NSND Tự Long và dấu ấn trong vở chèo "Vùng trời bình yên"
(NLDO) – NSND Tự Long là người dồn hết tâm huyết để dàn dựng vở chèo nhân văn về những người gìn giữ bình yên nơi biên ải

Nhân vật Hoàng do NS Hoàng Thanh Huấn (giữa) thể hiện thật nhiều cảm xúc
Sáng 2-7 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ V - 2025, Nhà hát Chèo Quân đội đã mang đến một dấu ấn đặc biệt bằng vở diễn "Vùng trời bình yên" (kịch bản: Min Hương, đạo diễn: NSND Tự Long).
Ngôn ngữ chèo tinh tế, giàu chất thơ và hơi thở đương đại
Được dàn dựng công phu với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công trẻ trung, tài năng, đây là một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt mang tính tuyên truyền, giáo dục sâu sắc và chạm đến chiều sâu tâm hồn người xem bằng thứ ngôn ngữ chèo tinh tế, giàu chất thơ và đầy hơi thở đương đại.

Vở chèo "Vùng trời bình yên"được dàn dựng rất đời, dạt dào cảm xúc
Vở chèo kể về Hoàng – một chiến sĩ công an trẻ tình nguyện về nhận nhiệm vụ tại một xã vùng biên, nơi những vụ việc dân sự lặt vặt như trộm gà, đánh vợ hay say rượu tưởng chừng là công việc thường nhật.
Thế nhưng, chính từ nơi tưởng như "tẻ nhạt" ấy, Hoàng lại bắt đầu hành trình chạm đến trái tim bà con bản làng, trở thành cán bộ được dân yêu quý, tin tưởng gửi gắm niềm tin.
Hoàng là hình mẫu của những chiến sĩ công an lặng lẽ, kiên nhẫn nại xây dựng niềm tin từ những điều bình dị nhất. Và khi đối mặt với một chuyên án ma túy lớn, thử thách thực sự đến – không chỉ về nghiệp vụ, mà là cuộc đối thoại nội tâm giữa tình cảm và lý trí, giữa lòng nhân và trách nhiệm.
Nhiều lớp diễn đầy cảm xúc trong vở chèo "Vùng trời bình yên"
Kịch tính hòa cùng chất liệu chèo mềm mại
NSND Tự Long là người nghệ sĩ sống vì niềm đam mê chèo sâu đậm. Ông từng đoạt giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động năm 2024.
Ông đã kể câu chuyện về vùng trời bình yên bằng hình thức không quá ồn ào, không dữ dội, nhưng vẫn đưa người xem vào những khoảnh khắc thắt tim – khi Hoàng nhận ra đối tượng truy nã chính là cha của hai đứa trẻ anh từng cứu.
Khi lệnh vây bắt được triển khai, Hoàng buộc phải chạy theo người đàn ông ấy – không chỉ vì nhiệm vụ, mà còn vì một niềm tin chưa dứt vào phần thiện còn sót lại trong con người đã từng có lúc ấm lòng vì con thơ.

Thác nước thật đẹp được đầu tư trong vở chèo "Vùng trời bình yên"
Một hành động bừng sáng trong mảng tối, đủ để chuyển hóa tất cả những định kiến về kẻ chuyên bắt có trẻ em bán ra nước ngoài và tham gia đường dây ma tuý.
Chi tiết đắt của vở không chỉ khiến người xem lặng người, mà còn gợi lên một suy ngẫm sâu sắc: công lý không chỉ là sự trừng phạt, mà còn là khả năng cảm hóa, khả năng đánh thức điều thiện trong mỗi con người.
Chèo không xưa cũ mà rất thời đại
Điều đặc biệt khiến "Vùng trời bình yên" ghi dấu trong lòng khán giả chính là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa chèo cổ và cảm xúc hiện đại. Những làn điệu chèo ngọt ngào, da diết, vẫn giữ nguyên hồn cốt dân tộc, được đặt trong bối cảnh núi rừng hùng vĩ. Những tuyến nhân vật dung dị mà chân thực, từ cặp vợ chồng người Mông hay cãi vã Mệt - Lữ, đến cô giáo trẻ nặng lòng với bản làng đã tạo nên một không gian sân khấu vừa nên thơ, vừa gần gũi.

Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân được NSND Tự Long dàn dựng bình dị, rất đời trong vở chèo "Vùng trời bình yên"
Đặc biệt, cảnh trí thác nước được tái hiện trên sân khấu như một bức tranh sống động. Trong khi đó, phần âm nhạc được trình diễn bởi dàn nhạc công chuyên nghiệp đã nâng tầm cảm xúc vở diễn.
Và rồi, từ những câu hát tưởng như dân dã ấy, một triết lý sống được thắp lên: bình yên không chỉ là không có bạo lực, mà còn là sự yên tâm trong lòng dân – sự vững tin vào những con người đang ngày ngày sống và hành động vì cộng đồng.

NSND Tự Long theo dõi đứa con tinh thần của mình - vở chèo "Vùng trời bình yên"
"Vùng trời bình yên" đòi hỏi người xem cùng nhập tâm và suy ngẫm. Nhưng chính sự sâu lắng ấy lại là sức mạnh chạm đến chiều sâu cảm xúc điều mà chèo luôn làm được khi được nâng đỡ bởi bàn tay đạo diễn hiểu chèo, yêu chèo như NSND Tự Long và những nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Chèo Quân đội.