Dùng cơ chế nào giải quyết đình công tại TPHCM?

Hầu như các quy định của Bộ Luật Lao động chỉ nhằm giải quyết các cuộc đình công về quyền mà ít có quy định giải quyết đình công về lợi ích. Trong khi thực tế, các cuộc đình công xảy ra trên địa bàn TPHCM đều đan xen giữa quyền và lợi ích

“Quyết định 35/2006/QĐ – UBND của TPHCM rất phù hợp và phát huy được hiệu quả giải quyết các vụ đình công trên địa bàn TPHCM”. Đây là nhận định chung của các đại biểu tham dự hội thảo sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 35 của UBND TP về “Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu các vụ đình công không đúng quy định pháp luật lao động” trên địa bàn TPHCM tổ chức ngày 4-6. Tham dự hội thảo có đại diện Sở LĐ-TB-XH, Sở Kế hoạch – Đầu tư, LĐLĐ TP, Công an TP và đại diện UBND 24 quận, huyện.

Phù hợp với thực tiễn

Theo quyết định trên, chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm chủ trì thành lập đoàn công tác giải quyết bước đầu các vụ đình công không đúng pháp luật lao động (gọi tắt là đoàn công tác) ở các doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn quận, huyện. Bà Trần Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, nhận định: “TPHCM là TP đặc thù, tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp và lao động lớn nhất nước nên việc ban hành Quyết định 35 để giải quyết tranh chấp lao động trên địa bàn là rất cần thiết”.

Thực tiễn cho thấy, với hàng trăm ngàn DN đang hoạt động, vấn đề tranh chấp lao động tập thể nói chung và đình công nói riêng tại TPHCM rất phức tạp và nhiều nhất trên cả nước. Bình quân mỗi năm xảy ra hơn 150 cuộc đình công nhưng nếu cứ phải chờ Trọng tài Lao động TP hay các cơ quan chức năng TP đến giải quyết thì không kịp thời. Ông Vũ Văn Quảng, Phó Phòng LĐ-TB-XH quận 7, cho biết: “Yếu tố quan trọng nhất tại các cuộc đình công là phải kịp thời ổn định tình hình và tạo cơ chế thương lượng để công nhân sớm trở lại làm việc. Vì vậy, quy định trách nhiệm giải quyết bước đầu những cuộc đình công không đúng trình tự luật định cho chủ tịch quận, huyện rất quan trọng”. Ông Quảng ví dụ: Chỉ khoảng một tháng giáp Tết 2008, trên địa bàn quận 7 xảy ra 33 cuộc đình công, nếu chờ các cơ quan TP giải quyết thì biết đến bao giờ? Nếu không có cơ chế đặc thù giải quyết thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra!

"Nối mạch" TP - quận, huyện

Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương- Tiền công Sở LĐ-TB-XH TPHCM, nhận định: “Không còn nghi ngờ về tính hiệu quả của Quyết định 35. Còn về mặt pháp lý, quyết định này hoàn toàn phù hợp với quy định tại điều 170b, chương 14 của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động. Do vậy, vấn đề phải làm bây giờ là tìm ra cách thức tổ chức thực hiện quyết định này như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất”.

Một vấn đề quan trọng được đặt ra là sự phối hợp giữa các quận, huyện và cơ quan chức năng của TP chưa chặt chẽ, đồng bộ; thậm chí còn “đá” nhau. Đã từng xảy ra tình trạng, khi tham gia giải quyết đình công, quan điểm của các cơ quan chức năng trái ngược về việc xem xét tính chất cuộc đình công, quyền lợi của người lao động. Hậu quả là DN nghi ngờ năng lực của những người tham gia giải quyết đình công. Một đại biểu đề nghị: “Các cơ quan chức năng phải thống nhất quan điểm trước khi đưa ra nhận định để yêu cầu DN khắc phục sai phạm hoặc thương lượng về quyền lợi của người lao động”.

Ông Giang Văn Nam, Phó Phòng LĐ-TB-XH quận Gò Vấp, nêu ý kiến: “Sở Kế hoạch - Đầu tư là cơ quan cấp phép cho DN, nhất là DN có vốn nước ngoài, nhưng DN di dời đi đâu, còn hoạt động hay không, sở cũng không biết. Khi xảy ra đình công, đoàn công tác mời cơ quan này tham dự cũng không thấy mặt”. Theo ông Nam, “không nhất thiết phải để Sở Kế hoạch - Đầu tư trong thành phần đoàn công tác giải quyết đình công vì thực tế không có tác dụng gì”.

"Không có quy chế vẫn phải làm"

Một vướng mắc lớn là hầu như các quy định của Bộ Luật Lao động chỉ nhằm giải quyết các cuộc đình công về quyền mà ít có quy định giải quyết đình công về lợi ích. Từ đây, luật quy định trách nhiệm giải quyết đình công về quyền của chủ tịch UBND quận, huyện. Trong khi thực tế, hầu hết các cuộc đình công xảy ra trên địa bàn TPHCM đều đan xen giữa quyền và lợi ích. Vậy, dùng cơ chế nào giải quyết đình công tại TPHCM?

Ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, đưa ra một thực tế cần phải suy nghĩ: “Việc phân định tranh chấp về quyền và lợi ích rất khó. Chẳng hạn, nếu đòi về lợi ích nhưng lợi ích đó có quy định trong thỏa ước lao động tập thể thì nó sẽ trở thành quyền”. Ông Danh lưu ý, quy định về mức lương tối thiểu quá thấp, công nhân không sống nổi trong điều kiện hiện nay; nếu họ ngừng việc đòi tăng lương thì cuộc ngừng việc này được xem là đòi lợi ích. Nhưng bản chất của cuộc ngừng việc là đòi quyền được trả công tương xứng, được bảo đảm cuộc sống tối thiểu thì chúng ta nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?". Nhiều đại biểu có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp khẳng định: “Để ổn định tình hình, dù có hay không có quy định, khi xảy ra đình công, chúng tôi cũng thấy trách nhiệm của mình là phải tham gia giải quyết”.

Bà Lê Thanh Thúy, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TPHCM:

Giới chủ phối hợp giải quyết

Trong thời gian tới, VCCI sẽ thành lập hội đồng đại diện người sử dụng lao động tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương. Hội đồng này sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả người lao động và người sử dụng lao động.