Quyết tâm cao, nỗ lực lớn

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, trong trường hợp cần thiết, có thể nới bội chi ngân sách nhà nước và tiết kiệm chi thường xuyên

Ngày 5-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội (QH) khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2025.

Ngày mai, 7-5, đàm phán thuế với Mỹ

Dẫn báo cáo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 7,09%, Thủ tướng khẳng định kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ, vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Quý I/2025, tăng trưởng ước đạt 6,93% là mức cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020-2025, trong đó có nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng 2 con số.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường. Đáng chú ý là việc Mỹ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực. Theo đó, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên được Mỹ đồng ý đàm phán, dự kiến phiên đàm phán đầu tiên diễn ra vào ngày mai, 7-5.

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, khát vọng đổi mới, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để biến khó khăn thành động lực vươn lên. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ngoài ra, Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; mở rộng thị trường, chuỗi cung ứng. Qua đó, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến của thế giới.

Về công tác phòng chống lãng phí, người đứng đầu Chính phủ cho biết đã có những kết quả tích cực trong thời gian qua, nhất là việc xử lý các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực. Trong đó, Chính phủ hoàn thành rà soát, đang đề xuất Bộ Chính trị, QH tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng số vốn gần 5,9 triệu tỉ đồng và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, chỉ rõ tăng trưởng kinh tế quý I/2025 chưa đạt kịch bản đề ra, gây áp lực lên việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên. Để đạt mục tiêu này, bình quân các quý còn lại của năm 2025, tốc độ tăng trưởng phải đạt khoảng 8,4%. Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước tăng chậm, chưa phát huy được vai trò động lực; khu vực kinh tế tư nhân chưa tạo được đột phá về quy mô và năng lực cạnh tranh; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng...

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Chính phủ xác định để đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỉ USD, trong trường hợp cần thiết, có thể điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức 4%-4,5% GDP và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, để tăng chi đầu tư - phát triển. Bên cạnh đó là thực hiện các chính sách tài khóa quan trọng như miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, phí, lệ phí; tăng trưởng tín dụng trên 16%, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng vào sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế biên giới, khu thương mại tự do, khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các đặc khu kinh tế mới. Chính phủ cũng đặt mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và hơn 1.000 km đường bộ ven biển trong năm 2025.

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn- Ảnh 2.

Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và mục tiêu năm 2025. Đồ họa: ANH THANH

Về đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh năm nay cần đạt tỉ lệ giải ngân 100%; sử dụng vốn hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Cùng với đó, thúc đẩy các động lực quan trọng của nền kinh tế là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư - kinh doanh; giảm ít nhất 30% thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Quan trọng không kém là tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển các thị trường bất động sản, thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, bền vững. Đặc biệt là cụ thể hóa Nghị quyết 68/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân thành nghị quyết của QH trong kỳ họp này.

Các nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cũng được Chính phủ triển khai trong thời gian tới. Đối với lĩnh vực giáo dục, y tế, Thủ tướng cho biết sẽ bố trí nguồn lực để thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả ngay từ năm học 2025-2026. Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chuyển từ công tác khám chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho tất cả người dân. "Đây là việc khó nhưng nếu đạt tăng trưởng tốt, với tốc độ thu ngân sách như hiện nay thì có thể làm được" - Thủ tướng khẳng định.

Trong bối cảnh thế giới biến động và nội tại còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, khát vọng đổi mới với tầm nhìn xa, nghĩ sâu, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực vươn lên.

Về phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi kiến nghị thời gian tới cần thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống - gồm đầu tư, tiêu dùng xuất khẩu - và khai thác hiệu quả các động lực mới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số. Trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ giải ngân, xử lý triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công. Có giải pháp giảm chi phí vốn, thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất - kinh doanh, khuyến khích ngân hàng giảm lãi suất cho vay... 

Xem xét bố trí 44.000 tỉ đồng cho sắp xếp bộ máy

Đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí việc trình QH xem xét, quyết định bố trí 44.000 tỉ đồng để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, kiện toàn bộ máy; giao Chính phủ tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Trung ương trong trường hợp kinh phí phát sinh lớn hơn 44.000 tỉ đồng, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ trình QH xem xét, quyết định; hoặc giao Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định trường hợp giữa 2 kỳ họp.

Đề xuất cấm mua bán dữ liệu cá nhân

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình QH dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ dự thảo luật quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, gồm: xử lý dữ liệu cá nhân trái luật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhà nước, quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu của cơ quan chức năng; lợi dụng bảo vệ dữ liệu để vi phạm pháp luật; thu thập, xử lý, chuyển giao dữ liệu trái quy định; mua bán dữ liệu cá nhân; cố ý chiếm đoạt, làm lộ hoặc làm mất dữ liệu cá nhân. Dự kiến, dự thảo luật sẽ được QH thông qua tại kỳ họp này.