NSND Thoại Miêu, NSND Phượng Loan, NS Chí Tâm hát mừng Đại lễ Phật đản Vesak
(NLĐO) – Các nghệ sĩ cải lương bày tỏ cảm xúc chào mừng Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025

Từ trái sang: NSND Phượng Loan, NSƯT Tâm Tâm, NSND Thoại Miêu
Trong những ngày này, nghệ sĩ sân khấu cải lương và số đông ca sĩ, diễn viên múa đã hòa trong không khí hân hoan của hàng triệu Phật tử trên toàn thế giới, hướng đến Đại lễ Phật đản Vesak
Liên hợp quốc Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025. Nhiều nghệ sĩ cải lương tại TP.HCM đã xúc động chia sẻ niềm vinh dự và tự hào khi được tham gia biểu diễn trong các chương trình văn nghệ chào mừng được tổ chức tại nhiều chùa.

NSND Thoại Miêu và NSƯT Tô Châu
NSND Phượng Loan chia sẻ: "Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và bình an khi được góp phần lan tỏa thông điệp từ bi, trí tuệ và hòa bình của đạo Phật thông qua loại hình nghệ thuật dân tộc mà tôi theo đuổi.
Sân khấu cải lương chính là cây cầu kết nối tinh thần dân tộc và giá trị tâm linh trong dịp trọng đại này."
NSND Thoại Miêu, người đã gắn bó với CLB Hoa Lan Trắng do Sầu nữ NSƯT Út Bạch Lan sáng lập, chuyên tổ chức biểu diễn văn nghệ kết hợp trao quà thiện nguyện cho người nghèo tại các chùa đã tâm sự: "Được hóa thân vào vai diễn nhỏ trong một vở tuồng hoặc trích đoạn cải lương có sức ảnh hưởng tâm linh sâu sắc là một trải nghiệm rất đặc biệt.
Theo di nguyện của cố NSƯT Út Bạch Lan, chúng tôi vẫn giữ hoạt động của CLB và trong những ngày mừng đại lễ Phật đản ý nghĩa này,. Hoạt động của CLB là niềm vui đối với chúng tôi khi thể hiện những bài ca cổ, những trích đoạn cải lương viết về Đức Phật".

NSND Phượng Loan
Khi thể hiện trích đoạn cải lương "Cuộc đời Đức Phật" trong đêm văn nghệ, NSND Trọng Phúc bày tỏ xúc động: "Tôi đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng để thể hiện sự từ bi và điềm tĩnh của Ngài bằng tất cả tấm lòng và sự kính ngưỡng".
Ngoài ra, các nghệ sĩ trẻ cũng tham gia sôi nổi với tinh thần cống hiến. NS Cao Mỹ Châu cho biết: "Chúng tôi cảm thấy mình không chỉ đang biểu diễn, mà còn đang gửi gắm những điều tốt đẹp đến khán giả – sự tỉnh thức, lòng yêu thương và tinh thần sống thiện lành".

NSND Thoại Miêu
Không chỉ trình diễn cải lương, chương trình còn có các tiết mục ngâm thơ, tụng kinh nghệ thuật, và biểu diễn ca nhạc Phật giáo mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, tạo nên một không gian văn hóa – tâm linh hài hòa và sâu lắng.
Khán giả tham dự chương trình đã có những giây phút lắng đọng và tràn đầy cảm hứng khi được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật ý nghĩa, hướng đến những giá trị cao đẹp của đạo Phật và văn hóa truyền thống dân tộc.
Đại lễ Phật đản Vesak là dịp để nghệ thuật cải lương khẳng định vai trò trong đời sống tinh thần của người Việt, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng trong và ngoài nước.

NS Chí Tâm
Nghệ sĩ Chí Tâm, người tham gia biểu diễn các ca khúc Phật giáo và những sáng tác ca cổ mà ông viết về Đức Phật, đã chia sẻ: "Được tham gia biểu diễn trong Đại lễ không chỉ là cơ hội quý báu để học hỏi các tiền bối mà còn là dịp để tôi lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người.
Tôi tin các hoạt động văn nghệ không chỉ là nghệ thuật giải trí mà còn là kênh chuyển tải triết lý sống, đặc biệt là trong các dịp lễ tâm linh như Vesak".
Bên cạnh các trích đoạn cải lương nổi bật, chương trình còn có các tiết mục hợp ca Phật giáo, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc, múa sen tịnh tâm và ngâm thơ, được dàn dựng công phu với ánh sáng và nhạc nền trang nghiêm.
Khán giả, gồm nhiều Phật tử, người dân và du khách nước ngoài tại TP HCM đã đón nhận chương trình bằng tất cả sự trân quý. Bà Nguyễn Thị Hạnh, một Phật tử tại Quận 3, xúc động: "Tôi chưa từng xem cải lương trong không gian lễ hội Phật giáo như thế này. Mỗi câu hát, điệu múa đều làm cho tâm hồn tôi lắng dịu".
Các chương trình văn nghệ Phật giáo năm nay không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn góp phần củng cố lòng từ bi, yêu chuộng hòa bình và kết nối cộng đồng, đúng với tinh thần của Vesak Liên Hiệp Quốc.