PHÓNG SỰ: Đời phu trầm ở xứ trầm hương

(NLĐO) - Phu trầm mỗi năm chỉ ở nhà khoảng 2 tháng, thời gian còn lại họ lặn lội nơi rừng thiêng nước độc để “ngậm ngải tìm trầm” với lắm điều may rủi.

PHÓNG SỰ: Đời phu trầm ở xứ trầm hương- Ảnh 1.

Các phu trầm băng rừng vượt suối để “ngậm ngải tìm trầm”

Sau mỗi chuyến đi rừng dài khoảng 2 tháng, thành quả đem lại của những phu trầm ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có khi trúng đậm trầm hương lên đến tiền tỉ, nhưng cũng có khi trắng tay cùng với những cơn bạo bệnh, thậm chí mất mạng.

"Ngậm ngải tìm trầm"

Nhà nghiên cứu Quách Tấn viết cuốn dư địa chí gọi Khánh Hòa là "xứ trầm hương", bởi nơi đây có nhiều loại trầm quý mà nhiều nhất ở núi rừng Vạn Ninh, như câu ca "Khánh Hòa biển rộng non cao/ Trầm hương Vạn Giã, yến sào Nha Trang". 

Vạn Giã hiện là thị trấn của huyện Vạn Ninh. Huyện này tồn tại 2 nghề là xoi trầm, chế tác trầm hương thường thấy các xưởng ở thị trấn Vạn Giã, xã Vạn Thắng, Vạn Bình và nghề thứ 2 là nghề đi điệu (có người gọi đi địu) với các phu trầm ở các xã Vạn Long, Vạn Khánh… Các phu trầm giải thích đi "điệu" nghĩa là lên rừng "mời" linh khí trời đất trầm kỳ xuống núi. Còn gọi chệch "đi địu" là cách nói hình tượng "địu" (cõng vác) hành trang lên rừng để tìm trầm.

Trầm hương chính là phần lõi, tinh dầu trong thân cây Dó bầu (có tên khoa học là Aquilaria Crassana), hình thành từ cơ chế phản ứng trước các vết thương của cây Dó. Không phải cây Dó bầu nào cũng có trầm, nên người đi điệu mới gọi việc tìm trầm là cơ duyên của trời đất.

Còn kỳ nam là dạng trầm có tuổi rất cao được ủ kín trong thân gốc cây Dó bầu hàng trăm năm. Kỳ nam sẽ hình thành từng khối đặc, mùi thơm đặc biệt thường chỉ có ở gốc cây Dó hàng trăm tuổi, đã chết, lụi tàn.

PHÓNG SỰ: Đời phu trầm ở xứ trầm hương- Ảnh 2.

Các phu trầm đang nấu cơm, giữa thời tiết mưa lạnh, thú dữ và các tai nạn luôn rình rập

Nhóm do bầu trưởng là ông Nguyễn Ngọc Chiêu (Tám Chiêu) với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề và ông Nguyễn Hữu Huy làm bầu phó. Đây là hai người có kinh nghiệm với địa bàn hoạt động từ Bình Thuận đến Quảng Bình và 5 tỉnh Tây Nguyên. Bầu trưởng là người nắm rõ địa bàn có cây Dó bầu, họ là người biết được đường đi nước bước từng khu rừng, họ có khả năng ghi nhớ những vùng đã từng khai thác và quay trở lại để "mót" trầm sau 4-5 năm.

Vừa mới đi về sau chuyến đi hơn 40 ngày ở Bình Định, ông Tám Chiêu lại chuẩn bị hành trang để đi tiếp. Ông cho biết mỗi năm nhóm ông đi khoảng 10 tháng, cứ đi xong một chuyến nghỉ ở nhà 10 ngày, rồi lại đi tiếp. Hành trang của dân điệu gồm một bao tải có quai đeo, bên trong có bạt, mền, áo ấm, gạo, thực phẩm khô như cá khô, thịt sấy, rau củ khô… Các vật dụng không thể thiếu là nồi, chảo, rựa, rìu, bộ đồ xoi trầm với 6 loại dũm khác nhau, điện thoại loại "cục gạch", pin tự chế để sạc… tổng cộng nặng khoảng 45kg.

PHÓNG SỰ: Đời phu trầm ở xứ trầm hương- Ảnh 3.

Lán trại đơn sơ của những phu trầm

Thắc mắc về câu "ngậm ngải, tìm trầm", ông Tám Chiêu cho hay, trước kia còn mê tín dị đoan nên đi rừng thường đến nhà những thầy cúng xin một lá bùa, túi thuốc hộ mệnh, thường gọi là "ngải" để cầu may. Tuy nhiên, ngày nay trước khi bước vào rừng, dân đi địu chỉ làm một mâm lễ gồm bánh trái, hương hoa, thành khẩn khấn vái mong cho thuận lợi, tìm được trầm hương.

Dân điệu cũng chia làm 2 "trường phái", ở khu vực Khánh Hòa gọi là "Dó xanh" và khu vực Quảng Nam gọi là "Dó mục". Các phu trầm ở Khánh Hòa có kinh nghiệm phong phú với loại Dó bầu còn tươi. Khi nhìn vào đám rừng xanh ngắt là họ phân biệt và "tia ra" được đâu là cây Dó. Phu trầm Khánh Hòa sẽ lần theo cây Dó để tìm trầm. Ngược lại, phu trầm Quảng Nam lại chuyên tìm trầm ở các cây gỗ mục, họ phân biệt được những cây Dó đã mục, hư hỏng. "Dân trầm kỳ hay nói vui Khánh Hòa thì ngước lên trời tìm trầm, còn Quảng Nam thì cắm mặt vào đất. Do có 2 "trường phái" nên dù các nhóm điệu gặp nhau thì họ cũng không có tranh chấp gì"- ông Tám Chiêu cho biết.

PHÓNG SỰ: Đời phu trầm ở xứ trầm hương- Ảnh 4.

Một bữa cơm giữa núi rừng của các phu trầm

Bán mạng tìm trầm

Ông bầu trưởng Tám Chiêu cho biết nhóm ông gồm 6 người, địa điểm do ông Tám bàn bạc với ông Huy rồi quyết định. Sau khi xác định được khu rừng cần đến, nhóm điệu sẽ bắt xe ôm đến bìa rừng. Họ sẽ men theo suối, tìm đường mòn. Thông thường đi khoảng nửa ngày là đến điểm cây Dó hay mọc. Họ sẽ cắm trại thường nằm sát bờ suối để lấy nước. Mỗi người sẽ tự dựng cho mình một lán trại riêng. Nói là lán trại thực chất là một tấm bạt được căng ra trên một sợi dây. Phía dưới lều sẽ là bếp lửa để nấu ăn.

Khi đi làm, nhóm phu trầm sẽ chia nhau đi các hướng. Mỗi người dựa vào "linh cảm" riêng để đi tìm trầm. Sau khi tìm ra cây Dó, thì dựa vào những đặc điểm riêng để lấy khúc thân, cành, rễ có trầm để xoi. Xoi trầm cũng công phu, kỹ lưỡng thì mới lấy được hết, xoi đẹp thì chỉ cần nhìn là các vựa thu giá cao. Bầu phó Nguyễn Hữu Huy cho biết trước đây nhóm điệu làm chung, bán chung và chia đều. Tuy nhiên, trầm núi mỗi ngày một khan hiếm, có nhiều trường hợp lười biếng, "theo đóm ăn tàn" nên bây giờ mạnh ai nấy làm. Ai có lộc rừng thì tùy lòng hảo tâm mà chia cho người khó khăn.

Theo ông Huy, điều mà các phu trầm thường gặp nhất là đi quá xa nên bị lạc, không thể về được trại. Nguyên tắc là khi lạc rồi thì không đi nữa mà ở nguyên tại chỗ, không đi xa. Đêm đó phải cắn răng nhịn đói, chịu lạnh đợi sáng mai đồng đội không thấy về sẽ tổ chức đi tìm kiếm. "Ở rừng ớn nhất là cái lạnh. Ban ngày thì rất nóng còn ban đêm chênh nhau đến 20 độ. Đốt lửa nằm cạnh nhưng lạnh thấu xương không ngủ được. Còn gặp mưa rừng thì có nước ôm nhau chờ trời sáng"- ông Huy kể.

PHÓNG SỰ: Đời phu trầm ở xứ trầm hương- Ảnh 5.

1.Bầu trưởng Nguyễn Ngọc Chiêu (Tám Chiêu) với kinh nghiệm 30 năm trong nghề và hành trang đi điệu

Với phu trầm Trần Ngọc Hưng thì sợ nhất là rắn độc và ong rừng. Cách đây một vài chuyến điệu, ông Hưng đang dựng trại ở Rào Trăng (tỉnh Thừa Thiên Huế) thì bị một bầy ong dữ vây kín trên đầu. Ông Hưng bị ong chích liên tục từ đầu đến chân. Ông cố gắng lết ra tuyến đường đất mong gặp nhóm công nhân đang làm thủy điện với hi vọng "có chết thì có người thấy xác". Khi không thấy ông Hưng, nhóm bạn điệu tỏa đi tìm và thấy ông nằm bất tỉnh trên đường. Phía sau, nọc ong còn để lại trắng cả 1 mảng lưng, phải dùng dao cạo ra. 

"Khi tui được đưa về trại, mình mẩy đau nhức, đi đái ra cả máu. Nghĩ tốn công anh em phải đưa mình ra khỏi rừng để về nên cố ở lại. Mấy ngày sau may mắn thì trở lại bình thường"- ông Hưng cho biết. Theo ông Hưng, nhiều trường hợp khác bị rắn lục cắn nằm sốt li bì cả 5, 7 ngày liền, vậy mà không hiểu sao vẫn sống được. "Có lẽ phu trầm có sức chịu đựng hơn người" - ông Hưng thở dài.

Còn với ông Tám Chiêu, vào tháng 4 mới đây, khi làm trầm ở An Lão (Bình Định) thì ông bị nhánh cây bật lên, xuyên ngón tay trỏ nứt toác làm hai, máu tuôn ra xối xả không cầm được. Ông phải lấy túi ni-lon quấn 2 mảnh ngón tay lại, rồi nấu nước sôi với muối để ngâm ngón tay sát trùng. Ngâm liên tục cả tuần liền, thì tay mới kéo da non. "Nếu khi đó mà nhiễm trùng thì chết chắc vì đường sá rất xa xôi, một lần đi một lần khó. Về tay không là không được nên phải cắn răng chịu đựng"- ông Chiêu kể lại.

Theo ông Chiêu, còn nhiều trường hợp khác như vụ năm 2020, một phu trầm ở Vạn Long khi vào rừng gặp con gấu dữ, bị gấu rượt đuổi, cào nát mặt, tay chân. Cả đoàn phải đan 2 bao tải thành cái võng thay nhau khiêng về bệnh viện cấp cứu vì vết thương quá nặng. "Nghề đi điệu, chúng tôi còn sợ nhất là đi vào mùa mưa tháng 10, tháng 11. Dù đã đi cánh Nam ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng để né, nhưng nguy cơ sạt lở vẫn rất lớn. Mới đây ở Phú Yên có phu trầm dựng lán dưới rừng keo lá tràm, chỉ một trận mưa, ông ấy bị vùi lấp, mất tích"- người bầu trưởng thở dài.

PHÓNG SỰ: Đời phu trầm ở xứ trầm hương- Ảnh 6.

2.Ngón tay bị nứt toác làm 2 của ông Chiêu khi đang tìm trầm ở trên núi, ông vẫn quyết ở lại vì “không thể về tay không”

Trúng tiền tỉ vẫn nặng lòng

Theo các phu trầm, nghề đi điệu "Dó xanh" ở Khánh Hòa tuy không trúng đậm như "Dó mục" nhưng chuyến nào cũng có tiền. Ít thì 5,7 triệu đồng bù tổn phí, nhiều thì chục tỉ đồng cũng có. Ông Đàm Khắc Long, nhớ hoài vụ trúng tiền tỉ vào năm 2016. Theo ông Long, cái nghề đi tìm trầm rất tâm linh và hữu duyên là có thật.

Ông Long kể năm đó, nhóm ông có 8 người cùng nhóm ông Nguyễn Trọng Đức ở cùng làng đi vào khu vực Tuy Phong, Bình Thuận, chia nhau tìm trầm. Ông Đức khi đi tìm thì thấy một hầm than, cạnh đó có một khúc gỗ mục nên ông cầm lên quan sát, bẻ một mẫu cho vui rồi quăng khúc gỗ vào bụi. Khi đi về lán, cả nhóm ngồi chơi thì ông Đức làm rơi 1 cái răng heo rừng hay đeo trong người, cả nhóm lục tung áo để tìm thì rơi mẫu gỗ ra. Một người thấy vậy, cầm lên đốt thử. Ai ngờ cái mẫu gỗ đó khi cháy tỏa ra mùi thơm dịu. Cả nhóm liền nấu một ấm nước sôi, thả mẫu gỗ vào bên trong và ủ lại. Khi mở ra thì mùi thơm đặc trưng của kỳ nam tỏa lên ngào ngạt.

"Sáng mai cả bọn quay lại hầm than sục sạo. Vậy mà chỉ tìm được đúng khúc kỳ nam cháy đen hôm qua vứt đi đó. Ngoài ra không còn bất cứ mẫu trầm nào khác. Khúc kỳ đó đem về bán được 27 tỉ đồng, nhóm ông Đức 4 người chia 1 nửa, nhóm tôi 8 người cũng được một nửa tiền. Chia ra tôi được gần 1,7 tỉ đồng. Vậy đó, kỳ nam đến với chúng tôi một cách kỳ lạ như vậy"- ông Long kể.

PHÓNG SỰ: Đời phu trầm ở xứ trầm hương- Ảnh 7.

Bộ dụng cụ xoi trầm

Cũng trúng tiền tỉ là ông Nguyễn Hữu Huy, ông vẫn nhớ như in ngày mà ông vỡ òa niềm vui là ngày 12-11-2022, tại vùng núi ở Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận. Ông kể, khi phát hiện bóng cây Dó bầu từ xa, ông đã chỉ cho một phu khác đi tìm nhưng người đó không tìm không thấy. Vậy là ông cùng với 1 một người bạn đi tìm lại. Đầu giờ chiều, 2 người tìm được. Khi chặt lớp vỏ bên ngoài, cả hai phát hiện thứ mình thấy không phải là trầm mà là kỳ nam. "Lúc đó tôi xúc động quá, vội dập đầu quỳ lạy và ôm người bạn mà rớm rớm nước mắt gào lên "đổi đời rồi!". Khúc kỳ nam đó nặng khoảng 380g. Chúng tôi bán được khoảng 4,2 tỉ đồng. Tôi và bạn mỗi người 1,6 tỉ đồng số còn lại gần 1 tỉ chia cho anh em còn lại, mỗi người được 140 triệu đồng"- ông Huy kể lại.

Ấy thế mà khi đã là tỉ phú, ông Huy vẫn thở dài. Ông bảo cầm tiền tỉ mà vẫn thấy lo vì nếu không biết cách đầu tư, không biết cách sử dụng đồng tiền thì bao nhiêu rồi cũng tiêu hết. "Con tôi không đứa nào theo nghề của cha và tôi cũng không muốn con cái theo cái nghề "rừng thiêng nước độc" này nữa. Tôi nói con phải học hành đàng hoàng, kiếm nghề tử tế hơn mà làm. Còn chúng tôi lỡ vướng cái nghiệp này rồi. Ở nhà ít hôm lại nhớ rừng".

PHÓNG SỰ: Đời phu trầm ở xứ trầm hương- Ảnh 8.

8.Thành quả của một chuyến đi là những mảnh trầm hương ngào ngạt

Người đi điệu mỗi ngày 1 giảm

Theo UBND huyện Vạn Ninh, số người đi tìm trầm trên địa bàn ngày càng giảm, bởi trầm không còn nhiều như xưa. Chính quyền cũng tuyên truyền, vận động người dân không nên mạo hiểm đi núi, vừa không an toàn vừa tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng.

Ông Biện Quốc Dũng, Chủ tịch Hội trầm hương Khánh Hòa, cho biết hiện trầm hương thiên nhiên khan hiếm do diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Ở Việt Nam vẫn chưa có trung tâm kiểm định chất lượng trầm hương nên các sản phẩm trầm hương trên thị trường thật - giả lẫn lộn, khó kiểm soát. Còn theo ông Lê Anh Dũng, người thu mua trầm, trầm tùy loại có giá từ 10 triệu đồng đến 2 tỉ đồng/kg; còn kỳ nam thì vô cùng quý hiếm giá từ 4 tỉ đến 20 tỉ đồng/kg cũng có.

PHÓNG SỰ: Đời phu trầm ở xứ trầm hương- Ảnh 9.