Thái Lan: Bà Paetongtarn Shinawatra bị điều tra, có thể kéo dài đến 2 năm?
(NLĐO) - Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan thành lập hội đồng điều tra Bộ trưởng Văn hóa Paetongtarn Shinawatra, người đang bị đình chỉ chức thủ tướng
Ngày 14-7, Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan (NACC) nhất trí bỏ phiếu thông qua quyết định mở cuộc điều tra nhằm xác minh bà Paetongtarn có vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn đạo đức công vụ liên quan cuộc điện đàm bị rò rỉ với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen hay không.
Theo đó, NACC đã thành lập một hội đồng điều tra để xem xét nội dung đoạn ghi âm, trong đó bà Paetongtarn được cho là đã trao đổi với ông Hun Sen về vấn đề biên giới Thái Lan - Campuchia.
Hội đồng điều tra mới lập này bao gồm Chủ tịch NACC Suchart Trakulkasemsuk và Ủy viên Prapas Kong-ied.

Bà Paetongtarn Shinawatra đang bị đình chỉ chức thủ tướng. Ảnh: The Bangkok Post
Việc thành lập hội đồng điều tra đánh dấu sự khởi đầu của một quy trình pháp lý chính thức theo thủ tục của NACC, trong khi vẫn còn một số bước trước khi đưa ra bất kỳ cáo buộc chính thức nào.
Theo tờ The Bangkok Post, nếu tìm thấy đủ bằng chứng, các cáo buộc sẽ được trình bày chính thức và bà Paetongtarn có cơ hội phản biện.
Hội đồng điều tra có tối đa 2 năm để hoàn tất tiến trình điều tra và có thể gia hạn 1 năm nếu cần thiết. Sau khi kết thúc điều tra, kết luận sẽ được trình lên toàn thể NACC để xem xét. Trường hợp xác định có đủ căn cứ cho cáo buộc, vụ việc sẽ được chuyển tới Văn phòng Tổng Chưởng lý để xử lý theo quy định pháp luật.
Cuộc điều tra của NACC được tiến hành song song với đơn kiến nghị của 36 thượng nghị sĩ gửi lên Tòa án Hiến pháp, yêu cầu bãi nhiệm chức Bộ trưởng Văn hóa hiện tại của bà Paetongtarn.
Hồi tháng 6, NACC đã nhất trí mở một cuộc điều tra sơ bộ nhằm xác định liệu bà Paetongtarn có vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn đạo đức hay không.
NACC lúc đó đặt thời hạn là 10 ngày để xác minh sự việc, hoàn tất cuộc điều tra sơ bộ. Quá trình này bao gồm việc phiên âm và dịch chính xác đoạn ghi âm từ tiếng Khmer sang tiếng Thái, thẩm vấn các nhân chứng và xem xét các quy định pháp luật liên quan.
Các nhà điều tra cũng tham khảo một án lệ của Tòa án Hiến pháp, từng dẫn đến việc cựu Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin bị bãi nhiệm vì bổ nhiệm ông Phichit Chuenban làm bộ trưởng.
Báo The Bangkok Post nhận định cuộc điện đàm liên quan căng thẳng biên giới giữa Thái Lan và Campuchia không chỉ đặt ra nghi vấn về khả năng lãnh đạo chính phủ của bà Paetongtarn mà còn đặt ra những câu hỏi về đạo đức.
Trong cuộc hội thoại, bà Paetongtarn dường như gọi Tư lệnh Quân khu 2 của Thái Lan là "phía bên kia". Bà Paetongtarn đã đưa ra những nhận xét chỉ trích về Tư lệnh Quân khu 2 và tỏ ra quá nhượng bộ đối với nhà lãnh đạo Campuchia.