Ở nơi sầu riêng không lo... "sầu chung"
Minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ góp phần nâng cao hình ảnh và năng lực cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế
Dù không nằm trong nhóm cây trồng chủ lực, nhưng những năm qua, nhiều nông dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là TP HCM) vẫn kiên trì đầu tư trồng sầu riêng theo hướng bài bản, sạch và an toàn. Nhờ đó, những lứa trái đã được cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt.
Quy trình nghiêm ngặt
Một ngày cuối tháng 6, mới sáng sớm, vườn sầu riêng 1,5 ha của ông Danh Nguyên, ngụ xã Láng Lớn (nay là xã Kim Long, TP HCM), nhộn nhịp tiếng thương lái và xe tải vào thu mua. Ở tuổi ngoài 70, ông Nguyên vẫn cần mẫn chăm sóc từng gốc sầu riêng với quyết tâm duy trì mô hình canh tác sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo ông Nguyên, năm nay vườn nhà ông trúng mùa, sản lượng đạt khoảng 20 tấn, tăng 5 tấn so với vụ năm ngoái. Tuy nhiên, giá bán lại không được như kỳ vọng, chỉ ở mức 36.000 đồng/kg, thấp hơn so với vụ trước. Dẫu vậy, sau khi trừ chi phí, gia đình ông vẫn thu về khoản lãi hơn 500 triệu đồng.
Ông Nguyên là xã viên của HTX Sầu riêng Liên Đức, đơn vị hiện sở hữu 4 mã số vùng trồng đạt chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc, với tổng diện tích 87 ha. Từ vụ đầu tiên xuất khẩu chính ngạch năm 2023, đến nay hàng trăm tấn sầu riêng của HTX đã được đưa ra thị trường quốc tế, góp phần mang lại đầu ra ổn định cho người trồng.

Gia đình ông Danh Nguyên đang đầu tư 1,5 ha sầu riêng năng suất cao
Ông Đoàn Đức Hòa, đại diện HTX Liên Đức, khẳng định đơn vị vẫn kiên trì thực hiện quy trình sản xuất khép kín, an toàn. Theo ông Hòa, vấn đề được đặc biệt quan tâm hiện nay là kiểm soát hàm lượng cadimi, yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu của sản phẩm. "Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các thành viên theo dõi chỉ số cadimi trong vườn. HTX cũng đã trang bị máy đo chuyên dụng để phát hiện sớm và có hướng xử lý kịp thời" - ông Hòa nói.
Ngoài ra, HTX khuyến cáo nông dân giảm thiểu sử dụng hóa chất, thay vào đó tăng cường dùng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và giữ vững uy tín thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế. "Nhờ làm đúng quy trình, sản phẩm của chúng tôi vẫn giữ được sức hút với doanh nghiệp thu mua. Năm nay, HTX dự kiến đạt sản lượng khoảng 600 tấn, phần lớn sẽ được xuất sang Trung Quốc" - ông Hòa cho biết.
Hiện HTX Liên Đức đã liên kết với 38 hộ dân trên địa bàn, không chỉ hỗ trợ kỹ thuật mà còn thu mua trái tươi để cung ứng cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu theo hợp đồng liên kết.
Vườn sầu riêng 3,5 ha của ông Nguyễn Hữu Bê cũng đang bước vào vụ thu hoạch cao điểm. Trong đó, khoảng 2 ha đang cho trái ổn định, gồm giống Ri6 và Thái. Theo ông Bê, năng suất năm nay vượt trội so với vụ trước, ước tính đạt khoảng 40 tấn, tăng 10 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giá bán sụt giảm nhưng nhờ sản lượng cao, gia đình ông kỳ vọng đạt doanh thu trên 900 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Vườn sầu riêng của ông Bê hiện đã được cấp mã vùng trồng và đạt chứng nhận OCOP 3 sao, sản xuất theo hướng an toàn. "Trồng sầu riêng sạch không hề dễ. Từ xử lý đất, chọn giống, đến cắt tỉa cành, kiểm soát sâu bệnh đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Chỉ một sai sót cũng có thể khiến vườn bị loại khỏi danh sách vùng trồng xuất khẩu" - ông Bê chia sẻ.
Không chạy theo số lượng
Tính đến cuối tháng 6-2025, thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là TP HCM), cho thấy toàn địa bàn có khoảng 1.400 ha sầu riêng, chủ yếu là các giống Ri6, Monthong và Musaking. Đến nay, tỉnh đã có 5 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Trong năm 2025, địa phương tiếp tục hỗ trợ nông dân và HTX hoàn thiện hồ sơ để mở rộng thêm mã số vùng trồng, bảo đảm đầu ra và giá bán ổn định cho sản phẩm.
Điều đáng ghi nhận là thay vì chạy theo mở rộng diện tích ồ ạt như một số địa phương khác, địa phương này chọn hướng phát triển chiều sâu, với chủ trương nhất quán là xây dựng vùng trồng chất lượng cao, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt nhằm bảo đảm ổn định đầu ra và tránh lệ thuộc vào thương lái hoặc thị trường tự phát.
Địa phương này cũng triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm sầu riêng. Bởi muốn ngành sầu riêng phát triển bền vững cần làm cho nông dân thấy rằng việc sản xuất sạch, tuân thủ đúng quy trình sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Khi có thị trường ổn định, người dân sẽ tự tin gắn bó với nghề, không chạy theo những "cơn sốt giá" nhất thời.
Cùng với đó, lực lượng công an cũng được giao nhiệm vụ kiểm tra, điều tra và xử lý nghiêm các hành vi gian lận trong cấp mã số vùng trồng, làm giả hồ sơ xuất khẩu hoặc vi phạm pháp luật trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ sầu riêng.
Trong bối cảnh thị trường sầu riêng đang có sự cạnh tranh quyết liệt và tiềm ẩn rủi ro về thương mại, việc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là TP HCM) chọn con đường phát triển theo chiều sâu, lấy chất lượng làm nền tảng được đánh giá là chiến lược bền vững. Hướng đi này không chỉ giúp nông dân vững vàng trước biến động thị trường mà còn góp phần nâng cao giá trị, vị thế cho ngành sầu riêng Việt Nam trong tương lai.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Không chỉ dừng lại ở thị trường Trung Quốc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (này là TP HCM) đang định hướng mở rộng sầu riêng sang các thị trường cao cấp khác, những nơi đặt ra yêu cầu khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, chính quyền địa phương đang chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với doanh nghiệp, HTX tăng cường đào tạo nông dân về kỹ thuật canh tác sạch, chuyển đổi dần sang mô hình hữu cơ hoặc bán hữu cơ. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và áp dụng tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP - phù hợp với yêu cầu từ các thị trường khó tính.