Vietracimex có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của NLĐ
Ngày 20-12, chị Dương Thị Minh Tâm (ngụ tại quận 9 - TPHCM), nguyên là tu nghiệp sinh tại Nhật Bản, đã đến Báo Người Lao Động tố cáo hành vi lừa đảo của Trung tâm Thương mại du lịch và lao động Sao Vàng (nay là Công ty Xuất khẩu lao động và Du lịch Sao Vàng, thuộc Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng- Bộ Giao thông Vận tải).
Chị Tâm cho biết: “Tôi đã hoàn tất nghĩa vụ theo hợp đồng từ năm 2002 nhưng đến nay công ty không trả lại tiền đặt cọc và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình tôi như cam kết”.
Bội ước, chiếm giữ tài sản của NLĐ
Công ty Xuất khẩu lao động và Du lịch Sao Vàng (Vietracimex) có trụ sở chính ở số 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. Công ty có chi nhánh đặt tại số 34 Đoàn Nhữ Hài, quận 4 - TPHCM. Ngày 17-9-1999, ông Nguyễn Tuấn Sơn, Phó Giám đốc Vietracimex, đã ký hợp đồng đưa 9 NLĐ - trong đó có chị Dương Thị Minh Tâm - đi lao động ở Nhật Bản 3 năm. Trước khi đi, mỗi người phải “đặt cọc” cho Vietracimex 1.200 USD và 5.000 USD tiền “chống trốn”. Riêng chị Tâm, do không đủ tiền nên phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình.
Tháng 9-2002, khi hoàn tất hợp đồng, chị Tâm và 3 lao động khác trở về VN. Theo hợp đồng, chậm nhất 1 tháng sau khi về nước, Vietracimex phải hoàn trả tiền cọc và tiền thế chấp (cả gốc lẫn lãi) cho NLĐ. Thế nhưng, hơn 2 năm qua, chị Tâm và những NLĐ khác đã liên hệ với chi nhánh tại TPHCM và văn phòng tại Hà Nội hàng chục lần nhưng vẫn không đòi được tiền và tài sản thế chấp.
NLĐ từ chủ nợ thành “con nợ”
Tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động, chị Dương Thị Minh Tâm xuất trình “biên bản thanh lý hợp đồng” do ông Phạm Minh Tuấn, trưởng phòng xuất khẩu lao động của công ty, soạn sẵn trong đó xác định chị Tâm đã hoàn thành hợp đồng vào ngày 13-9-2002. Tuy nhiên, trong bản thanh lý hợp đồng lại kê ra những chi phí “từ trên trời rơi xuống” buộc chị Tâm phải trả cho công ty như sau: tổng mức phí của 36 tháng làm việc là 22,14 triệu đồng; tiền vé máy bay lượt đi 5,312 triệu đồng; tiền “ứng trước” để đóng BHXH cho chị Tâm trong 3 năm là 2,1 triệu đồng; lệ phí làm hộ chiếu, visa, đưa đón..., tổng cộng là 33,2 triệu đồng (tính tròn số). Sau khi chiết tính các khoản chi phí, đại diện công ty đặt điều kiện: Nếu trừ đi gần 17 triệu đồng tiền đặt cọc, chị Tâm phải trả cho Vietracimex 16,5 triệu đồng thì mới được nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất! Như vậy, từ vai trò “chủ nợ”, giờ đây chị Tâm đột nhiên trở thành “con nợ” của Vietracimex!
Không đóng BHXH cho NLĐ
Sự tráo trở của Vietracimex chưa dừng lại ở đó: Khi chị Tâm yêu cầu ông Vũ Văn Bộ, đại diện công ty, trả sổ BHXH cho chị thì ông Bộ viện dẫn đủ thứ lý do để khất hẹn. Tuy nhiên, chúng tôi đã xác minh tại cơ quan BHXH TPHCM và được biết Vietracimex không hề đóng BHXH cho NLĐ! Còn về các khoản khác như vé máy bay; phí đưa đón, làm hộ chiếu, visa... Nghiệp đoàn Haruo Mizuno của Nhật Bản (đơn vị tiếp nhận lao động) đã có 2 văn bản gửi Vietracimex và NLĐ, khẳng định nghiệp đoàn đã thanh toán toàn bộ. Riêng phí dịch vụ, theo thỏa thuận bằng văn bản giữa 3 bên gồm Vietracimex, NLĐ và Nghiệp đoàn Haruo Mizuno, trong 20 tháng đầu, mỗi tháng Nghiệp đoàn Haruo Mizuno trích 12% tiền lương của NLĐ, 16 tháng cuối mỗi tháng trích 10% để trả phí dịch vụ cho Vietracimex. Nghiệp đoàn cũng xác nhận đã thu đầy đủ của NLĐ và tạm giữ để chờ thanh lý hợp đồng với Vietracimex; đồng thời yêu cầu Vietracimex phải giải tỏa thế chấp và hoàn lại tiền cọc cho NLĐ. Nhưng, Vietracimex đã cố tình lơ đi!
Lẽ nào cơ quan chức năng bó tay ?
Hiện nay, hợp đồng giữa Vietracimex và đối tác Nhật Bản vẫn chưa được thanh lý bởi trong số 9 lao động được công ty đưa đi tháng 9-2002, có 5 người bỏ trốn. Phía Nhật Bản yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại do việc 5 NLĐ bỏ trốn theo thỏa thuận giữa hai bên, nhưng vụ việc chưa được giải quyết. Tuy nhiên, chủ tịch Nghiệp đoàn Haruo Mizuno khẳng định: Đây là vấn đề giữa nghiệp đoàn và Vietracimex, không liên quan đến những NLĐ đã hoàn thành hợp đồng. Vietracimex phải lấy từ khoản lệ phí “chống trốn” đã thu của những NLĐ bỏ trốn để bồi thường.
Mặt khác, trong hợp đồng giao kết giữa NLĐ và Vietracimex không có bất cứ điều khoản nào ràng buộc trách nhiệm của cá nhân NLĐ này đối với NLĐ khác trong nhóm. Một tu nghiệp sinh khác là chị Phan Thị Mỹ Phượng cho biết: “Tôi đã kiện công ty ra TAND Hà Nội (nơi công ty đặt trụ sở), sau đó phải ra tận Hà Nội đề nghị chuyển vụ việc cho TAND TPHCM xét xử. Thế nhưng 2 năm qua, TAND TPHCM đã nhiều lần triệu tập, phía Vietracimex vẫn không đến nên tòa không xử được. Tôi không tin là cơ quan luật pháp lại bó tay trước sai phạm rành rành như vậy”.
Một điều đáng nói là mới đây, chúng tôi đã tìm đến số 34 Đoàn Nhữ Hài, quận 4 - TPHCM thì không thấy bảng hiệu chi nhánh! Người dân sống xung quanh đó cho biết, chi nhánh đã gỡ bảng hiệu và “hô biến” từ lúc nào chẳng ai hay! Trong vụ việc này, Vietracimex đã có dấu hiệu lừa đảo. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải làm rõ những hoạt động mờ ám tại Vietracimex để xử lý và buộc công ty phải trả lại tài sản cho NLĐ.
------------------
Luật sư Lê Bình An, Đoàn Luật sư TPHCM:
Nên yêu cầu cơ quan công an điều tra, khởi tố
Người cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu khi có yêu cầu được nhận lại tài sản theo quy định của pháp luật là phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại điều 141 Bộ Luật Hình sự; có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trường hợp nhận được tài sản của người khác bằng các loại hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản là phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 140 Bộ Luật Hình sự. NLĐ nên gởi đơn tố cáo đến cơ quan công an nơi Vietracimex đặt trụ sở để yêu cầu điều tra, khởi tố hình sự vụ án chiếm giữ trái phép tài sản công dân.