Chi tiết phương án sắp xếp và tên gọi các phường, xã ở Bình Dương

(NLĐO) - Dự kiến phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Bình Dương sau sắp xếp còn lại 27 đơn vị.

Sáng 28-3, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai các văn bản mới của tỉnh và Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Hiện nay, Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (5 thành phố, 4 huyện) và 91 đơn vị hành chính cấp xã (39 xã, 47 phường, 5 thị trấn).

Cấp ủy cấp huyện có 4 cơ quan tham mưu giúp việc; 6 cơ quan đoàn thể. UBND các huyện, thành phố có 10 phòng chuyên môn trực thuộc; 390 đơn vị sự nghiệp công lập.

Chi tiết phương án sắp xếp và tên gọi các phường, xã ở Bình Dương- Ảnh 1.

Trung tâm hành chính Bình Dương nằm ở phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, dự kiến sau sắp xếp sẽ thuộc phường Bình Dương

Ngoài ra, trên địa bàn mỗi huyện còn có 10 tổ chức hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (trong đó có 3 hội được giao biên chế người làm việc chuyên trách tại hội; 7 hội được giao định suất người làm việc tại hội).

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, biên chế công chức là1.329 người; biên chế viên chức 18.738 người.

Cấp xã, số lượng cán bộ, công chức cấp xã hiện nay là 2.157 người. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã 1.835 người.

Dự kiến phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sau khi sắp xếp còn lại 27 đơn vị hành chính cấp xã.

Cụ thể: TP Thủ Dầu Một sáp nhập 14 phường thành 3 phường: Phường Thủ Dầu Một sáp nhập các phường Phú Cường, Phú Lợi, Phú Hòa, Chánh Nghĩa, Phú Thọ. Phường Châu Thành sáp nhập các phường Tân An, Chánh Mỹ, Tương Bình Hiệp, Hiệp An, Định Hòa. Phường Bình Dương sáp nhập các phường Phú Mỹ, Hiệp Thành, Hòa Phú, Phú Tân.

TP Dĩ An sáp nhập 8 phường thành 2 phường. Phường Dĩ An sáp nhập các phường Bình Thắng, Bình An, Đông Hòa, An Bình, Dĩ An. Phường Tân Đông Hiệp sáp nhập các phường An Phú (Thuận An), Tân Bình, Tân Đông Hiệp.

TP Thuận An sáp nhập 8 phường và 1 xã thành 2 phường. Phường Lái Thiêu sáp nhập xã An Sơn và các phường An Thạnh, Bình Nhâm, Lái Thiêu, Hưng Định, Vĩnh Phú. Phường Thuận An sáp nhập các phường Bình Chuẩn, Thuận Giao, Bình Hòa.

TP Tân Uyên sáp nhập 2 xã và 10 phường thành 4 phường. Phường Vĩnh Tân sáp nhập các phường Vĩnh Tân, Phú Chánh. Phường Tân Uyên sáp nhập các phường Uyên Hưng, Hội Nghĩa. Phường Tân Hiệp sáp nhập các phường Tân Hiệp, Khánh Bình và xã Bạch Đằng. Phường Tân Khánh sáp nhập xã Thạnh Hội và các phường Thái Hòa, Thạnh Phước, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp.

TP Bến Cát sáp nhập 1 xã và 7 phường thành 4 phường. Phường Tây Nam sáp nhập xã Phú An và các phường An Điền, An Tây. Phường Bến Cát sáp nhập phường Mỹ Phước và một phần phường Chánh Phú Hòa (khu phố 1-8). Phường Tân Định sáp nhập các phường Tân Định, Hòa Lợi và khu phố 9, phường Chánh Phú Hòa. Phường Thới Hòa giữ nguyên hiện trạng.

Huyện Dầu Tiếng sáp nhập 1 thị trấn và 12 xã thành 4 xã. Xã Minh Hòa sáp nhập các xã Minh Hòa, Minh Thạnh, Minh Tân. Xã Dầu Tiếng sáp nhập thị trấn Dầu Tiếng và các xã Định An, Định Thành, Định Hiệp. Xã Thanh Tuyền sáp nhập các xã Thanh An, Thanh Tuyền. Xã Long Hòa sáp nhập các xã An Lập, Long Tân, Long Hòa.

Huyện Phú Giáo sáp nhập 1 thị trấn và 10 xã thành 3 xã. Xã Phú Giáo sáp nhập các xã An Linh, Phước Sang, An Thái, An Long, Tân Hiệp. Xã Phước Vĩnh sáp nhập các xã Tân Long, Vĩnh Hòa, Phước Hòa. Xã Phước Thành sáp nhập thị trấn Phước Vĩnh và các xã An Bình, Tam Lập.

Huyện Bàu Bàng sáp nhập 1 thị trấn và 6 xã thành 2 xã. Xã Bàu Bàng sáp nhập thị trấn Lai Uyên và các xã Cây Trường II, Trừ Văn Thố. Xã Long Nguyên sáp nhập các xã Long Nguyên, Tân Hưng, Hưng Hòa, Lai Hưng.

Huyện Bắc Tân Uyên sáp nhập 2 thị trấn và 8 xã thành 3 xã. Xã Bình Mỹ sáp nhập thị trấn Tân Bình và các xã Bình Mỹ, Tân Lập. Xã Tân Thành sáp nhập thị trấn Tân Thành và các xã Tân Định, Đất Cuốc. Xã Thường Tân sáp nhập các xã Hiếu Liêm, Tân Mỹ, Lạc An, Thường Tân

Dự kiến tổ chức bộ máy ở mỗi cấp xã được bố trí từ 80-82 biên chế. Cụ thể, khối Đảng dự kiến bố trí 20 biên chế, bao gồm Thường trực Đảng ủy, Văn phòng, Ban Xây dựng Đảng, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra.

Tổ chức chính quyền cấp cơ sở bao gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. HĐND có Chủ tịch (do Bí thư hoặc Phó Bí thư kiêm nhiệm), Phó Chủ tịch và 2 Ban chuyên trách (Ban Kinh tế - Xã hội và Ban Pháp chế). UBND gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và dự kiến tối thiểu 4 phòng chuyên môn (Phòng Kinh tế, Phòng Tổng hợp - Tư pháp, Phòng Văn hóa - Xã hội, Trung tâm phục vụ hành chính công).

Khối Mặt trận Tổ quốc, dự kiến bố trí từ 10-12 biên chế.

Theo dự thảo Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp, dự kiến cơ cấu, số lượng của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy cấp xã như sau: Thường trực Đảng ủy có Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư - Chủ tịch UBND; Ủy viên Ban Chấp hành 33 người; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy không quá 11 người.