Sau sáp nhập, Đà Nẵng xử lý người lang thang, xin ăn thế nào?
(NLĐO) – Sau hợp nhất, Sở Y tế Đà Nẵng đề xuất tiếp tục Chương trình “Không có người lang thang, xin ăn” tại một số xã phường trọng điểm tại tỉnh Quảng Nam cũ.
Chương trình "Không có người lang thang, xin ăn" là một trong những điểm sáng tại Đà Nẵng, người dân mong muốn áp dụng chương trình cho toàn địa bàn sau khi Đà Nẵng -Quảng Nam "về chung một nhà".
Người lang thang, xin ăn ảnh hưởng bộ mặt du lịch thành phố
Thời gian gần đây, Báo Người Lao Động nhận phản ánh về tình trạng trẻ em buôn bán hàng rong, người lang thang xin ăn biến tướng tại các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố như ven biển Đà Nẵng, phố Tây Đà Nẵng, phố cổ Hội An,…

Một người lang thang xin ăn tại Hội An, TP Đà Nẵng
Anh Nguyễn Văn Tài (trú phường Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho hay đầu tháng 7, anh dẫn bạn đi ăn tại đường Hồ Nghinh (phường An Hải, TP Đà Nẵng) thì gặp cảnh hàng rong chèo kéo nhan nhản. Tại quán ăn, anh được một bé gái tầm 14 tuổi mời mua vé số nên mua 2 tờ ủng hộ. Bất ngờ, cháu bé giật luôn tờ 200.000 đồng trên tay anh rồi bỏ chạy.
"Chủ quán sau đó hỗ trợ tôi check camera, nhưng thấy cháu bé tật nguyền nên tôi không truy cứu. Coi như một trải nghiệm không vui tại khu phố biển du lịch"- anh Tài chia sẻ.
Tương tự, tại phố cổ Hội An, người dân phản ánh tình trạng xin ăn tập trung chủ yếu tại các ngã tư như đường Nguyễn Tất Thành giao với đường 28/3, đường Lê Hồng Phong giao với đường Tôn Đức Thắng, đường Lý Thường Kiệt - Nguyễn Trường Tộ,…
Đối tượng xin ăn đa phần là người lớn tuổi hoặc giả dạng khuyết tật. Một số người còn cầm theo bảng ghi những câu chuyện thương tâm để lay động lòng trắc ẩn. Mỗi khi có người đến thăm dò, quay phim hoặc chụp ảnh, các trường hợp ăn xin lập tức được một người lạ đi xe máy nhanh chóng chở đi khỏi hiện trường.
"Chủ trương không có người lang thang xin ăn đã tạo nên thương hiệu của Đà Nẵng, hy vọng sau khi hợp nhất, thành phố tiếp tục mở rộng chương trình cho những địa phương thuộc Quảng Nam cũ, chấm dứt tình trạng xin ăn biến tướng tại phố cổ Hội An và các vùng du lịch tương tự", người dân phố cổ Hội An bày tỏ.
Quyết liệt hơn tại Hội An và Tam Kỳ
Trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Đoàn Thị Hoài Nhi, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết đã nắm thông tin, chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng vào cuộc xử lý phản ánh của người dân.

Nhiều người mong muốn Đà Nẵng tiếp tục triển khai chương trình "Không có người lang thang, xin ăn" tại các khu vực thuộc Quảng Nam cũ
Lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết thêm, từ 2021 đến ngày 10-6-2025, Tổ Xử lý thông tin người lang thang xin ăn" (Tổ 550) thuộc Trung tâm Công tác xã hội duy trì trực thường xuyên 24/24, xử lý tổng cộng gần 2.000 lượt đối tượng lang thang xin ăn.
Thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình "Không có người lang thang xin ăn" với sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị, địa phương. Tình trạng lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng tại các khu vực trọng điểm, danh lam thắng cảnh, nơi thờ tự giảm rõ rệt. Nhiều nơi thực hiện tốt như Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê.
Tuy nhiên, lực lượng kiểm tra ở cơ sở mỏng, kiêm nhiệm nên tuần tra chưa thường xuyên. Việc xử phạt hạn chế vì đa số không đủ tiền nộp. Nhiều người tái phạm dù đã vận động hồi gia. Hơn 160 đối tượng đang được nuôi dưỡng chưa có mã định danh nên không cấp được thẻ BHYT, xử lý người nước ngoài ăn xin cũng vướng thủ tục phối hợp liên ngành.
Qua đó, Sở Y tế kiến nghị các cơ quan liên quan hỗ trợ cấp mã định danh cá nhân, CCCD cho các đối tượng trên để được tham gia BHYT theo quy định. Sau khi Đà Nẵng – Quảng Nam "về chung một nhà", Sở Y tế TP Đà Nẵng đề nghị tiếp tục duy trì Chương trình "Không có người lang thang, xin ăn" trên toàn địa bàn.

Hoạt động lang thang xin ăn, buôn bán hàng rong, chèo kéo du khách làm xấu xí bộ mặt du lịch thành phố
"Ở Đà Nẵng cũ thì có chương trình "Không có người lang thang, xin ăn". Còn ở Quảng Nam cũ, trách nhiệm xử lý được giao về cho cấp quận huyện, nay là xã phường. Sắp đến, Sở kiến nghị mở rộng ra toàn địa bàn, bao gồm các phường, xã trọng điểm thuộc tỉnh Quảng Nam cũ như Hội An, Tam Kỳ", bà Đoàn Thị Hoài Nhi thông tin.
Đồng thời, đề xuất giao chức năng tiếp nhận, xử lý thông tin, quản lý đường dây nóng 02363.550550 cho chính quyền cơ sở hoặc lực lượng công an. Trong khi đó, Sở Y tế vẫn tiếp tục chủ trì các cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận các đối tượng để đưa vào cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời theo quy định.
"Đề nghị UBND các phường, xã chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý địa bàn, thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn, người tâm thần lang thang; lực lượng công an địa phương phối hợp lập biên bản, tổ chức tiếp nhận và đưa các đối tượng vào cơ sở trợ giúp xã hội hoặc Bệnh viện Tâm thần thành phố", lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng nói.
Thưởng nóng cho người dân du khách
Lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết người dân, du khách cũng nên tăng cường phát hiện, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện người xin ăn, xin ăn biến tướng, người lợi dụng hoặc mang theo trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để bán hàng rong,… qua đường dây nóng 02363.550550.
"Thành phố có mức thưởng nóng 300.000 đồng/trường hợp để khuyến khích cho tập thể, cá nhân phát hiện, thông báo cho lực lượng chức năng xử lý nhóm đối tượng tượng này", bà Đoàn Thị Hoài Nhi nói.