Nổi loạn tuổi dậy thì: Thấu hiểu hay kiểm soát?

(NLĐO)- Tuổi dậy thì là hành trình tìm kiếm chính mình đầy thử thách và "nổi loạn" chỉ là biểu hiện tự nhiên của quá trình đó

Tuổi dậy thì, giai đoạn "bản lề" trong quá trình phát triển tâm- sinh lý của con người, thường được ví như một cơn bão: dữ dội, hỗn loạn, khó đoán định. Trong khoảng thời gian này, trẻ thường có những biểu hiện "nổi loạn" khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng, bất an và lúng túng trong cách ứng xử.

Khi con bắt đầu phản kháng

Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể cùng với quá trình hình thành bản sắc cá nhân khiến trẻ tuổi dậy thì dễ xuất hiện những biểu hiện chống đối, bướng bỉnh, hay nổi nóng, bất mãn với lời nói hoặc hành động của người lớn. Việc đặt câu hỏi ngược lại, từ chối nghe lời, cáu gắt vô cớ hoặc muốn tách biệt khỏi gia đình… không hiếm thấy trong giai đoạn này.

Trẻ không còn muốn nghe theo "mệnh lệnh" của người lớn như thời thơ ấu mà muốn tự quyết định, thể hiện "cái tôi" mạnh mẽ. Những hành vi này, nếu không được nhìn nhận đúng, dễ bị gán nhãn là "bất trị", "vô lễ", từ đó kéo theo những phản ứng gay gắt từ phía phụ huynh, làm gia tăng mâu thuẫn trong gia đình.

Tâm lý tuổi dậy thì phát triển theo hướng khẳng định bản thân, tìm kiếm sự độc lập và được công nhận như một cá thể riêng biệt. Ở giai đoạn này, trẻ đặc biệt nhạy cảm với cảm xúc cá nhân, dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè, trào lưu xã hội và mạng xã hội. Các yếu tố như áp lực học tập, thay đổi ngoại hình, tò mò về giới tính, xung đột giá trị giữa trẻ và người lớn… càng làm tăng tính bất ổn tâm lý.

Điều đáng lưu ý là trẻ tuổi dậy thì thường cảm thấy không được thấu hiểu, dù luôn khao khát được lắng nghe và công nhận. Cảm giác bị áp đặt, thiếu quyền lựa chọn, bị theo dõi sát sao hoặc không được tôn trọng quyền riêng tư có thể dẫn đến những hành vi cực đoan hơn như nổi loạn, thu mình hoặc rơi vào khủng hoảng tinh thần.

Nổi loạn tuổi dậy thì: Thấu hiểu hay kiểm soát? - Ảnh 1.

"Giữ dây" mà không khiến dây đứt

Không ít cha mẹ khi thấy con có biểu hiện "lệch chuẩn" liền áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt: cấm đoán, ép buộc, theo dõi, kỷ luật nghiêm khắc… Tuy nhiên, việc kiểm soát thái quá thường chỉ đem lại hiệu ứng ngược: trẻ trở nên đối đầu, mất niềm tin, thu hẹp chia sẻ hoặc tìm cách "vượt rào".

Ngược lại, nếu buông lỏng hoàn toàn, trẻ dễ bị cuốn vào ảnh hưởng tiêu cực từ bạn bè xấu, mạng xã hội hoặc các xu hướng lệch chuẩn mà không có người định hướng.

Vấn đề đặt ra kiểm soát bao nhiêu là đủ? Làm sao để "giữ dây" mà không khiến dây đứt?

Thay vì chỉ tập trung kiểm soát, cha mẹ cần chọn con đường thấu hiểu- tôn trọng- đồng hành. Đây là "chìa khóa vàng" để giảm thiểu xung đột và giúp trẻ vượt qua giai đoạn chuyển tiếp này một cách an toàn.

Lắng nghe thay vì ra lệnh: Hãy dành thời gian trò chuyện với con một cách cởi mở, không áp đặt, không phán xét. Thay vì chỉ nói "con phải làm gì", hãy hỏi "con đang nghĩ gì, con cảm thấy sao?" để hiểu được thế giới nội tâm của trẻ.

Tạo không gian an toàn cho con thể hiện chính mình: Cho phép trẻ được thử nghiệm những điều mới (trong giới hạn an toàn), bày tỏ suy nghĩ và sở thích cá nhân. Sự tôn trọng sẽ giúp trẻ mở lòng và tin tưởng cha mẹ hơn.

Đặt ranh giới rõ ràng nhưng linh hoạt: Thay vì cấm đoán cứng nhắc, hãy cùng con xây dựng những quy ước gia đình trên cơ sở thỏa thuận. Trẻ sẽ có cảm giác được tham gia quyết định, từ đó có trách nhiệm hơn với hành vi của mình.

Hướng dẫn thay vì trừng phạt: Khi trẻ mắc lỗi, điều cần làm không phải là trừng phạt nặng nề, mà là cùng con nhìn lại hậu quả và hướng đến cách sửa sai. Cách ứng xử bao dung nhưng kiên định sẽ giúp trẻ học cách chịu trách nhiệm.

Luôn là "hậu phương vững chắc": Dù con có giận dữ, la hét hay từ chối trò chuyện, cha mẹ hãy giữ bình tĩnh và kiên trì thể hiện tình yêu thương. Một cái ôm, một lời động viên đúng lúc có thể hóa giải hàng rào cảm xúc tưởng chừng không thể phá vỡ.

Tuổi dậy thì là hành trình tìm kiếm chính mình đầy thử thách và "nổi loạn" chỉ là biểu hiện tự nhiên của quá trình đó. Cha mẹ không cần quá lo sợ hay phản ứng cực đoan, mà cần thay đổi vai trò từ người chỉ huy thành người dẫn dắt. Khi cha mẹ học cách thấu hiểu, con cái sẽ học được cách trưởng thành.