Tập trung chống ngập đô thị

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đang khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng chống ngập đô thị khi mùa mưa đã bắt đầu

Trong đó, chú trọng tuyên truyền người dân không xả rác xuống cống rãnh, kênh rạch.

Những ngày qua, dù chỉ vài cơn mưa đầu mùa xuất hiện nhưng một số đô thị ở ĐBSCL đã bị ngập, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt, kinh doanh của người dân và các phương tiện di chuyển vào giờ cao điểm.

Mưa lớn là ngập

Theo ghi nhận của phóng viên, sau những cơn mưa lớn, nhiều tuyến đường trong nội ô TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã bị ngập sâu. Nguyên nhân là do mặt đường thấp và gần sông; hệ thống thoát nước được đầu tư đã lâu, qua nhiều giai đoạn, kích thước không đồng bộ, còn thiếu các điểm đấu nối…

Tập trung chống ngập đô thị - Ảnh 1.

Cần Thơ đang nâng cấp cải tạo tuyến đường Trần Văn Hoài để tránh tình trạng mưa là ngập như những năm trước .Ảnh: CA LINH

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân thiếu ý thức đã đổ chất kết dính xuống hố thu nước, hố ga hoặc để rác trên miệng cống… Vì vậy, khi trời mưa lớn thì nước không thoát được.

Để khắc phục tình trạng ngập ở đô thị, UBND TP Cà Mau đã yêu cầu Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị kiểm tra toàn bộ hệ thống thoát nước. Qua đó, sớm đánh giá khu vực nào cần ưu tiên tiến hành nạo vét, vệ sinh hệ thống thoát nước.

Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị TP Cà Mau, cho biết trước mắt, đơn vị đã tiến hành nạo vét, vệ sinh các tuyến đường trục chính. Ngành chức năng TP Cà Mau còn yêu cầu đơn vị vận hành và UBND xã, phường phân công người túc trực, kiểm tra hệ thống hố thu nước trên đường nhằm khơi thông dòng chảy, không để ngập cục bộ khi mưa lớn. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hoàn trả mặt bằng cửa xả thải; gắn bảng tên và đánh số cửa xả để tránh tình trạng tái lấn chiếm, gây khó khăn trong việc vệ sinh, cải tạo.

Tập trung chống ngập đô thị - Ảnh 2.

Một số tuyến đường ở TP Cà Mau thường bị ngập sâu sau những cơn mưa lớn .Ảnh: VÂN DU

"Chúng tôi đã đề xuất ngành chức năng TP Cà Mau xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước tại 24 vị trí với tổng mức đầu tư hơn 6 tỉ đồng. Dự án đang được các nhà thầu triển khai thực hiện. TP Cà Mau còn cân đối nguồn vốn để nâng cấp hệ thống thoát nước Kênh 16, cải tạo các cửa xả, đấu nối đoạn chưa thông ở các phường 5, 6, 7, 8, với tổng mức đầu tư trên 40 tỉ đồng" - ông Giang thông tin.

TP Cà Mau hiện còn một số tuyến đường thường bị ngập sâu sau khi mưa lớn, như: Đề Thám, Phan Ngọc Hiển, Hùng Vương, Trần Văn Thời, nút giao đường Ngô Quyền - Lê Lai - Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo... Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá lại hiện trạng hệ thống thoát nước trên địa bàn; đề xuất đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước lớn hơn, hiện đại hơn, có khả năng chịu tải cao và bổ sung điểm đấu nối hệ thống thoát nước còn thiếu.

"Chúng tôi sẽ lắp đặt trạm bơm chống ngập tại khu vực trũng thấp, cải tạo các hồ điều tiết trong nội ô để tích trữ nước tạm thời khi mưa lớn bất thường. Lực lượng chức năng sẽ vận động người dân không xả rác xuống cống rãnh và tham gia giữ gìn vệ sinh đô thị; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lấn chiếm kênh rạch nhằm phục hồi không gian thoát nước tự nhiên" - ông Giang khẳng định.

Bảo đảm mỹ quan đô thị

Tại TP Cần Thơ, nhằm giải quyết tình trạng ngập úng, nghẹt nước ở các tuyến đường trung tâm quận Ninh Kiều, vừa qua, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận đã triển khai kế hoạch cải tạo, nâng cấp các tuyến đường 30 Tháng 4, Trần Văn Hoài và Nguyễn Trãi. Đây là những tuyến đường đưa vào sử dụng nhiều năm nay nên đã xuống cấp, hư hỏng và thường ngập khi mưa lớn, triều cường dâng cao.

Theo ghi nhận, tại đường Trần Văn Hoài, việc nâng cấp mặt đường, thảm nhựa đã hoàn thành và được thông xe; chỉ còn phần lắp đặt cống thoát nước, trồng cây xanh... Công trình mở rộng, nâng cấp đường Trần Văn Hoài có kinh phí gần 40 tỉ đồng. Đây là tuyến giao thông quan trọng ở Cần Thơ với chiều dài 525 m, nối 2 trục đường lớn của thành phố là 3 Tháng 2 và 30 Tháng 4. Tuyến đường này được nâng cao từ 25 - 60 cm, tùy từng đoạn; khi hoàn thành sẽ có 6 làn xe, lộ giới 40 m.

Theo ông Trần Ngọc Thái, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều, dự kiến dự án trên hoàn thành trong tháng 7-2025. "Việc mở rộng, nâng cấp đường Trần Văn Hoài còn nhằm tạo vẻ mỹ quan cho tuyến giao thông trung tâm của thành phố. Ngoài ra, việc cải tạo hệ thống thoát nước nhằm đồng bộ hạ tầng, cải thiện khả năng tiêu thoát nước, giảm tình trạng ngập lụt cục bộ, góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân" - ông cho biết.

Chị Phan Thị Thanh Thúy, chủ hộ kinh doanh trên đường Trần Văn Hoài, nhớ lại: "Trước đây, mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường, đường Trần Văn Hoài thường ngập nặng do hệ thống cống không thoát nước kịp. Đường phố ngập nước như vậy ảnh hưởng rất lớn đến việc buôn bán của người dân chúng tôi. Bây giờ, đường được chỉnh trang và cải tạo hệ thống thoát nước, hy vọng sẽ không còn cảnh ngập lụt như trước".

Trong khi đó, dự án nâng cấp, mở rộng đường 30 Tháng 4 (đoạn từ đường Mậu Thân đến Trần Văn Hoài) được UBND quận Ninh Kiều phê duyệt với kinh phí đầu tư gần 11 tỉ đồng. Đường 30 Tháng 4 sẽ được nâng cấp một đoạn dài khoảng 450 m, với chiều rộng lòng đường 26 m; cải tạo hệ thống thoát nước mặt, lát gạch vỉa hè… Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90%.

Thời gian qua, Cần Thơ đã ưu tiên nguồn lực triển khai nhiều dự án để giải quyết tình trạng mặt đường xuống cấp, ngập - nghẹt nước, cũng như chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm thành phố. Trong đó, đáng chú ý là dự án "Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị" (dự án 3). Đến nay, dự án này đã cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm quận Ninh Kiều, thảm lại mặt đường, bảo đảm mỹ quan đô thị ở 32 tuyến đường trên địa bàn. 

Phú Quốc chuẩn bị nhiều kế hoạch

Phú Quốc dù là đô thị loại 1 ở tỉnh Kiên Giang nhưng 394 km đường cống thoát nước của thành phố chỉ đạt tiêu chí đô thị loại II. Tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, mật độ xây dựng và độ nén đô thị cao đã khiến hệ thống cống quá tải, dẫn đến việc Phú Quốc thường xuyên ngập cục bộ khi mưa lớn những năm qua.

Theo lãnh đạo TP Phú Quốc, trong mùa khô vừa qua, thành phố đã tập trung sửa chữa, nâng cấp hầu hết các tuyến đường huyết mạch và hệ thống thoát nước. Thành phố kỳ vọng tình trạng ngập lụt như những mùa mưa trước sẽ không tái diễn.

Hằng năm, mùa mưa ở Phú Quốc kéo dài 4-5 tháng với lượng mưa trung bình khá lớn. Điều này có lợi cho sự phát triển các loài thực vật, rừng và bảo đảm về nguồn nước trên đảo, song cũng là một thách thức đặt ra cho chính quyền địa phương về phòng chống ngập cục bộ.

"Thành phố đang khẩn trương xây dựng nhiều kế hoạch phòng chống ngập vào mùa mưa sắp tới. Theo đó, chủ yếu là nâng cấp, khơi thông hệ thống cống thoát nước; đồng thời chuẩn bị các phương án cứu hộ, cứu nạn khi có tình trạng ngập lụt bất thường xảy ra" - ông Đoàn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, cho biết.

Tập trung chống ngập đô thị - Ảnh 3.