Làm sổ BHXH

“Tôi làm việc từ năm 2000, đến tháng 5-2006 xin nghỉ việc. Sau nhiều lần yêu cầu, nhưng đến nay công ty vẫn không làm thủ tục để tôi nhận lại sổ BHXH”. Nguyễn Trọng Hùng (Công ty TNHH Bao bì và Mực in Việt Nam - tỉnh Bình Dương)

- Ông Trần Công Thể, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Bao bì và Mực in Việt Nam, trả lời: Đúng như anh Hùng trình bày, vì chúng tôi chậm làm thủ tục nên sổ BHXH của anh Hùng chưa được cơ quan BHXH xác nhận. Trong tháng 12-2006, chúng tôi sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan để trả sổ BHXH cho anh Hùng.

 

Nhận lương hưu 75%

 “Tôi làm việc cho doanh nghiệp Nhà nước từ năm 1975 đến nay. Doanh nghiệp đang tiến hành cổ phần hóa vào cuối năm 2006. Tôi thuộc diện lao động dôi dư theo Nghị định 41/CP nên doanh nghiệp sắp xếp cho tôi nghỉ hưu sớm. Tôi sinh năm 1950, có 30 năm tham gia BHXH. Xin cho biết lương hưu tôi nhận được là bao nhiêu, có bị trừ tỉ lệ phần trăm không?”. Nguyễn Việt Thanh (TPHCM)

- Ông Cao Văn Sang, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, trả lời: Người thuộc diện dôi dư theo quy định tại Nghị định 41/CP nếu có đủ 20 năm đóng BHXH và tuổi đời đủ 55 tuổi (đối với nam) và 50 tuổi (đối với nữ) sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng mà không bị giảm tỉ lệ do nghỉ trước tuổi. Đối với trường hợp của ông, đã đóng BHXH 30 năm thì tỉ lệ lương hưu là 75% (mức cao nhất theo quy định). Trường hợp không thuộc diện dôi dư, muốn nghỉ hưu sớm thì phải được hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Và mỗi năm nghỉ sớm so với quy định bị giảm 1% (56 tuổi bị giảm 4%).

 

Hoàn trả chi phí khám, chữa bệnh

 “Hằng tháng công ty trừ lương chúng tôi để đóng BHXH, BHYT nhưng chúng tôi không được phát thẻ BHYT. Khi ốm đau, chúng tôi bị thiệt thòi quyền lợi”. Một số công nhân (Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Đông Phương, quận 1 – TPHCM)

- Ông Nguyễn Đình Kim, Trưởng Phòng Hành chính – Nhân sự Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Đông Phương, trả lời: Thời gian qua, do công ty tập trung vào việc chuyển nhà máy vào khu công nghiệp theo quyết định của UBND TPHCM, nên có chậm nộp BHXH cho công nhân. Chúng tôi nhìn nhận việc này là sai. Chúng tôi cam kết sẽ hoàn trả mọi chi phí khám-chữa bệnh cho công nhân vì lý do không có thẻ BHYT.

 

Tính đủ thời gian tham gia BHXH

 “Tôi công tác từ năm 1972. Trong quá trình làm sổ BHXH cho tôi, đơn vị đã làm sai lệch hồ sơ, vì vậy cơ quan BHXH chỉ tính thời gian tham gia BHXH của tôi từ năm 1980”. Nguyễn Hồng Thủy (Công ty Lai dắt tàu biển, cảng Sài Gòn – TPHCM)

- Bà Nguyễn Bạch Huệ, Phó Phòng Tổ chức – Cán bộ cảng Sài Gòn, trả lời: Khi nhận được đơn khiếu nại của bà Thủy, chúng tôi đã đưa toàn bộ hồ sơ của bà Thủy đến Cơ quan BHXH TPHCM để thẩm định. Theo công văn số 1323 ngày 18-8-2006 của BHXH TPHCM, thì thời gian từ 1972 đến 1980 bà Thủy đi học nên không được tính là thời gian công tác có tham gia BHXH để ghi sổ và giải quyết chế độ.

 

Không được trợ cấp mất sức

 “Tôi dạy học từ năm 1967, đến năm 1979 tôi tình nguyện về dạy học ở vùng kinh tế mới tỉnh Lâm Đồng. Năm 1989, tôi nghỉ hưởng chế độ mất sức. Năm 1990, tôi về lại quê cũ ở TP Đà Nẵng, tiếp tục nhận trợ cấp mất sức đến năm 2002. Sau đó BHXH Đà Nẵng thông báo thôi trả trợ cấp mất sức...”. Trần Thị Minh Nguyệt (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)

- Ông Cao Văn Sang, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, trả lời: Quyết định 60/HĐBT ngày 1-2-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định thời gian hưởng trợ cấp mất sức lao động bằng 1/2 thời gian công tác quy đổi. Quyết định này cũng cho phép một số trường hợp được hưởng mất sức lao động, trong đó có tối thiểu 5 năm công tác ở vùng khó khăn, gian khổ.

Vùng khó khăn, gian khổ ban hành kèm Thông tư 05/LĐTBXH/TT, không có tên xã Tam Thước (Đức Trọng) mà bà đã công tác từ năm 1979 đến 1989. Vì vậy, BHXH Đà Nẵng ngưng trợ cấp mất sức lao động của bà là đúng quy định.