Cầu thủ Việt kiều: Sao chỉ có Ludovic Casset?
Ngày 30-10, theo lời đề nghị của HLV trưởng Tavares, cầu thủ Việt kiều Ludovic Casset sẽ trở về VN tham gia đội tuyển quốc gia. Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, hiện có khoảng 800 cầu thủ gốc Việt chơi bóng đá trên khắp thế giới. Vậy tại sao chúng ta không tận dụng nguồn nhân lực này?
Không thua sút về tố chất thể lực, sức mạnh và kỹ thuật, thậm chí còn vượt trội hơn sự khéo léo so với các cầu thủ bản xứ, nhiều cầu thủ gốc châu Á nói chung và VN nói riêng đã và đang hòa nhập khá hiệu quả vào sân cỏ quốc tế có đẳng cấp cao. Trong xu thế toàn cầu hóa, chuyện cầu thủ đang sống ở nước khác về thi đấu cho đội tuyển quốc gia (ĐTQG) là chuyện bình thường, kể cả việc một người có 2 quốc tịch cũng vậy.
Từ số ít cầu thủ được điểm tên.- Còn nhớ lại cách đây vài năm, trên nhiều trang báo thể thao trong và ngoài nước, đặc biệt tại Đan Mạch đã có nhiều bài viết giới thiệu về sự kiện cầu thủ Việt kiều Nguyễn Tấn Hải thi đấu cho một CLB nổi tiếng tại Copenhagen và sau đó được mời tham gia đội tuyển trẻ Đan Mạch. Ít lâu sau, vào năm 2000, trong thành phần đội tuyển đảo Guam thi đấu với đội tuyển VN tại sân Thống Nhất trong khuôn khổ vòng loại cúp châu Á, khán giả TPHCM được chứng kiến tài nghệ bắt bóng của Vincente Diaz. Điều lý thú là thủ môn này có mang dòng máu Việt. Natipong - ngôi sao một thời của đội tuyển Thái Lan, trả lời báo chí khi tham dự SEA Games 18, cho biết bên họ ngoại của anh là người Việt đã sang sinh sống trên đất Thái lâu đời. Tìm về cội nguồn là mong muốn của nhiều người Việt xa xứ, có lẽ vì thế mà Lê Minh Thành, một cầu thủ trẻ chơi bóng tại Na Uy, đã liên hệ tìm đường trở về cố hương. Nhưng rất tiếc do tuổi đời lẫn kinh nghiệm thi đấu còn non, nên cầu thủ này chỉ có thể gắn bó với màu áo CLB Ngân hàng Đông Á trong một thời gian ngắn.
LĐBD VN nên lập một tổ công tác có nhiệm vụ đánh giá năng lực của các cầu thủ Việt kiều. Đó là cách tốt nhất để khai thác tiềm năng hàng ngàn cầu thủ gốc Việt đang chơi bóng đá ở nước ngoài |
Đến gần 800 cầu thủ Việt kiều ở châu Âu.- Theo quy định của UEFA trước khi vào mùa giải mới, liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) các quốc gia ở châu Âu đều tiến hành việc xác minh nguồn gốc các cầu thủ mà họ quản lý. Việc tìm hiểu nguồn gốc, quá khứ chơi bóng của cầu thủ là một phần thủ tục quan trọng buộc các LĐBĐ sở tại tìm hiểu thật kỹ. Vì lẽ đó, hằng năm LĐBĐ VN (VFF) thường xuyên tiếp nhận nhiều văn bản, hồ sơ của LĐBĐ các nước chuyển đến nhờ xác minh nguồn gốc các cầu thủ là người VN đang định cư ở các nước sở tại và đăng ký thi đấu tại nhiều CLB do các liên đoàn này quản lý. Trong số đó, đa phần đều do các LĐBĐ Nga, CHLB Đức, Cộng hòa Séc, Hungary... đề nghị. Thống kê từ các bộ hồ sơ được VFF tiếp nhận và lưu giữ trong khoảng 4 năm gần đây, cho thấy số lượng cầu thủ Việt kiều đăng ký thi đấu tại các nước nêu trên đạt gần con số 800 người. Số lượng này còn có thể cao hơn nếu như tất cả các LĐBĐ nước ngoài đều thực hiện việc xác minh này.
Trên thực tế, VFF không có đủ cơ sở để thẩm định, xác định nguồn gốc cũng như quá trình tập luyện và thi đấu của đội ngũ cầu thủ gốc Việt này. Theo Tổng Thư ký VFF, ông Phạm Ngọc Viễn, do họ sinh trưởng ở nhiều địa phương khác nhau, hoặc ở nước ngoài và phần lớn rời VN lúc còn nhỏ nên VFF không tài nào có thể xác minh được. Ông Viễn còn cho biết thêm, sàng lọc trong số hồ sơ tiếp nhận, cho thấy phần đông số cầu thủ Việt kiều này thường tập trung ở các nước châu Âu, trong đó có khoảng 60% đang thi đấu tại CHLB Đức.
Một nguồn lực lớn.- Lần giở tập hồ sơ do các LĐBĐ bạn gửi đến, chúng tôi đọc được những dòng phác thảo ngắn: Nguyễn Hoàng Minh, sinh năm 1984, đăng ký thi đấu cho CLB TJ.Kyje – Cộng hòa Séc, Trần Hữu Nhật, sinh năm 1982, thi đấu cho Thuringen Wieda FC- Đức, Nguyễn Xuân Giang, sinh năm 1985, khoác áo Fortuna Magdeburg FC – Đức... Phần lớn các cầu thủ này còn khá trẻ và họ đang chơi cho các CLB bán chuyên nghiệp hoặc các CLB hạng 2, hạng 3 của các nước sở tại. Dù chỉ là vài dòng tiểu sử sơ sài ngắn gọn, nhưng với những thông tin có được chúng ta cũng có cơ sở để khẳng định rằng đây là một nguồn lực lớn bổ sung cho bóng đá VN, nếu ta biết tận dụng.
Tổng Thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn cho biết, xu hướng hiện nay ở các nước có nền bóng đá chậm phát triển, họ đều có chính sách khuyến khích cầu thủ đang sinh sống ở nước ngoài trở về thi đấu cho quê hương mình. Bởi hầu hết lực lượng này đều được đào tạo rất bài bản trong môi trường bóng đá hiện đại, họ có tư duy và phong cách chơi bóng chuyên nghiệp ngay từ lúc trẻ. Mặt khác về tinh thần, họ rất tự hào khi được trở lại quê nhà thi đấu. Liên quan về vấn đề này, theo ý kiến của Trưởng Ban Các đội tuyển VFF Nguyễn Sỹ Hiển, bóng đá VN không chỉ có quan điểm mở rộng vòng tay chào đón mà phải tạo điều kiện thuận lợi cho họ hòa nhập.
Chưa thể nói thêm nhiều về cuộc trở lại cội nguồn của một cầu thủ Pháp gốc Việt khi mọi thẩm định về chuyên môn còn ở phía trước. Tuy nhiên, đây là một tiền đề lạc quan trong việc khai thác tiềm năng lực lượng cầu thủ người Việt ở nước ngoài.