Thẻ bài cung nữ - bảo vật dưới lòng đất

Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê Sơ - một bảo vật quốc gia - cho thấy việc sử dụng rộng rãi, nghiêm ngặt thẻ bài khi ra vào cung cấm được bắt đầu vào thời vua Lê Thánh Tông

"Cung nữ xuất mãi bài"

Khi mới xuất lộ, bề mặt thẻ bài cung nữ bị oxy hóa nhẹ. Phần lớn chữ trên thẻ bài bị lớp oxy hóa che phủ hoặc làm mờ. Năm 2022, khi đưa vào trưng bày tại Phòng Báu vật hoàng cung, thẻ được tẩy rỉ, ngâm tẩm hóa chất theo quy trình bảo quản.

Thẻ bài cung nữ - bảo vật dưới lòng đất- Ảnh 1.

Hoàng thành Thăng Long, nơi xuất lộ thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê Sơ. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội


Thẻ bài cung nữ là tấm hợp kim đồng, phẳng, mỏng, hình thang cân, cao 12,7 cm; 2 góc của cạnh trên được tỉa cong. Cạnh dưới rộng 4,9 cm, cạnh trên rộng 4,6 cm; phía trên dày 0,11 cm, phía dưới 0,1 cm. Các cạnh được mài vê tròn để làm mất độ nhọn, sắc. 

Trên trục chính tâm của thẻ, cách đỉnh 1,3 cm có một lỗ nhỏ đường 0,3 cm để luồn dây đeo. Hai mặt thẻ khắc chữ Hán với nét chữ sâu, rõ ràng. Mặt thứ nhất khắc 5 chữ 宮 女 出 買 牌 - cung nữ xuất mãi bài. Mặt thứ hai - tức mặt sau - khắc 11 chữ, xếp thành hai hàng dọc; hàng thứ nhất 4 chữ 宫 字 五 號 - cung tự ngũ hiệu và hàng thứ hai 7 chữ 光 順 七 年 四 月 造 - Quang Thuận thất niên tứ nguyệt tạo.

Thẻ bài cung nữ - bảo vật dưới lòng đất- Ảnh 2.

Dòng chữ ở mặt trước thẻ bài: 宮 女 出 買 牌 - cung nữ xuất mãi bài. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa

Dòng chữ 宮 女 出 買 牌 - cung nữ xuất mãi bài ở mặt chính tấm thẻ cho biết đây là một loại tín bài cấp cho cung nữ dùng ra vào (xuất cung) để mua hàng phục vụ hoạt động trong cung.

Dòng thứ nhất ở mặt sau 宫 字 五 號 - cung tự ngũ hiệu tức là cung số 5 của nội cung - khu cung cấm của Thăng Long. Dòng thứ hai 光 順 七 年 四 月 造 - Quang Thuận thất niên tứ nguyệt tạo cho biết thẻ được tạo vào tháng 4 năm Quang Thuận thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông - tức năm 1466 dương lịch. Đây có thể được coi là thời điểm tạo thẻ bởi thông thường, thẻ được cấp ngay sau khi tạo.

"Thẻ thông hành" ra vào cung cấm

Thẻ bài là tên dùng để gọi một nhóm vật dụng. Bài - 牌 có nghĩa là "cái bảng, mảnh ván đề chữ làm dấu hiệu để yết thị; chiếc thẻ dùng để làm tin". 

Từ tên chung là thẻ bài, tùy theo chất liệu làm nên chiếc thẻ mà được gọi là: Kim bài - 金 牌 (thẻ bài bằng vàng), Ngân bài - 銀 牌 (thẻ bài bằng bạc), Mộc bài - 木 牌 (thẻ bài bằng gỗ), Thạch bài - 石 牌 (thẻ bài bằng đá)... Cũng có thể tùy theo công năng từng chiếc thẻ mà gọi là Bội bài - 佩 牌 (thẻ bài để đeo ở cổ), Đái bài - 帶 牌 (thẻ đeo ở thắt lưng), Tín bài - 信 牌 (thẻ bài làm tín vật), Lệnh bài 令 牌 (thẻ bài giao việc)...

Thẻ bài cung nữ - bảo vật dưới lòng đất- Ảnh 3.

Dù tên gọi khác nhau nhưng tựu chung, trong xã hội quân chủ, thẻ bài là vật dụng đặc biệt, dùng để thể hiện sự ân sủng hay để phân biệt danh tính, phẩm hàm, địa vị, chức phận của chủ nhân tấm thẻ đó.

Thẻ bài có thể chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những huân chương, huy chương tưởng thưởng công trạng; huy chương danh dự của triều đình ban tặng thể hiện sự ân sủng với các bậc vương công, đại thần, binh sĩ… hết lòng phụng sự triều đình.

Nhóm thứ hai giống như "phục trang" đặc biệt để phân biệt địa vị, phẩm hàm của những hạng người khác nhau trong xã hội; hoặc có giá trị như "thẻ thông hành", dùng để ra vào nơi cung cấm, doanh trại hay được dùng như thẻ ủy nhiệm của cấp trên giao việc cho thuộc hạ. Trong nhiều trường hợp, có loại thẻ cũng tích hợp cả hai loại chức năng này.

Thẻ bài cung nữ - bảo vật dưới lòng đất- Ảnh 4.

Một góc Hoàng thành Thăng Long về đêm. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội

Thẻ bài cung nữ - bảo vật dưới lòng đất- Ảnh 5.

Mặt sau của thẻ bài

Ở Đại Việt, thẻ bài với tính chất là tín bài có lẽ đã được sử dụng từ khi lập quốc, thậm chí trước đó. Song, những ghi chép sớm nhất cho thấy thẻ bài với tính chất là một loại thẻ thông hành để ra vào cung điện được sử dụng và quản lý nghiêm ngặt từ thời Lê Sơ. Đến thời Nguyễn, hệ thống này phát triển hoàn chỉnh, chặt chẽ.

Khi xét thưởng chiến công trận Thổ Khối năm Đinh Mùi (1427), theo Đại Việt sử ký toàn thư: "Ban thưởng ngân bài và tiền bạc, tơ lụa". Ngân bài được nhắc ở đây là thẻ bằng bạc. Có lẽ thẻ bài này chỉ mang tính chất ghi nhận công trạng và thể hiện ân sủng của vua đối với những người có đóng góp trong chiến thắng ở trận Thổ Khối, không phải thẻ ghi danh.

Chưa có tư liệu nào cho biết thời điểm nhà Lê sử dụng thẻ bài như một công cụ để kiểm soát việc ra vào cung cấm.

Sự kiện sớm nhất được nhắc đến trong Đại Việt sử ký toàn thư là vào năm Đinh Hợi, Quang Thuận năm thứ 8 (1467)… "ra sắc chỉ rằng: Quan triều tham đeo thẻ bài đi theo hầu nên ghi chữ "hỗ tòng" vào thẻ bài". 

Đại Việt sử ký toàn thư cũng cho biết "năm Giáp Dần, Thiệu Bình năm thứ nhất (1434)… ra lệnh chỉ cho các trấn, huyện xã, sách, trang rằng: "Khi có người tới kinh làm việc, nếu là quân thì phải có tướng hiệu, là dân thì phải có quan lộ, huyện chuyển đưa lên. Nếu là các quan đi việc công hay tư thì lấy giấy tờ ở huyện mình. Còn quân nhân ở kinh và người nhà của đại thần, thế gia nếu có lĩnh giấy sai đi làm việc gì thì tổng quản, tổng tri, nha ấy hay nhà ấy cấp giấy tờ. Quân hay dân đi buôn bán cũng phải xin giấy thông hành của quan lộ, huyện. Tuần kiểm các trấn kiểm tra mà không có giấy thông hành thì phải ngăn lại, không cho đi".

Điều này cho thấy ít nhất là vào năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), việc ra vào kinh thành chưa quản lý bằng thẻ mà bằng giấy tờ do các "cơ quan chủ quản" của nhân sự ấy cấp.

Thẻ bài cung nữ - bảo vật dưới lòng đất- Ảnh 6.

Tái hiện đời sống hoàng cung tại Hoàng Thành Thăng Long

Việc quản lý nhân sự cũng tương tự. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Giáp Dần, Thiệu Bình năm thứ nhất (1434)… Từ nay về sau, nếu có cung nhân ở các điện và đại thần, tổng quản, hành khiển cùng bọn nữ quan vào chầu, khi đến cửa cấm thì người coi cửa phải chuyển tâu trước, đợi có sắc chỉ mới được vào. Đàn bà không có phẩm tước đều không được cho vào. Nội nhân, nữ quan, nô tỳ ở các điện nếu không có việc gì, không được lui tới các điện khác. Nếu canh cửa không cẩn thận, lấy tình riêng dung túng cho vào bậy, cùng là người nào mang các đồ sắt từ một cái kim trở lên vào trong cung cấm mà không chuyển tâu trước đều phải chịu luật trị tội".

Ghi chép này cho thấy không chỉ quan lại, ngay cung nhân trong nội cung cũng chưa được quản lý bằng hệ thống thẻ. 

Với những sử liệu nêu trên, có thể thấy rằng cho đến năm Thiệu Bình thứ nhất (1434) - đời vua Thánh Tông nhà Lê Sơ, việc ra vào kinh thành và cả nội cung chưa được quản lý bằng thẻ. Đến năm Quang Thuận thứ 8 (1467), việc quản lý ra vào nội cung bằng thẻ bài đã được thực hiện nhưng cũng chưa thực sự chặt chẽ, vì vậy vẫn được bổ sung, hoàn thiện.

Hé lộ cách quản lý cung cấm thời Lê Sơ

Việc phát hiện thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê Sơ ở Hoàng thành Thăng Long cung cấp những bằng chứng thuyết phục, cho thấy dù vẫn tiếp tục được hoàn thiện nhưng dưới thời vua Thánh Tông, việc quản lý người ra vào bằng thẻ bài đã được triển khai đến mọi đối tượng trong cung.

Thẻ bài cung nữ nêu trên được cấp cho cung nữ sử dụng trong việc ra ngoài mua đồ phục vụ sinh hoạt của cung cấm. Việc sử dụng thẻ bài sẽ được kết hợp với danh sách những cung nhân trong cung để bảo đảm tránh bị giả mạo.

Thẻ bài cung nữ - bảo vật dưới lòng đất- Ảnh 7.

Hoàng Thành Thăng Long về đêm. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội

Theo các chuyên gia, tại những địa điểm khảo cổ trong Hoàng thành Thăng Long chưa phát hiện di vật nào tương tự. Tư liệu về thẻ bài thời Lê cũng rất hiếm, đến nay mới có 2 loại được công bố. Thẻ thứ nhất là thẻ bài cẩm y vệ thời Hồng Thuận (năm 1512) và thẻ thứ hai là thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê Sơ ở Hoàng thành Thăng Long. 

Trong đó, thẻ bài cẩm y vệ thời Hồng Thuận thuộc bộ sưu tập của ông Dương Minh Chính (Hà Nội). Thẻ bài này lần đầu tiên được công bố trong cuộc triển lãm "Cổ vật và những tác phẩm nghệ thuật bằng đá quý" nhân dịp chào Xuân Nhâm Thìn 2012 tại Hà Nội.

Thẻ bài cung nữ phát hiện ở Hoàng thành Thăng Long là minh chứng vật chất quan trọng, cho thấy việc sử dụng rộng rãi và nghiêm ngặt thẻ bài khi ra vào cung cấm được bắt đầu dưới thời vua Lê Thánh Tông, đặt nền móng cho việc quản lý cung cấm ở thời Lê Sơ. Phương pháp quản lý này tiếp tục hoàn thiện ở các thời vua sau. Đến thời Nguyễn, việc quản lý ra vào cung cấm được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ với hệ thống thẻ bài ngày càng hoàn chỉnh.

Theo Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê Sơ là hiện vật gốc, độc bản, có giá trị đặc biệt về lịch sử - văn hóa, gắn với di tích Kính Thiên - di tích trung tâm, quan trọng của Di sản Văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Thẻ bài cung nữ - bảo vật dưới lòng đất- Ảnh 8.