Cầu thủ Việt: Sớm có tiền, nhanh sa ngã

Đổi đời quá nhanh nhờ bóng đá khiến một bộ phận cầu thủ Việt mất tỉnh táo, thay vì tập trung cống hiến lại sa vào cờ bạc, rượu chè. Thậm chí khi đi quá đà, nhiều cầu thủ trở thành nô lệ của chính đồng tiền và dính tới tiêu cực

Từ đầu năm đến nay, đã liên tiếp xảy ra những trường hợp tai tiếng liên quan đến đời tư của cầu thủ Việt. Từ vụ trung vệ Chí Công của B.Bình Dương bị rượt chém ngay trên đường phố, vụ trung vệ Hùng Dũng của Thanh Niên Sài Gòn bị đâm trên cầu thang khách sạn cho đến trường hợp tai tiếng vì nợ nần của Đắc Khánh (SLNA) và Như Thành phải trốn vì mối quan hệ xã hội phức tạp. Tất cả đã phản ánh rõ nét lối sống sa ngã của một bộ phận cầu thủ Việt.

Từ cờ bạc đến cá độ

Sự kiện trung vệ Như Thành của V.Ninh Bình hay Đắc Khánh của SLNA sa chân quá sâu vào cờ bạc để rồi có nguy cơ tiêu tan sự nghiệp thực tế không khiến giới cầu thủ trong nước ngạc nhiên. Một số đồng đội từng có dịp ở chung phòng với Như Thành mỗi khi lên tập trung tuyển Việt Nam cho biết: “Cứ đến tối lại thấy Như Thành ôm máy tính và điện thoại đến gần sáng. Có lúc sung lên, ông ấy đánh một kèo bằng thu nhập cả năm của tôi mà mặt không hề biến sắc”.

Cũng theo giới cầu thủ kháo nhau thì Như Thành chính thức trở thành con nợ mất khả năng chi trả từ sau World Cup 2010. Đó là giải đấu khiến không ít cầu thủ Việt khốn khổ vì lỡ theo “kèo trên”, điển hình nhất là tiền vệ Đắc Khánh của SLNA. Từ chỗ tin tưởng giao cho tài khoản cá độ quốc tế, khi biết Đắc Khánh mất khả năng chi trả, con nợ đã đến CLB quậy phá, buộc SLNA gấp rút thanh lý hợp đồng với lý do sinh hoạt thiếu lành mạnh.

img
Đắc Khánh (phải) trong màu áo SLNA năm 2010. Từ cầu thủ tiềm năng, anh nhanh chóng vướng vào cá độ,
nợ nần và bị CLB thanh lý hợp đồng. Ảnh: QUANG LIÊM

Chuyện “ăn chơi” trong giới cầu thủ không phải đợi đến khi họ giàu lên mới trở thành một chủ đề nóng, một vấn đề mà các đội bóng đều lo ngay ngáy. Cựu HLV trưởng Thanh Hóa, ông Trần Văn Phúc, nói: “Các cầu thủ đa phần đều ở độ tuổi đôi mươi nên ham chơi là điều bình thường, nếu ở trong một khuôn khổ nhất định thì vẫn có thể thông cảm được. Tôi bực nhất là có một lần đã sát giờ thi đấu vẫn không thấy một nhóm cầu thủ ra sân khởi động. Tôi đi tìm thì bắt quả tang các em đang đánh bạc ở một góc khán đài. Tất cả đã bị kỷ luật và phải viết bản tường trình” - ông Phúc nhớ lại.

“Đốt” hàng trăm triệu đồng trong một đêm

Dù sao cờ bạc, cá độ bóng đá cũng chỉ là một trong những thú tiêu khiển của giới cầu thủ Việt. Một số cầu thủ tâm sự nếu không lao vào cờ bạc thì thời gian rảnh rỗi, họ cũng chỉ biết đến các quán bar, vũ trường “xả stress”. Chính môi trường này cũng nảy sinh nhiều mối quan hệ rắc rối giữa cầu thủ với giới “xã hội đen” hoặc với các đội bóng khác. Mới đây nhất, sau khi vòng 25 V-League kết thúc, một nhóm cầu thủ của Navibank Sài Gòn, HAGL và Xuân Thành Sài Gòn rủ nhau vào một quán bar giải trí. Không hiểu “xả stress” thế nào mà cuộc vui dừng lại khá sớm với hai cầu thủ trẻ phải vào Bệnh viện Sài Gòn cấp cứu vì dính miểng chai, trong khi một cầu thủ từng lên tuyển bị bảo vệ quán hộ tống ra ngoài.

Thực ra, giới cầu thủ Việt mới “giàu” lên từ 3-4 năm trở lại đây khi các CLB đua nhau phá giá thị trường chuyển nhượng. Với số tiền lót tay 3 - 4 tỉ đồng, các cầu thủ rất dễ mất kiểm soát cuộc sống của chính họ. Tháng 3-2008, một nhóm cầu thủ của đội Hà Nội T&T bị bắt ở một động lắc tại TPHCM, người nổi tiếng nhất trong nhóm này là Sỹ Mạnh với biệt danh Mạnh “Kanu”, sau này đã tu tỉnh và nhiều lần được gọi tập trung đội tuyển quốc gia. Mạnh không phải là người “đầu têu” chuyện “bay” “lắc” trong đội bóng nhưng là người dễ bị lôi kéo, dụ dỗ.

Trăm sự tại tiền

Cơ chế quản lý cầu thủ của các đội bóng hiện nay vẫn còn tương đối lỏng lẻo, nhất là khi tính chuyên nghiệp của cầu thủ Việt chưa cao. Sau mỗi trận đấu cuối tuần, các cầu thủ thường có hai ngày xả trại trước khi tập trung trở lại. Cựu HLV Hải Phòng, ông Vương Tiến Dũng, cho biết: “Đây là khoảng thời gian chẳng ai kiểm soát được cầu thủ. Khi tập trung, lại thấy ai tập luyện lờ đờ, uể oải, chạy một lúc đã mệt là tôi biết ngay mấy ngày được xả trại, anh ta lại chơi bời không kiểm soát gì cả”.

Nhiều cầu thủ đua nhau mua xe hơi. Điều đó sẽ là rất chính đáng bởi số tiền của họ cũng được biến thành tài sản. Nhưng có xe hơi cũng đi với nhiều hệ lụy khó lường. “Có xe, chúng tôi dễ đi chơi xa hơn và có thể đi bất cứ lúc nào thích, nửa đêm về sáng cũng được”- một cầu thủ bật mí.

Các sự kiện kể trên tuy diễn biến, tính chất có khác nhau nhưng tựu trung lại nói lên những bất cập phức tạp trong cuộc sống của một số cầu thủ Việt. Điển hình như hai vụ trung vệ Hùng Dũng bị một kẻ lạ mặt đâm thủng đùi ở Nha Trang và trung vệ Chí Công bị rượt chém ở Bình Dương, dù có công an vào cuộc điều tra nhưng rốt cuộc, hung thủ vẫn nhởn nhơ ngoài xã hội trong khi nạn nhân cũng rất kín tiếng, không muốn làm lớn chuyện. Thậm chí giống như một mẫu số chung, hễ cầu thủ gặp chuyện là từ CLB đến gia đình cầu thủ bị hại lập tức lên tiếng bênh vực người thân, phủ nhận những mối quan hệ không hay ngoài xã hội.

Cầu thủ Việt đang sống khỏe nhờ bóng đá, đó là thành quả khi bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có lẽ vì bỏ quá nhiều tiền mua sắm cầu thủ hoặc sợ cầu thủ sẽ bị đội khác dụ dỗ mà ngoài quản lý về chuyên môn, các đội bóng ít quan tâm đến đời sống riêng tư của cầu thủ. Chính điều này đã khiến nhiều cầu thủ rơi vào cám dỗ từ bên ngoài để rồi phải trả giá đắt bằng cả sự nghiệp…

Như Thành liên lạc với đội rồi tắt máy

Liên quan đến nghi án trốn nợ của trung vệ Vũ Như Thành, sau khi Báo Người Lao Động có bài phản ánh, trung vệ này đã gọi điện cho Giám đốc điều hành CLB V.Ninh Bình Phạm Văn Lệ xin lãnh đạo đội giữ yên chuyện riêng của mình. Cú điện thoại của Như Thành là lần hiếm hoi trong khoảng thời gian mấy tháng gần đây trung vệ này liên lạc với đội bóng. Ngay sau đó, chúng tôi đã tìm cách để gọi điện cho Như Thành nhưng anh vẫn tắt máy.

Tuyển thủ quốc gia cũng “quậy”!
Trong giới cầu thủ có sở thích sử dụng thuốc lắc, không ít người là thành viên của đội tuyển! Cuối năm 2008, đội tuyển đóng quân ở khách sạn Sheraton sang trọng bậc nhất Hà Nội. Sau trận hòa 1-1 với Thái Lan ở chung kết lượt về và giành chức vô địch AFF Cup, một nhóm tuyển thủ đã “quậy” tưng bừng ở bar Nut ngay cạnh khách sạn 5 sao này. Đến tận bây giờ khi được hỏi tới, những nhân viên ở đây vẫn “kính nể” khả năng ăn chơi của cầu thủ Việt Nam sau trận “đập phá” ấy với số tiền thanh toán lên đến hàng trăm triệu đồng!