Thanh toán không tiền mặt và cơ hội hợp tác nâng tầm dịch vụ fintech

Việt Nam đang phát triển các dịch vụ thanh toán không tiền mặt mới, hiện đại, nhanh chóng và an toàn hơn cho người dân từ nông thôn đến thành thị.

Trong xu hướng tất yếu, đang xuất hiện nhiều cơ hội hợp tác của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng phạm vi thanh toán không tiền mặt và tăng tính tiện lợi cho người sử dụng.

Nở rộ thanh toán không tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức giao dịch chủ yếu tại nhiều nền kinh tế. Tại Thuỵ Điển, Đan Mạch hay Canada, hầu hết người dân đang chi trả cho hàng hoá và dịch vụ hằng ngày thông qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và ứng dụng trực tuyến. Tại Trung Quốc, Alipay là ứng dụng thanh toán phổ biến nhất với hơn 700 triệu tài khoản. Ở Đông Nam Á, theo ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam Chia sẻ tại buổi thảo luận "Hợp tác nâng tầm thanh toán không dùng tiền mặt" vừa diễn ra ngày 28/2/2022, thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang phát triển mạnh mẽ. Thói quen không tiếp xúc hình thành từ đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục và thương mại điện tử đang phát triển ngày càng đa dạng… là những yếu tố thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Thanh toán không tiền mặt và cơ hội hợp tác nâng tầm dịch vụ fintech - Ảnh 1.

Thanh toán không tiền mặt đã trở thành thói quen với giới trẻ Việt Nam

Số liệu Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Kênh Internet tăng 89,3% về số lượng và 40,5% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị.

Tương tự, số liệu từ báo cáo Hành vi Thanh toán của người tiêu dùng năm 2022 của Visa Consumer Payment Attitudes Study 2022 cho thấy 83% người Việt Nam được khảo sát dự định thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn. 

Việc thanh toán bằng thẻ tín dụng, mã QR và các ví điện tử bao phủ ngày càng rộng trong các hoạt động đời sống từ các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay tiểu thương chợ truyền thống.

Hợp tác fintech liên ngành để thúc đẩy xã hội không tiền mặt

Tuy vậy, việc phát triển phương thức thanh toán mới vẫn còn gặp khó khăn.

Về hạ tầng, các thiết bị hỗ trợ như máy POS chưa phổ biến nhiều ở khu vực nông thôn. Ngoài ra còn là vấn đề về thay đổi thói quen của người dùng, mà theo ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc VNG, công ty mẹ của ZaloPay, nhìn nhận rằng vẫn chưa thuyết phục được mọi người dân chuyển đổi thói quen từ tiền mặt sang các ứng dụng di động và thẻ.

Bà Lê Lan Chi, Tổng Giám đốc ZaloPay, cho rằng những người ít tiếp xúc với công nghệ dễ ngần ngại trước quy trình đăng ký và xác minh tài khoản nhiều bước. Để giải quyết vấn đề này, Zalo Pay đang triển khai tích hợp ví điện tử vào ứng dụng nhắn tin Zalo, giúp lưu trình đăng ký trực quan và thân thiện hơn. Mọi thao tác thanh toán, chuyển tiền đều có thể thực hiện trong khung chat, đồng thời kỳ vọng rằng ZaloPay sẽ đạt 100 triệu người dùng ví điện tử tích hợp trên nền tảng Zalo ở mọi độ tuổi, ngành nghề trong xa hội.

ZaloPay còn bắt tay với đối tác bên ngoài để mở rộng các tiềm năng mới. Đầu tháng 1/2023, ZaloPay và Grab Việt Nam chính thức công bố hợp tác để triển khai ví điện tử ZaloPay trên ứng dụng Grab. Sắp tới, người dùng có thể trả trực tiếp thông qua ZaloPay, giúp tiết kiệm thời gian và trải nghiệm dịch vụ mượt mà, tiện lợi hơn.

Thanh toán không tiền mặt và cơ hội hợp tác nâng tầm dịch vụ fintech - Ảnh 2.

Các đại diện Grab Việt Nam và ZaloPay tại Thảo luận Hợp tác Nâng tầm Thanh toán không dùng tiền mặt

Sự hợp tác của Grab và Zalo Pay là ví dụ mới nhất trong xu hướng hợp tác giữa các công ty công nghệ và tài chính để nắm bắt cơ hội trong đà tăng trưởng thanh toán không tiền mặt ơ Việt Nam. Đôi bên kỳ vọng sự kết hợp sẽ giúp cộng hưởng thế mạnh công nghệ của nhau, tạo cơ hội cho các tính năng và sản phẩm mới ưu việt hơn. ZaloPay sẽ tiếp tục mở rộng hệ sinh thái và cơ sở người dùng, sau khi đạt thành tích ấn tượng là 11,5 triệu người dùng thanh toán trong năm 2022, mạng lưới hơn 13.000 đối tác thương mại và 35.000 điểm thanh toán trên cả nước. Grab tăng thêm sự linh hoạt và cung cấp nhiều lựa chọn cho hơn cho cả khách hàng và đối tác tài xế của hãng tại Việt Nam.

Theo Ngân hàng nhà nước, chính sách chung về thanh toán không tiền mặt sẽ theo hướng nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng, tăng cường kết nối liên ngành để tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử cũng sẽ được chú trọng, nhằm sớm đưa Việt Nam hoàn thành Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong dòng chảy chung đó, sự hợp tác giữa ví điện tử ZaloPay và hãng công nghệ dịch vụ, siêu ứng dụng Grab Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng góp rất lớn để tạo ra thêm nhiều tiện ích của một xã hội Việt Nam không tiền mặt theo xu thế tất yếu của thế giới.