Chính sách thai sản bị vi phạm
"Chúng tôi sinh con và đã đi làm trở lại nhưng chưa nhận được trợ cấp thai sản. Thậm chí, khi bị bệnh, chúng tôi phải tự bỏ tiền ra để điều trị. Trong khi đó, hằng tháng, công ty vẫn trừ lương của chúng tôi để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT)”. Mới đây, một số nữ công nhân (CN) Công ty TNHH AMW (KCN Vĩnh Lộc – TPHCM) đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng TPHCM kêu cứu như vậy.
Khốn khó vì DN nợ BHXH
Ông Phạm Ngọc Quý, phụ trách nhân sự Công ty AMW, thừa nhận công ty đã nợ BHXH từ tháng 10-2006. Còn theo BHXH TPHCM, Công ty AMW hiện nợ hơn 1,8 tỉ đồng. Chính vì vậy, khi nữ CN nghỉ thai sản, công ty không thể làm thủ tục để cơ quan BHXH chi trả trợ cấp thai sản cho họ. Hiện có 7 nữ CN nghỉ thai sản, nhưng công ty mới tạm ứng chi trả cho 4 người, 3 người còn lại không biết phải chờ đến bao giờ dù hằng tháng công ty vẫn trừ tiền lương của họ để đóng BHXH? Vì vậy, nhiều nữ CN cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khốn khó hơn khi thai sản.
Tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ BHXH dẫn đến việc lao động nữ khi sinh con, nghỉ chăm sóc con ốm không được hưởng quyền lợi khá phổ biến. Chẳng hạn, tại Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Đông Phương, do nợ BHXH gần 1 tỉ đồng nên nhiều lao động nữ phải tự bươn chải khi sinh con. Hoặc một công ty tại KCX Linh Trung, sử dụng trên 5.000 lao động, trong đó 90% là lao động nữ đã đóng BHXH thấp hơn nhiều so với mức lương thực tế nên khi thai sản, ốm đau, lao động nữ nhận được mức trợ cấp rất thấp.
Đáng nói, đây là tình trạng chung đang xảy ra tại hàng trăm DN trên địa bàn TPHCM.
Chấm dứt hợp đồng bất chấp pháp luật
Chi phí bình quân một ca sinh: 800.000 đồng
Theo một bác sĩ sản khoa tại TPHCM, chi phí cho một ca sinh thường ở các trung tâm y tế quận, huyện, là khoảng 800.000 đồng, bao gồm tiền công sinh từ 150.000 đồng – 180.000 đồng; tiền thuốc 400.000 đồng; tiền phòng hơn 200.000 đồng. Nếu có BHYT, lao động nữ sẽ được thanh toán toàn bộ tiền công sinh, tiền thuốc và chỉ phải trả phần chênh lệch tiền phòng nằm (vì hiện nay BHYT chỉ quy định tiền phòng 9.000 đồng/ngày, trong khi các phòng nằm bình thường có giá từ 50.000 đồng – 70.000 đồng/ngày). Nếu không có BHYT, lao động nữ phải trả toàn bộ chi phí. |
Để bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ, pháp luật lao động quy định trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được tạm hoãn việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), kéo dài thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật lao động... Thế nhưng, có không ít đơn vị xem nhẹ quy định này. Điển hình là trường hợp cô Nguyễn Băng Tú, giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM. Trong thời gian cô Tú đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nhà trường vô cớ đơn phương chấm dứt HĐLĐ với cô Tú. Sự việc sẽ không được dư luận chú ý nếu xảy ra ở một nơi khác, không phải là Trường Luật! Sau khi được các cơ quan chức năng chỉ ra sai trái, hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM lúc bấy giờ phải hủy quyết định trái luật, cam kết phục hồi quyền lợi cho cô Tú. Tuy nhiên, một lần nữa, pháp luật ở Trường Luật chỉ được thực hiện nửa vời: Hơn 3 năm qua, cô Tú vẫn chưa được trở lại giảng dạy tại Khoa Luật Dân sự như hợp đồng đã ký trước đó với nhà trường.
Tương tự, tại Công ty AMW, cho rằng một nữ CN kích động đình công (dù không chứng minh được), tổng giám đốc đã chấm dứt HĐLĐ với một nữ CN đang có thai. Hậu quả là sau đó, ông tổng giám đốc này đã phải bồi thường. Cá biệt, có DN ở quận Phú Nhuận còn quy định: “Trong 3 năm làm việc đầu tiên, lao động nữ không được sinh con. Nếu vi phạm sẽ bị chấm dứt HĐLĐ”. Bà Nguyễn Thị Thạch Thảo, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Gia đình Việt, nhìn nhận: “Ngày nay, lao động nữ cũng phải làm việc để nuôi sống gia đình, đồng thời phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. Có nghĩa, gánh nặng trên vai họ đã bị nhân lên gấp đôi. Thế nhưng đáng buồn là trong thực tế, nhiều DN sử dụng lao động nữ theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, xem lao động nữ là gánh nặng khi họ ốm đau, thai sản và tìm mọi cách đẩy ra đường”.
39 DN nước ngoài nợ hơn 39 tỉ đồng BHXH Đến đầu tháng 7-2007, có 39 DN có vốn đầu tư nước ngoài nợ hơn 39 tỉ đồng tiền BHXH. Trong đó, có 24 DN của Hàn Quốc và Đài Loan, 5 DN của Hồng Kông, 2 DN của Pháp... Số lao động bị ảnh hưởng quyền lợi là 9.741 người. DN nợ nhiều nhất là Công ty TNHH Giày Anjin (Hàn Quốc), nợ 4,1 tỉ đồng; kế đến là Công ty TNHH Dae Yun Việt Nam (Hàn Quốc), nợ gần 3,4 tỉ đồng; tiếp đến là Công ty TNHH Global Cybersoft (Mỹ) nợ 3,38 tỉ đồng; Công ty TNHH Sản xuất Giày dép Kwang Nam (Hàn Quốc) nợ 2,83 tỉ đồng... DN nợ lâu nhất là Công ty TNHH Dệt Hanshin Vina nợ BHXH từ tháng 1-2001với số tiền hơn 650 triệu đồng. Hầu hết các công ty nợ BHXH thuộc ngành dệt, may, da giày sử dụng khoảng 70% lao động nữ trong tổng số lao động. (Nguồn: BHXH TPHCM) |