Bán Adebayor và Toure: Arsene Wenger đang tự tin hay tự cao?
Như một sự trao đổi, Man City trao cho Arsenal 40 triệu bảng, đổi lại, đội bóng thành London chia tay hai cầu thủ ưu tú của họ, tiền đạo Adebayor và trung vệ Kolo Toure. Khái niệm “lòng trung thành” và “cầu thủ biểu tượng” chưa bao giờ tồn tại ở Arsenal.
Trang web Goal.com đã đưa ra một bảng thống kê, theo đó, Wenger đã bán đi tất cả 11 cầu thủ trong đội hình chính từng đoạt ngôi vô địch Premier League mùa 2003-2004. Mùa bóng đó đội bóng thành London ngoài biệt danh “pháo thủ” còn có danh xưng mới là "Invicible” (Không thể bị đánh bại) vì thành tích không thua trong 49 trận liên tiếp.
Sau Adebayor, đến lượt Kolo Toure cũng nối gót sang Man City
Patrick Vieira, tiền vệ người Pháp, mở màn cho “trào lưu” ra đi khỏi Arsenal, ngay sau mùa giải hào hùng đó, để chuyển sang Juventus ở Serie A vào năm 2005. Ở đó, Vieira đã giành 4 Scudetto với Juve và sau đó là trong đội hình Inter Milan.
Sau khi bán Toure cho Man City, Wenger vẫn khẳng định trên website của Arsenal rằng Arsenal vẫn đủ mạnh để giành ngôi vô địch Premier League. “Ở nước Anh, ai cũng nghĩ mọi vấn đề sẽ được giải quyết khi bỏ tiền ra mua cầu thủ. Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất là phải cần cù tập luyện và cầu thủ phải có được sự tự tin”.
HLV người Pháp nói ông vẫn sẽ bổ sung lực lượng nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, cho đến giờ sân Emirates vẫn chỉ đón duy nhất một tân binh là trung vệ Thomas Vermaelen từ CLB Ajax.
Sau “tấm gương” Vieira, những cầu thủ mang về vinh quang cho Arsenal lần lượt rủ nhau ra đi. Tiền vệ Robert Pires sang CLB Villarreal của Tây Ban Nha tháng 5-2006, trung vệ Sol Campbell về Portsmouth tháng 8 cùng năm. Cũng tháng 8 năm đó, hậu vệ cánh trái Ashley Cole chuyển sang “đại kình địch” Chelsea, biến trận derby thành London từ năm 2006 thành nơi thảm bại của Arsenal.
Asley Cole rời Arsenal để tìm kiếm vinh quang, điều anh chưa được hưởng ở sân Emirates
Wenger đã không ngừng chiêu mộ cầu thủ, nhưng kể từ năm 2004 sân Emirates chưa từng được hưởng vinh quang nào nữa. Tiền đạo người Hà Lan Dennis Bergkamp giải nghệ vào năm 2006. Đến tháng 1-2007, hậu vệ cánh Lauren chuyển sang Portsmouth, tái ngộ Sol Campbell. Tháng 6 năm đó, CĐV Arsenal ngậm ngùi nhìn “đứa con của thần gió” Thierry Henry khoác áo CLB Barcelona.
Ở mùa giải 2007-2008, chật vật lắm Arsenal mới giành được vị trí thứ 3, đảm bảo một suất vào thẳng vòng bảng Champions League. Nhưng đến mùa giải sau, 2008-2009, đội bóng của Wenger từng có lúc bị Aston Villa bỏ qua tới 7 điểm. Phải đến giai đoạn cuối mùa Arsenal mới đoạt lại vị trí thứ tư đầy nhọc nhằn, khi Villa lâm vào cảnh thiếu hụt nhân sự.
Aston Villa là một tấm gương cho Arsenal về việc giữ sự ổn định trong lối chơi và tham vọng phải phù hợp với chất lượng đội hình. Dù vậy, Wenger vẫn bán hết những cầu thủ nếu thấy được giá. Tháng 7- 2007, Wenger chấp thuận cho tiền vệ người Thụy Điển Freddie Ljunberg chuyển sang West Ham. Đến tháng 6-2008, đến lượt thủ thành Jens Lehmann hồi hương về Stuttgart.
Báo chí Anh đưa ra câu hỏi nếu Man City hỏi mua cả Fabregas, Wenger có bán không?
Tháng 7-2008, tiền vệ phòng ngự Gilberto Silva bị bán sang Panathinaikos, một CLB Hi Lạp. “Kẻ bất bại” cuối cùng, biểu tượng cho một thời vinh quang của Arsenal, Kolo Toure, cuối cùng cũng không thể chọi nổi với “núi tiền” từ Man City. Chỉ trong ba năm sau mùa giải 2003-2004, Wenger đã thực hiện một chiến lược kinh doanh thành công chưa từng thấy, kiếm lời hàng triệu bảng cho Arsenal từ việc bán cầu thủ nhưng cùng lúc bảng thành tích của CLB ngày càng đi xuống.
Ngay sau khi có được chữ ký của Toure, HLV Mark Hughes vẫn thuyết phục các ông chủ Man City chưa dừng mua sắm. Tham vọng của đội bóng thành Manchester là vị trí thứ tư Premier League mà Arsenal đang nắm giữ, và không gì làm suy yếu đối thủ dễ hơn là “thu gom” hết những người tài của họ. Nếu Man City đề nghị chuyển nhượng William Gallas, Theo Walcott hay thậm chí Cesc Fabregas, Wenger liệu có gật đầu?