Phú Quốc nắm bắt cơ hội lớn

Việc được chọn là nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 được xem là cơ hội "vàng" để TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang bứt phá

Tại Hội thảo "Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc hướng tới APEC 2027 và sự phát triển bền vững" do UBND TP Phú Quốc phối hợp tổ chức cuối tuần qua, nhiều nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương khẳng định APEC 2027 là thời cơ lịch sử, sẽ tạo đòn bẩy đưa "đảo ngọc" trở thành trung tâm du lịch - kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội "vàng" này, Phú Quốc cần phải vượt qua rất nhiều thách thức.

"Chạy đua" chuẩn bị cho APEC 2027

Tính đến nay, TP Phú Quốc đã thu hút 320 dự án du lịch với tổng diện tích 9.485 ha, tổng vốn đầu tư 388.410 tỉ đồng - chiếm hơn 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh Kiên Giang.

Một số tập đoàn lớn như: Vingroup, Sun Group, Bim Group, CEO Group, Tân Á Đại Thành... đã và đang đầu tư các dự án quy mô lớn vào những lĩnh vực mà Phú Quốc có tiềm năng, thế mạnh. Hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm đang được triển khai phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 với tổng số vốn lên đến hơn 300.000 tỉ đồng. Đây được xem là đòn bẩy đưa thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc vào chu kỳ phát triển mới.

Ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, cho rằng việc vừa được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Kiên Giang là bước ngoặt trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố. Thời gian qua, thị trường bất động sản Phú Quốc đã hình thành và đang đà phát triển. Tuy có lúc thăng lúc trầm nhưng đây vẫn là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế.

Phú Quốc nắm bắt cơ hội lớn- Ảnh 1.

Phối cảnh khu đa chức năng, nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 tại Phú Quốc

"Hạ tầng du lịch là một trong những lĩnh vực quan trọng, được rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Vì vậy, Phú Quốc tập trung các nguồn lực phát triển hạ tầng đô thị và du lịch, làm cơ sở đẩy mạnh thị trường bất động sản. Chúng tôi xem đây là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thời gian tới" - ông Khoa cho biết.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 là dấu mốc quan trọng, khẳng định vị thế chiến lược của Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để Phú Quốc bứt phá, trở thành một trung tâm hợp tác kinh tế - xã hội và giao thương toàn cầu.

"Phú Quốc sẽ tiếp đón hàng ngàn đại biểu, lãnh đạo cấp cao và doanh nhân từ 21 nền kinh tế thành viên APEC; thành tâm điểm ký kết các hiệp định thương mại; là nơi xây dựng, củng cố quan hệ đối tác giữa các cường quốc kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Từ đó, kéo theo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh, thúc đẩy các ngành kinh tế trọng điểm như du lịch, bất động sản, bán lẻ và dịch vụ phát triển bùng nổ" - PGS-TS Trần Đình Thiên nhận định.

PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng bên cạnh cơ hội, Phú Quốc cũng đối mặt hàng loạt thách thức lớn. Ông nhìn nhận ngay từ lúc này, Phú Quốc cần khẩn trương, thậm chí phải chạy đua điều chỉnh quy hoạch, mở rộng sân bay, chỉnh trang đô thị, nâng cấp hạ tầng giao thông để đón APEC 2027. Phú Quốc cũng cần tăng tốc triển khai kế hoạch hành động; đầu tư xây dựng các dự án, công trình phục vụ sự kiện này.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu ĐBSCL, Phú Quốc đang đứng trước cơ hội tổ chức thành công APEC 2027 và phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu kép này, Phú Quốc cần có cơ chế thực thi thích hợp, mô hình tổ chức và chính sách hỗ trợ đồng bộ.

Phú Quốc nắm bắt cơ hội lớn- Ảnh 2.

PGS-TS Nguyễn Văn Sánh gợi ý: "Phú Quốc cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Cần sớm ban hành các quy định rõ ràng, nhất quán về quyền sở hữu, khai thác và chuyển nhượng để tạo sự an tâm cho nhà đầu tư. Cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư trong quá trình vận hành, quản lý dự án. Nhưng trước hết, cần một cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc để quá trình triển khai không bị tắc nghẽn".

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu ĐBSCL cho rằng việc phát triển Phú Quốc phải gắn với quy hoạch tổng thể, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp trong việc cập nhật, công khai và triển khai quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị để tránh chồng lấn và phát triển manh mún.

Bên cạnh đó, Phú Quốc cần đẩy mạnh liên kết vùng và quốc tế, phát triển hệ sinh thái du lịch gắn với trải nghiệm - từ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đến du lịch văn hóa, nông nghiệp... Thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực dịch vụ, logistics, hạ tầng hàng không và cảng biển để nâng cao năng lực đón tiếp du khách là một gợi ý khác cho Phú Quốc. Đầu tư vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành du lịch cũng là yêu cầu cấp thiết của Phú Quốc.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), nhận định việc được chọn là nơi tổ chức APEC 2027 là cơ hội tuyệt vời để Phú Quốc khẳng định vị thế và vươn mình trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của Đông Nam Á. Thách thức rất lớn của Phú Quốc là thời gian thực tế chỉ còn khoảng 19 - 20 tháng để thực hiện khoảng 30 dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng để phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027. 

PGS-TS Trần Đình Thiên tỏ ra băn khoăn với khối lượng công trình, dự án đồ sộ phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 mà phải giải quyết trong vòng trên dưới 20 tháng là không đủ thời gian để Phú Quốc chuẩn bị.

"Đây thực sự là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi cơ chế của chúng ta hiện nay còn rất vướng. Vì vậy, Phú Quốc cần có được một cơ chế đặc biệt, trung ương phối hợp trực tiếp với địa phương để tháo gỡ. Cần trao quyền chủ động, sáng tạo cho địa phương và doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án phục vụ APEC 2027, đồng thời mạnh dạn áp dụng nguyên tắc "chi phí - lợi ích" để khuyến khích đột phá thực hiện các dự án ưu tiên" - ông Trần Đình Thiên đề xuất.

Phú Quốc nắm bắt cơ hội lớn- Ảnh 3.