QUẦN THẢO LÒNG SÔNG THẠCH HÃN (*): Cơ quan chức năng vào cuộc

Ngay sau khi Báo Người Lao Động phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo xác minh, xử lý

Biết chúng tôi tìm hiểu về nạn "cát tặc" hoành hành trên sông Thạch Hãn, nhiều người dân trực tiếp bị ảnh hưởng lại tỏ vẻ thờ ơ. Phía sau sự thờ ơ ấy ẩn chứa sự bất lực: "Đâu lại vào đó thôi. Chúng tôi kêu khan cổ họng mấy năm nay mà có dẹp được đâu!".

Đảo lộn cuộc sống người dân

Mỗi buổi trưa, sau khi lo cơm nước xong, bà Nguyễn Thị Huề (ngụ thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) lại tất tả ra đồng dưa bên bãi bồi sông Thạch Hãn. Dẫn tôi ra đồng, bà nói: "Lo vạt dưa thì ít, lo đất sản xuất bị cuốn trôi mới nhiều".

Chuyện bà Huề đề cập ấy là việc "cát tặc" lộng hành, đặt vòi hút vào tận bờ sông, sát ruộng dưa của bà. Cát bị lấy đi, sông bị hổng chân nên đất sản xuất của bà bị sạt lở. Chỉ mới 2 năm, nước sông ngoạm một phần diện tích đất rộng hơn 20 m, trải dài 100 m theo bãi bồi của gia đình bà.

Ở phía bên kia bờ sông Thạch Hãn, xóm Soi, thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh hiện ra với những mái nhà lúp xúp. Ông Trương Văn Thành (78 tuổi, ngụ xã Gio Mai) cho hay trước đây, phía trước những ngôi nhà này có một cồn đất khá rộng, người dân chăn thả gia súc, làm hoa màu. Còn hiện nay, cồn đất này biến mất hoàn toàn, trong khi sạt lở đang tiếp tục đe dọa nơi ở của người dân.

"Người ta khai thác cát rầm rộ khiến sông thay đổi dòng chảy, sạt lở thường xuyên. Đất đai sản xuất bị nước cuốn nhưng những bãi cát bên sông thì cứ lớn dần, trông như núi" - ông Thành lo ngại.

Bà Lê Thị Hảo (62 tuổi, ngụ xã Gio Mai) than vãn trước tình trạng lộng hành của "cát tặc", người dân lo mất kế sinh nhai. Chỉ riêng gia đình bà, cả sào đất (500 m2) ở cồn này đã biến mất. Chưa nguôi ngoai nỗi buồn mất đất thì bây giờ, gia đình bà lại đối diện mối lo mới. Đó là việc 2 hồ nuôi tôm bên dòng Thạch Hãn có nguy cơ sạt lở cao. "Đêm nào họ cũng hút cát ầm ầm trên sông. Cứ đà này, mùa mưa lũ đến, 2 hồ tôm của chúng tôi cũng sẽ bị xóa sổ thôi" - bà Hảo thở dài.

Ghé quán nước bên sông Thạch Hãn, đoạn qua khu phố Trung Chỉ, phường Đông Lương, TP Đông Hà, nghe tôi khen khu này mát mẻ, yên bình, bà Hoa (ngụ khu phố Trung Chỉ) giãy nảy: "Đêm nào họ cũng hút cát rầm rập như hội. Ai cũng thâm mắt vì mất ngủ chứ yên bình nỗi gì".

Theo bà Hoa, việc khai thác cát trái phép diễn ra ở khu vực này đã nhiều năm nay. Cứ 22 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau, tàu hút cát nổ máy vang động. Họ cứ chọn quãng giữa sông mà thọc ống hút. Đêm nào tàu cũng nổ máy rầm rập, người dân địa phương rất bức xúc.

Không chỉ lo đất sản xuất bị sạt lở, cuốn trôi, người dân sinh sống sát bờ sông này còn lo lắng việc khai thác cát trái phép sẽ tác động tới bờ kè, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

QUẦN THẢO LÒNG SÔNG THẠCH HÃN (*): Cơ quan chức năng vào cuộc- Ảnh 1.

Đất sản xuất của người dân ven sông Thạch Hãn ở thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong bị sạt lở cuốn trôi

Xử lý nghiêm

Bà Trương Thị Kim Cúc, Chủ tịch UBND xã Triệu Độ, cho biết thời gian qua, người dân liên tục phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn, đoạn qua địa bàn. Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này. Theo bà Cúc, việc khai thác cát trái phép trên sông, về lâu dài sẽ gây sụt lún, hư hỏng các tuyến kè và tác động đến cuộc sống của người dân.

Lãnh đạo UBND xã Triệu Độ cùng các xã Triệu Thuận (huyện Triệu Phong), Gio Mai (huyện Gio Linh) khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng nêu trên.

Ngày 22-4, ông Hà Sỹ Đồng, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường, đặc biệt là UBND TP Đông Hà tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản phép trên sông Thạch Hãn đoạn qua địa bàn.

Theo thượng tá Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Phòng CSĐT Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường - Công an tỉnh Quảng Trị, thông tin thời gian qua, đơn vị đã tổ chức, triển khai nhiều kế hoạch, qua đó phát hiện, bắt giữ và xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động khai thác trái phép khoáng sản trên sông Thạch Hãn. Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu đơn vị triển khai ngay lực lượng, tổ chức xác minh nội dung báo nêu.

"Chúng tôi đã triển khai lực lượng để làm rõ vụ việc và sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; đồng thời có kế hoạch, biện pháp để phòng ngừa, không để tình trạng tái này diễn" - thượng tá Nguyễn Hoài Nam khẳng định.

Thạch Hãn là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị với chiều dài khoảng 155 km. Nhắc đến sông này, nhiều người nghĩ ngay đến cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị - năm 1972. Trong cuộc chiến bi hùng này, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống, xương máu của các anh đã hòa vào sóng nước Thạch Hãn và từng tấc đất nơi đây.

Nay, chứng kiến cảnh "sa tặc" lộng hành, đục khoét lòng sông, chúng tôi thấy sao thương quá câu thơ trong bài "Lời người bên sông" của nhà thơ Lê Bá Dương: "Đò xuôi Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…" 

QUẦN THẢO LÒNG SÔNG THẠCH HÃN (*): Cơ quan chức năng vào cuộc- Ảnh 2.

Khu vực bờ sông xóm Soi (thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) bị sạt lở đe dọa. Ảnh: HÀ PHONG

Sạt lở bủa vây

Những năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông ở tỉnh Quảng Trị xảy ra ngày càng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Tình trạng khai thác cát trái phép là nguyên nhân chính khiến nhiều con sông ở Quảng Trị nói chung và sông Thạch Hãn nói riêng bị sạt lở, nhất là vào mùa mưa lũ.

Mới đây, trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo, đề xuất UBND tỉnh bố trí 16,5 tỉ đồng để khắc phục khẩn cấp một số vị trí sạt lở bờ sông đặc biệt xung yếu, nghiêm trọng, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến người dân và hạ tầng.

__________

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-4