Không hiểu luật, “đẩy” người lao động ra đường
Một người lao động ở Ngân hàng Thương mại CP An Bình đã bị thay đổi công việc, mức lương và chấm dứt hợp đồng lao động một cách khó hiểu
“Tôi không có sai phạm gì nhưng đột nhiên ngân hàng thông báo tôi phải thay đổi chức danh công việc, tiền lương, địa điểm làm việc. Sau đó, ngân hàng lại tiếp tục đơn phương ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với tôi”. Bà Đinh Thị Thanh Thảo, Giám đốc Khối nghiệp vụ Back Office, Ngân hàng Thương mại CP An Bình (ABBank), cho biết như vậy trong đơn khiếu nại gửi LĐLĐ TPHCM nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi. Hồ sơ chúng tôi có được cho thấy tổng giám đốc ABBank đã bất chấp quy định của pháp luật khi “đẩy” bà Thảo ra khỏi ngân hàng.

Chính sự hiểu luật không thấu đáo của ABBank đã dẫn đến cảnh bà Thảo bị “đẩy” ra khỏi đơn vị sau nhiều năm làm việc.
Hết “bổ nhiệm” lại “miễn nhiệm”
Ngày 20-6-2007, ông Lưu Đức Khánh, Tổng Giám đốc ABBank khi đó, có quyết định bổ nhiệm bà Đinh Thị Thanh Thảo đảm nhiệm chức danh Giám đốc Khối nghiệp vụ Back Office của ABBank. Đến ngày 1-7-2007, ABBank đưa ra bản HĐLĐ (chưa có chữ ký của bà Thảo), theo đó chức danh chuyên môn của bà Thảo là Giám đốc Khối nghiệp vụ Back Office, địa điểm làm việc tại hội sở ABBank. Đồng thời, ông Khánh cũng ban hành quyết định ghi rõ: “Bà Thảo được tuyển dụng làm việc chính thức tại ABBank, chức danh Giám đốc Khối nghiệp vụ Back Office”. Thực tế nhiều năm sau đó, bà Thảo vẫn làm công việc bình thường và hưởng mức lương tương đương chức danh công việc đã thỏa thuận.
Ngày 27-4-2010, ông Nguyễn Hùng Mạnh, Tổng Giám đốc ABBank (thay ông Lưu Đức Khánh), quyết định thành lập Ủy ban Kiểm soát chất lượng dịch vụ và phân công bà Thảo làm một thành viên thường trực của ủy ban này. Ngày 23-8-2010, ông Mạnh lại có quyết định miễn nhiệm ngay trong ngày chức danh Giám đốc Khối nghiệp vụ Back Office đối với bà Thảo. “Điều lạ lùng là quyết định này không được ban hành trong hệ thống vào thời điểm ký và tôi cũng không hề biết mà vẫn được hưởng đầy đủ tiền lương (55,5 triệu đồng/tháng) đến tháng 1-2011”- bà Thảo bức xúc.
Ngày 28-1-2011, bà Trần Thanh Hoa, Tổng Giám đốc ABBank (thay ông Nguyễn Hùng Mạnh), lại đột ngột thông báo chức danh của bà Thảo là “thành viên thường trực của Ủy ban Kiểm soát chất lượng dịch vụ”, mức lương 25 triệu đồng/tháng và địa điểm làm việc cũng bị thay đổi. Thông báo này cũng ghi: “Ngay khi nhận được xác nhận của bà chấp nhận làm việc tại ABBank với chức danh và mức lương nêu trên, ngân hàng sẽ tiến hành thủ tục ký HĐLĐ với bà theo quy định hiện hành. Đến ngày 28-2, nếu chưa nhận được xác nhận tiếp tục làm việc của bà, ngân hàng sẽ chính thức chấm dứt quan hệ lao động với bà”.
Đơn phương chấm dứt HĐLĐ
Do bà Thảo không đồng ý với thông báo trên nên ngày 1-3, bà Hoa đã ra quyết định “chấm dứt HĐLĐ với bà Thảo hiện đang công tác tại vị trí thành viên thường trực của Ủy ban Kiểm soát chất lượng dịch vụ ABBank kể từ ngày 1-3”.
Xem xét hồ sơ, nhiều chuyên gia pháp luật lao động nhận xét: ABBank đã có hàng loạt việc làm trái pháp luật. Việc HĐLĐ không có chữ ký của bà Thảo là một sơ suất về thủ tục nhưng với việc tổng giám đốc ABBank ban hành quyết định ghi rõ “bà Thảo được tuyển dụng làm việc chính thức tại ABBank, chức danh Giám đốc Khối nghiệp vụ Back Office” và trong thực tế, bà Thảo đã làm việc, hưởng mức lương tương đương chức danh công việc thì mặc nhiên giữa hai bên đã xác lập quan hệ lao động, có HĐLĐ (điều này thể hiện rõ trong việc tổng giám đốc ABBank vào ngày 1-3-2011 đã ký quyết định “chấm dứt HĐLĐ” với bà Thảo).
Việc lãnh đạo ABBank đột ngột miễn nhiệm chức danh và ra thông báo thay đổi chức danh công việc, mức lương, địa điểm làm việc đối với bà Thảo cũng trái luật. Bởi lẽ, trong quá trình thực hiện HĐLĐ, nếu muốn thay đổi nội dung HĐLĐ, hai bên phải có sự thỏa thuận. Trường hợp không đạt được thỏa thuận thì phải tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ.
Làm việc với chúng tôi mới đây, bà Phạm Thị Ngọc Thanh, Giám đốc Khối Pháp chế của ABBank, cho rằng “ABBank không có Khối nghiệp vụ Back Office”. Lý giải việc vì sao không có bộ phận này nhưng tổng giám đốc lại ra quyết định miễn nhiệm chức danh phụ trách bộ phận này đối với bà Thảo, bà Thanh cho rằng vì có quyết định bổ nhiệm nên phải có quyết định miễn nhiệm! Bà Thanh cũng cho biết mặc dù người lao động bị điều chỉnh theo Bộ Luật Lao động thì không có việc bổ nhiệm hay miễn nhiệm như đối với công chức, viên chức nhưng trong lúc các ngân hàng cạnh tranh về nguồn nhân lực, nếu không có các quyết định bổ nhiệm trên thì không thu hút được người giỏi về làm việc.
Ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM: Có quyền kiện ABBank ra tòa ABBank hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và bị chi phối bởi Bộ Luật Lao động chứ không phải Luật Cán bộ Công chức. Chính vì thế, trong quá trình hoạt động, nếu muốn thay đổi nội dung của HĐLĐ thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động chứ không được quyền ra các quyết định mang tính chất hành chính, đơn phương để áp đặt đối với người lao động. Do bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ, bà Thảo có quyền kiện ABBank ra tòa mà không cần phải qua thủ tục hòa giải tại cơ sở. Tổ chức Công đoàn TPHCM sẽ hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo. |
Bà Đinh Thị Thanh Thảo (trái) trình bày sự việc tại Báo Người Lao Động