Ám ảnh trọng tài, ấm ức cầu thủ
Ngoài nỗi ám ảnh trọng tài, các ông chủ những tập đoàn kinh tế lớn cũng phải giật mình trước cơn bão loạn giá chuyển nhượng dù họ không tiếc tiền đầu tư cho bóng đá Việt

Không chỉ bức xúc công tác trọng tài, Chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức (phải) còn bực mình với chuyện cầu thủ làm giá vô tội vạ nhưng VFF chưa có khả năng xử lý. Ảnh: Quang Liêm
Thị trường cầu thủ hỗn loạn
Chia sẻ với bầu Đức, bầu Thắng nói: “Bạn tôi làm chủ tịch một CLB lớn ở Thái Lan. Ông nói mỗi năm các CLB bên đó chỉ chi khoảng 1,5 triệu USD/mùa trong khi ở Việt Nam phải bỏ ra 3-4 triệu USD/năm để làm kinh phí hoạt động. Vậy mà bây giờ bóng đá Việt Nam thua xa Thái Lan về sự hấp dẫn, về số khán giả đến sân. Có cầu thủ tháng trước nói với tôi xin về ĐTLA với giá 5 tỉ đồng, vậy mà 2 tháng sau đòi 10 tỉ đồng. Không hiểu giá ở đâu mà kinh khủng vậy”.
Ít tiền, trọng tài vòi vĩnh là bình thường!
Không phải chỉ các ông bầu một lần nữa bày tỏ nỗi bức xúc với trọng tài mà ngay Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, người dự cuộc họp với tư cách là đại diện của Ngân hàng Eximbank (nhà tài trợ V-League), cũng không giấu được sự thất vọng với công tác trọng tài. Nhiều chi tiết ông Dũng tuyên bố khiến nhiều người bất ngờ: “Trong cuộc họp ban chấp hành lần 5 diễn ra một ngày sau khi anh Kiên công kích công tác trọng tài, anh Nguyễn Văn Mùi khi phát biểu đã khóc và nói rằng tôi đã xúc phạm anh, xúc phạm gia đình anh. Nhiều thành viên trong ban chấp hành đã nhìn tôi với ánh mắt khó chịu, buộc tôi phải đứng lên khẳng định đó là những khuyết điểm tất cả phải chấp nhận rằng dư luận và các CLB đúng”.
Nghe bầu Thắng và bầu Đức bày tỏ việc từng vô tình nhiều lần nghe những nhóm trọng tài “chê” ĐTLA hay HAGL giàu nhưng không biết chơi với “vua”, ông Dũng chia sẻ: “Quyền lực mà không kiểm soát được thì rất dễ dẫn đến tha hóa. Với tư cách là người ký duyệt vấn đề tài chính của VFF, chính tôi khi xem kỹ lại chế độ của các trọng tài cũng giật mình. Ví dụ đi xe từ sân bay Nội Bài về chỉ được quyết toán 90.000 đồng trong khi tiền taxi nhiều năm nay đã là 250.000 đồng. Như vậy, trọng tài ăn vào đâu, chỉ có nước “quất” mấy đội bóng mà gỡ lại thôi”.
VFF phải mạnh tay
Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho rằng chuyện loạn giá là do lỗi lớn từ chính những ông chủ của các CLB muốn có bằng được cầu thủ mình thích nên nâng giá vô tội vạ. Muốn ngăn chặn tình trạng làm giá, nâng giá ảo, chính các đội bóng phải thỏa thuận với nhau để có giải pháp ngăn chặn tình trạng này. Đáp lại, bầu Kiên cho rằng VFF cũng phải sửa đổi điều lệ, đưa ra thêm những chế tài hoặc quyền hạn kỷ luật cho CLB. Bầu Đức nói: “VFF hoàn toàn có khả năng xử lý, ngăn chặn tình trạng loạn giá chứ không thể đổ hết lỗi cho CLB. Thử hỏi, liệu có cầu thủ nào dám quậy, dám vi phạm hợp đồng nếu VFF sẵn sàng kỷ luật, cấm họ thi đấu cho đội bóng khác. Thậm chí, đội bóng vi phạm nguyên tắc lôi kéo cầu thủ cũng như phá giá chuyển nhượng cũng có khung phạt thì tôi tin bóng đá Việt Nam sẽ trở lại đúng giá trị thực. Bóng đá châu Âu, họ có điều lệ, chế tài đàng hoàng, có ai dám quậy không”.
Cần một đại hội bất thường Đó chính là mong muốn của bầu Kiên, bầu Đức, bầu Thắng và bầu Tiến Anh trong cuộc đối thoại “Doanh nghiệp làm bóng đá và hướng đi cho bóng đá Việt Nam” do Báo Pháp Luật TPHCM tổ chức chiều 15-9. Các ông bầu cho rằng cần phải thay đổi ngay từ trưởng BTC giải lẫn chủ tịch Hội đồng Trọng tài. Bầu Kiên cho biết nếu tổ chức một đại hội bất thường quy tụ 28 ông bầu của các đội ở V-League và Giải Hạng nhất, ông sẽ đề cử Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn vào ghế trưởng BTC giải, còn ông Đoàn Phú Tấn vào chức chủ tịch Hội đồng Trọng tài quốc gia. Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng ghi nhận những góp ý của các ông bầu và khẳng định bản thân ông vẫn bảo lưu quan điểm phải thay đổi nhân sự ở BTC cũng như Hội đồng Trọng tài. Về mong muốn tổ chức một giải đấu riêng mang tên Super Liga, bầu Kiên khẳng định các ông bầu không có ý định ly khai khỏi VFF cũng như không có ý định tổ chức một giải đấu riêng. Những phản ứng vừa qua phản ánh nỗi bức xúc nhưng cũng là mong muốn VFF phải thay đổi. |