Pháp đàn áp nhưng phong trào cách mạng vẫn âm thầm diễn ra tại Hóc Môn. Giọng hào hùng, người lính xưa đọc lại 4 câu thơ thể hiện chất anh hùng của người dân nơi đây khi bị giặc bắt vẫn không nao núng: "Lao tù dù lắm khổ đau/ Nhưng thù mất nước còn đau hơn nhiều/ Nhọc nhằn gian khổ bao nhiêu/ Nuôi con mau lớn diệt tiêu quân thù".

Ông Nguyễn Văn Tân nhớ lại những người anh hùng ở vùng đất Hóc Môn
Mốc son lịch sử tại vùng đất Hóc Môn theo ông Tân không thể không nhắc đến là cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra đêm 22 rạng sáng 23-11-1940. Cuộc khởi nghĩa do Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương và lãnh đạo nhằm chống sự thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Hiện nay, di tích "Nơi hội họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9-1940" trên đường Trần Văn Mười, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn trở thành nơi tổ chức họp mặt kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, lễ giỗ các chiến sĩ Nam Kỳ đã hy sinh.
"Là người con vùng đất anh hùng, chúng tôi tự hào, luôn khắc ghi những đóng góp của Đảng bộ, chiến sĩ cách mạng đã hy sinh xương máu, đấu tranh chống xâm lược và bảo vệ đất nước. Năm nào cũng vậy, đến ngày lễ giỗ các chiến sĩ Nam Kỳ hay các vị lãnh đạo Đảng tại Khu Tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng, anh em chúng tôi lại tề tựu về thắp nén hương tưởng nhớ" - ông Tân bộc bạch.
Chỉ quyết tiến lên
Với người lính Biệt động Sài Gòn, cựu tù chính trị Côn Đảo, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến huyện Hóc Môn Mai Văn Tòng (SN 1944, xã Xuân Thới Thượng), thì sự anh dũng của người dân vùng đất Hóc Môn thể hiện rõ qua 3 giai đoạn gồm: 1930-1945, 1945-1960 và 1960-1975.
Đặc biệt, tại xã Xuân Thới Thượng, nơi gia đình ông hoạt động cách mạng, khí chất anh hùng càng thể hiện rõ khi đây là vùng hẻo lánh, xa trung tâm nên được các cán bộ Đảng chọn là nơi ẩn náu, bàn kế đánh giặc.
Dẫn chúng tôi ra khu vườn sau nhà, nơi từng có đường hầm bí mật đi qua, ông Tòng kể: Ở chỗ nào có đường hầm bí mật, ở đó bị đồn có ma, có cọp để người dân, quân địch hạn chế ra vào. Khi có hầm bí mật, các chiến sĩ, cán bộ về trú ẩn, lập tức, các chị rỉ tai nhau gom góp lương thực, thuốc men, quần áo, họ nấu cơm, gói bánh tiếp tế, không quản ngày đêm.
Vào lực lượng Biệt động Sài Gòn từ năm 1962, ông Tòng trực tiếp tham gia nhiều trận đánh quan trọng ở đồn Bến Phân, bót Bình Mỹ, bót Ngã Ba Chùa, trạm kiểm soát Bình Triệu. Đến năm 1969, ông bị địch bắt, đi tù Côn Đảo.
Theo ông Tòng, khi ở tù, tin tức ở Côn Đảo cập nhật rất nhanh, anh em rất nôn nóng được ra ngoài để tham gia các trận đánh lớn. Tháng 2-1974, theo tinh thần Hiệp định Paris, tôi được thả ra, đưa về đơn vị cũ ở Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) nghỉ dưỡng và được công nhận lại đảng tịch, cấp bậc. Đến đầu năm 1975, khi quân giải phóng đánh xong Đắk Lắk, giải phóng Tây Nguyên thì tinh thần anh em ở đây dâng lên rất cao. Ai cũng mong được phân công nhiệm vụ để cùng quân giải phóng tiến về Sài Gòn.
"Sáng 29-4, chúng tôi được phân công nhiệm vụ đi cùng Bộ Tư lệnh, chỉ huy đơn vị để bảo vệ cho đoàn quân giải phóng tiếp tục tiến vào Sài Gòn. Tiểu đoàn 1 quân giải phóng từ Củ Chi về, chúng tôi theo chân họ đánh từ Bà Điểm đến hãng dệt Thắng Lợi. Lúc này, Tiểu đoàn 2 sau khi đánh xong xã Xuân Thới Thượng cũng hòa cùng đoàn và tiếp tục đi xuống Ngã tư Bảy Hiền, đi tới đâu quân giải phóng đánh chiếm và cắm cờ đỏ sao vàng đến đó.
Khí thế mọi người hừng hực, chỉ biết tiến lên, không sợ chết. Lúc 10 giờ, khi chiếm được Biệt khu Thủ đô gần Bệnh viện Trưng Vương thì đoàn chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ" - ông Tòng phấn khởi kể lại.
Với người lính Biệt động Sài Gòn như ông Tòng, những ngày cuối tháng 4 lịch sử năm 1975 mãi mãi được khắc ghi trong tim, không thể nào quên.
Nhà nhà, người người theo cách mạng
Theo ông Mai Văn Tòng, giai đoạn 1930-1945, đã có những chi bộ Đảng đầu tiên tại xã Xuân Thới Thượng - lúc đó chia 2 làng gồm chi bộ làng Tân Thới Thượng và Xuân Thới Tây. Giai đoạn 1945-1960, phong trào vũ trang cách mạng phát triển mạnh tại xã Xuân Thới Thượng; đặc biệt từ 1947-1952, tại đây đã xuất hiện hệ thống địa đạo dài gần 4 km, là nơi trú ẩn của các chiến sĩ cách mạng khi địch càn quét dữ dội.
Năm 1952, địch phát hiện vùng này là căn cứ của Đảng ủy Gò Vấp nên bắn phá liên tục, từ năm này đến năm 1960 địch tăng cường bắt bớ, giết hại người dân vô tội, đặc biệt các tên ác ôn viện cớ bắt những người có uy tín trong làng để bắn khiến dân chúng vô cùng phẫn nộ. Để trấn áp tinh thần cách mạng của nhân dân, thực dân Pháp đã lập trường bắn Ngã Ba Giồng ngay tại xã này, khiến biết bao người con cách mạng đã ngã xuống, trong đó có cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
"Đến năm 1960, chuẩn bị Đồng Khởi, chính quyền phát động phong trào kêu gọi thanh niên tòng quân giết giặc. Ở trên phát động, ở dưới nhà nhà, người người rỉ tai nhau cho con em theo cách mạng. Đến năm 1963, phong trào phá ấp chiến lược trỗi lên mạnh mẽ, dưới sự chỉ huy của 3 đại đội gồm C5, C10 và 15, tất cả ấp chiến lược ở vùng này bị phá rã sạch sẽ" - ông Tòng nhớ lại.