Thay đổi hoàn toàn cách học lái xe

Bộ câu hỏi thi sát hạch lái xe mới bảo đảm người điều khiển phương tiện thực sự hiểu và tuân thủ luật giao thông

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an vừa ban hành bộ 600 câu hỏi dùng để sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, được áp dụng từ ngày 1-6.

Sai câu điểm liệt sẽ bị trượt

Bộ 600 câu hỏi mới vẫn giữ nguyên số lượng câu hỏi như bộ đề do Bộ Giao thông Vận tải biên soạn trước đây. Nhưng nhiều câu hỏi được sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn và kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm.

Theo đó, bộ đề mới gồm 600 câu hỏi được phân chia rõ ràng theo từng chương mục, bao phủ toàn diện các kiến thức cần thiết cho người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Nội dung không chỉ dừng lại ở quy định pháp luật về giao thông, biển báo hay kỹ thuật lái xe mà còn bổ sung nhiều câu hỏi về tình huống thực tiễn và kỹ năng xử lý nguy hiểm.

Ngoài ra, bộ đề có nhóm câu "điểm liệt" liên quan các hành vi nguy hiểm nghiêm trọng như: Vượt đèn đỏ, lái xe khi có nồng độ cồn, đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh CSGT… Người thi trả lời sai bất kỳ câu điểm liệt nào sẽ bị đánh trượt, bất kể có tổng số câu đúng đạt theo quy định.

Bộ đề sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng B, C1, C, D1, D2, D và các hạng BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE có tất cả 600 câu hỏi (60 câu về xử lý tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng); hạng B1 gồm 300 câu (30 câu về xử lý tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng); hạng A1, A có cả thảy 250 câu (20 câu về xử lý tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng).

Hạng B sẽ sát hạch 30 câu, trong đó có 8 câu về một số quy định chung và quy tắc giao thông đường bộ; 1 câu về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng; 1 câu về văn hóa giao thông, đạo đức người lái xe, kỹ năng PCCC và cứu hộ, cứu nạn; 1 câu về kỹ thuật lái xe; 1 câu về cấu tạo và sửa chữa; 9 câu về báo hiệu đường bộ; 9 câu về giải thế sa hình và kỹ năng xử lý tình huống giao thông.

Hạng C1 sẽ thi 35 câu, trong đó 10 câu về một số quy định chung và quy tắc giao thông đường bộ; 1 câu hỏi về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng; 1 câu về văn hóa giao thông, đạo đức người lái xe, kỹ năng PCCC và cứu hộ, cứu nạn; 2 câu về kỹ thuật lái xe; 1 câu về cấu tạo sửa chữa; 10 câu về báo hiệu đường bộ; 10 câu về giải thế sa hình và kỹ năng xử lý tình huống giao thông.

Hạng C sẽ thi 40 câu hỏi, trong đó 10 câu về một số quy định chung và quy tắc giao thông đường bộ, 1 câu hỏi về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng, 1 câu về văn hóa giao thông, đạo đức người lái xe, kỹ năng PCCC và cứu hộ, cứu nạn, 2 câu về kỹ thuật lái xe, 1 câu về cấu tạo sửa chữa, 14 câu về báo hiệu đường bộ, 11 câu về giải thế sa hình và kỹ năng xử lý tình huống giao thông.

Hạng D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE sẽ thi 45 câu hỏi, trong đó 10 câu về một số quy định chung và quy tắc giao thông đường bộ; 1 câu hỏi về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng; 1 câu về văn hóa giao thông, đạo đức người lái xe, kỹ năng PCCC và cứu hộ, cứu nạn; 2 câu về kỹ thuật lái xe; 1 câu về cấu tạo sửa chữa; 16 câu về báo hiệu đường bộ; 14 câu về giải thế sa hình và kỹ năng xử lý tình huống giao thông.

Bộ đề sát hạch cấp GPLX mô tô hạng A1, A, B1 gồm 25 câu hỏi (hạng B1 được chọn ngẫu nhiên trong 300 câu hỏi được chọn lọc từ bộ 600 câu; hạng A1, A được chọn ngẫu nhiên trong 250 câu hỏi được chọn lọc từ bộ 600 câu). Trong đó, 8 câu về một số quy định chung và quy tắc giao thông đường bộ; 1 câu về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng; 1 câu về văn hóa giao thông, đạo đức người lái xe; 1 câu về kỹ thuật lái xe hoặc cấu tạo sửa chữa; 8 câu về báo hiệu đường bộ; 6 câu về giải thế sa hình và kỹ năng xử lý tình huống giao thông.

Thay đổi hoàn toàn cách học lái xe- Ảnh 1.

CSGT tổ chức kỳ sát hạch lái xe. (Ảnh do công an cung cấp)

Cần hiểu bản chất của luật

Đại diện Cục CSGT cho biết sự đổi mới trong bộ câu hỏi đồng nghĩa với việc thí sinh phải thay đổi hoàn toàn cách học truyền thống. Việc "học mẹo", "học tủ" hay chỉ đơn thuần ôn luyện lý thuyết sẽ không còn hiệu quả, thậm chí có thể dẫn đến thi trượt do sai câu điểm liệt hoặc không hiểu đúng tình huống thực tế. Người thi cần tập trung ôn luyện toàn diện, chú trọng luyện tập câu hỏi tình huống và kỹ năng xử lý nguy hiểm.

Đại diện Cục CSGT nêu rõ: "Thí sinh không nên chỉ "học tủ" hay thuộc lòng các câu "hỏi mẹo" mà cần tập trung hiểu bản chất luật để vận dụng trả lời các câu hỏi một cách linh hoạt. Với nhóm câu điểm liệt như vượt đèn đỏ hay điều khiển xe khi có nồng độ cồn, việc hiểu rõ mức phạt, nguy cơ gây tai nạn và hậu quả pháp lý sẽ giúp thí sinh ghi nhớ sâu hơn và vận dụng vào thực tế tốt hơn thay vì chỉ thuộc câu trả lời máy móc".

Đại diện Cục CSGT nhấn mạnh việc áp dụng bộ đề thi mới không chỉ là thay đổi về kỹ thuật thi cử mà còn thể hiện quyết tâm của lực lượng công an trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lái xe ngay từ khâu đầu vào. Trong bối cảnh tai nạn giao thông vẫn còn nhiều thách thức, kỳ thi sát hạch trở thành bước lọc quan trọng, bảo đảm người điều khiển phương tiện không chỉ biết lái xe mà còn thực sự hiểu và tuân thủ luật giao thông, góp phần bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Anh Trần Đức Tiến (SN 2000, trú tại tỉnh Nam Định), cho biết anh đang trong giai đoạn ôn thi ráo riết để dự thi sát hạch lái xe vào tháng tới. Theo anh, việc học lái xe hiện nay được quy định chặt chẽ nghiêm ngặt hơn trước nên sẽ khó hơn.

"Tuy nhiên, với quy định chặt chẽ như vậy, người học phải tập trung, cẩn thận, chỉn chu hơn. Từ đó, giúp bản thân tự tin hơn khi lái xe". 

Cục CSGT cũng khuyến cáo người học nên sử dụng phần mềm thi thử chính thức do Cục phát hành. Bởi lẽ, các câu hỏi tình huống được mô phỏng sát thực tế, giúp thí sinh rèn luyện kỹ năng xử lý và ra quyết định nhanh chóng, chính xác. Việc luyện tập này khác hoàn toàn so với học lý thuyết truyền thống, đòi hỏi thí sinh phải chủ động suy nghĩ thay vì học thuộc lòng.