Đối mặt khó khăn, túng quẫn

Không việc làm, không chỗ ở, ăn uống thất thường... là tình cảnh hiện nay của hàng ngàn công nhân bị mất việc

“Đã hai tuần nay, chúng tôi phải nghỉ chờ việc vì công ty không có đơn hàng. Tiền lương tháng 11-2008, công ty cứ hẹn tới hẹn lui nhưng không thanh toán, trong khi chúng tôi đứa nào cũng nợ vay tứ bề. Từ đây đến Tết, không biết lấy gì để sống?”. Hơn 300 công nhân (CN) Công ty TNHH IL Shincap (100% Hàn Quốc, huyện Bình Chánh - TPHCM) cho biết như vậy khi tụ tập cầu cứu các cơ quan chức năng huyện Bình Chánh, sáng 22-12.

Đi lang thang để... trốn chủ nợ

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN Công ty TNHH IL Shincap buồn rầu than: “Từ khi nghỉ chờ việc đến nay, chúng tôi đã 3 lần đến công ty theo lịch hẹn của giám đốc để nhận lương nhưng lần nào cũng về tay trắng, không biết còn phải chờ tới chừng nào?”. Tiền thuê nhà trọ, điện nước, gạo, nhu yếu phẩm... chủ nợ hối thúc từng ngày. Hàng trăm CN ở khu nhà trọ tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh đành phải “né” chủ nợ bằng cách đi lang thang cả ngày, đến tối mới dám về. Ông Đặng Văn Ẩn, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, cho hay: “Khó khăn nhất vẫn là trường hợp 17 nữ CN đang có thai hoặc nuôi con nhỏ. Nghỉ chờ việc khi bụng mang dạ chửa, tiền lương không có, Tết nhất lại cận kề...”.

Tình cảnh của hơn 100 CN Công ty Quang Sung Vina (quận Gò Vấp - TPHCM) cũng bi đát không kém. Cách nay hơn một tháng, doanh nghiệp (DN) thanh lý máy móc và trả một phần tiền lương; đến nay, số tiền lương ít ỏi đó đã tiêu xài hết từ lâu nhưng CN vẫn chưa tìm được việc làm. Nữ CN Lê Thị Hiếu, quê ở Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi bị chủ nhà trọ đuổi ra đường. Không còn cách nào khác đành phải xin ở tạm nhà mấy bạn đồng hương ở công ty khác. Nhưng cũng chỉ ở được vài hôm lại phải đi chỗ khác vì đâu có ai chịu cho mình ở lâu”. Trong số này, trường hợp của chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền là khó khăn hơn cả vì chị vừa sinh con được hai tháng. Khi Công ty Quang Sung đóng cửa, chị tìm được công việc ở công ty mới nhưng được 10 ngày thì công ty này cũng đóng cửa. Bế tắc, sáng 22-12, chị phải bế con về nhà mẹ ruột ở Tây Ninh tá túc.

Thiếu thốn, kham khổ

Trong số hàng chục CN Công ty Youg Sheng (huyện Hóc Môn - TPHCM) đến nhận tiền hỗ trợ của chương trình “Cùng công nhân vượt khó” cuối tuần qua, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông với vẻ mặt tiều tụy, xanh xao, đôi mắt trũng sâu. Anh là Nguyễn Minh Thắng (Công ty Nệm Vạn Thành) đến nhận suất trợ cấp thay cho vợ là chị Bùi Thị Oanh, đã mất việc hơn một tháng. Do ăn uống thất thường, thiếu thốn, sức khỏe chị rất kém nên sinh non, đứa bé chỉ được 1,4 kg, còn chị thì bị mất sữa. Sau khi ra khỏi lồng ấp, bé lại bị viêm phổi nặng phải nằm bệnh viện. Anh Thắng buồn rầu: “Lương của tôi mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, tiền thuê nhà đã hết phân nửa. Để có tiền thuốc thang cho con, tôi nhận giữ xe ban đêm hoặc bưng bê ở quán nước, mỗi tháng kiếm thêm 900.000 đồng”.

Tương tự là hoàn cảnh của chị Đoàn Thị Chanh. Công ty Youg Sheng đóng cửa, chị mất việc khi vừa sinh con. “Giờ đây, mọi chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào khoản tiền lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng của chồng tôi. Số tiền đó cũng chỉ đủ để trả tiền nhà trọ, tiền sữa cho con”. Chị Chanh kể bữa cơm của hai vợ chồng từ lâu đã vắng thịt cá. Ăn uống kham khổ khi vừa mới sinh con nên chị rất yếu.

Mong có một chỗ làm

Sáng 21-12, chương trình “Cùng công nhân vượt khó” tiếp tục hỗ trợ nữ CN bị mất việc tại quận 8 và huyện Hóc Môn. Được LĐLĐ quận 8 thông báo đến nhận trợ cấp lúc 11 giờ, nhưng mới 9 giờ, chị Lê Thị Trúc Giang (Công ty Haeng Woon Vina) và con nhỏ đã có mặt dù phải vượt hơn 100 cây số từ Tân Phú - Đồng Nai về TPHCM. Chị nói trong sự xúc động: “Nhận được tin báo, cả đêm vợ chồng tôi không sao chợp mắt. Vừa mừng vừa lo mình xuống trễ sẽ không kịp nhận”. Sinh con xong, nghỉ chưa hết thời gian thai sản, chị cai sữa cho con để xin đi làm lại trước thời hạn quy định. Nhưng ngày chị đi làm cũng là ngày công ty đóng cửa. Tiền thai sản, trợ cấp thôi việc của chị vẫn chưa được lĩnh. Không còn cách nào khác, vợ chồng chị dắt díu về quê nương náu nhà mẹ chị.

Khi nhận tiền hỗ trợ, chị Hoàng Thị Biên (Công ty Haeng Woon Vina) đã bật khóc. Sinh con chưa đầy tháng, chị hay tin công ty phá sản. Đồng lương thợ hồ của chồng chị 90.000 đồng/ngày, không thể kham nổi cuộc sống cho 3 miệng ăn. Tiền nhà trọ 2 tháng nay, chị vẫn chưa trả. Chị nghẹn ngào: “Con nhỏ, lại không xin được việc. Mấy tháng nay, gia đình tôi sống trong cảnh túng quẫn. Tôi không biết nói gì để cảm ơn sự giúp đỡ quý báu này”.

Khi chúng tôi chốt danh sách, chuẩn bị ra về thì một phụ nữ đứng tuổi rụt rè đến xin hỗ trợ thêm một suất nữa. Chị là Khúc Thị Vĩnh (Công ty Haeng Woon Vina). Một mình chị nuôi 2 con. Đứa nhỏ bị u não cấp tính, vào viện mổ nhưng vẫn bị liệt nửa người. Đứa lớn phải bỏ học đi làm kiếm tiền phụ mẹ nhưng công việc cũng không ổn định. Công ty đóng cửa, chị chạy vạy xin việc khắp nơi. Chị nói trong nước mắt: “Tôi đi xin việc 6 -7 chỗ rồi nhưng nơi nào họ cũng chê tôi lớn tuổi nên không nhận. Việc gì tôi cũng làm được, giúp việc nhà, lao công hay tạp vụ gì cũng được, miễn sao có tiền lo cho con”.

Trao 352 suất hỗ trợ CN mất việc

Sáng nay, 23-12, chương trình “Cùng công nhân vượt khó” tiếp tục trao 54 suất hỗ trợ cho CN bị mất việc tại các KCX – KCN TP và quận 12 - TPHCM. Đến nay, chương trình “Cùng công nhân vượt khó” đã trao 352 suất hỗ trợ cho CN mất việc (mỗi suất trị giá 1,25 triệu đồng). Hiện chương trình đã nhận được danh sách gần 300 nữ CN có thai, đang nuôi con nhỏ bị mất việc cần được trợ giúp. Báo Người Lao Động mong tiếp tục được đồng hành cùng các DN, các nhà hảo tâm để chăm lo cho CN, giúp họ vượt qua khó khăn, quẫn bách trong thời gian tìm việc làm mới.

Mọi sự ủng hộ và yêu cầu trợ giúp xin gởi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, quận 3 - TPHCM. ĐT: 0122.4964477. Fax: 39304707.

Ông Đoàn Hồng Nhã, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 8- TPHCM:

Công nhân không bao giờ quên...

Chương trình “Cùng công nhân vượt khó” đã kịp thời giúp đỡ những CN khó khăn, túng quẫn nhất; giúp họ ổn định cuộc sống trước mắt trong thời gian chờ tìm việc làm mới. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chắc chắn những CN được trợ giúp sẽ không bao giờ quên nghĩa cử tốt đẹp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.