Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Mai Liêm Trực: Bộ máy điều hành của Liên đoàn thấp hơn mặt bằng xã hội

Tiếp phóng viên Thanh Niên tại phòng làm việc ở Bộ Bưu chính - Viễn thông chiều 14/12, ông Mai Liêm Trực dường như chưa hết bàng hoàng về thất bại của đội tuyển VN. "Tôi không thể ngờ VN lại thua mà thua nặng đến như vậy.

HLV Tavares tuy được đánh giá cao cách đây 10 năm nhưng tại Tiger Cup ông đã không hoàn thành nhiệm vụ, mắc nhiều sai sót trong việc chọn địa điểm tập huấn, bố trí cầu thủ và đặc biệt là đấu pháp. Nhưng trách nhiệm cao nhất phải thuộc về LĐBĐ VN". Ông thẳng thắn thừa nhận, và nói tiếp:

- LĐBĐ VN mà ở đây là ban thường vụ phải phân tích sâu sắc thiếu sót của mình trong toàn bộ quá trình chuẩn bị của đội tuyển VN tham dự Tiger Cup. Liên đoàn (LĐ) cũng có nhiều nỗ lực đáp ứng được hầu hết yêu cầu của đội tuyển và của HLV Tavares về điều kiện ăn ở, tập luyện, tàâi chính, lương bổng. 7 tháng vừa qua, LĐ đã chủ động trả lương cho HLV trong khi chưa được Ủy ban TDTT rót tiền (cách đây 10 ngày, UB mới có công văn chính thức trả lương cho HLV Tavares). Tuy nhiên, phải thừa nhận LĐ vẫn còn nhiều khuyết điểm cần được mổ xẻ đến nơi đến chốn. Chẳng hạn thời gian tập trung của đội tuyển quá dài hay như "vấn đề" trong mối quan hệ giữa LĐ và HLV Tavares. LĐBĐ VN sẽ sớm có cuộc họp kiểm điểm, mổ xẻ trách nhiệm của từng thành viên, đồng thời cũng sẽ bàn tới việc chuẩn bị cải tổ, đổi mới cơ chế hoạt động và tổ chức bộ máy LĐ.

- Thưa ông, sau một năm giữ cương vị Chủ tịch LĐBĐ VN, ông đã được chứng kiến khá nhiều thăng trầm của bóng đá VN và bản thân ông đã một vài lần trả lời trên báo chí rằng, bộ máy LĐ cần phải được cải tổ. Thế nhưng...

- Quả thật, chỉ sau mấy tháng tiếp cận với cách làm việc của LĐBĐ VN, tôi đã nói ngay không thể để cách làm việc này kéo dài quá lâu. Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái và tôi đã vài lần trao đổi và đều có nhận xét chung rằng, Ban chấp hành (BCH) nhiệm kỳ IV rất đoàn kết, không tranh giành quyền lực như nhiệm kỳ trước nhưng mặt bằng tư duy chính trị xã hội, tính chuyên nghiệp của bộ máy LĐ đặc biệt là bộ máy điều hành còn thấp hơn mặt bằng ở những cơ quan khác của xã hội. Khả năng tiếp thu sự đổi mới còn nhiều hạn chế, làm việc thiếu khoa học, quyết định nhiều vấn đề rất đơn giản, từ chọn HLV cho đến xử lý những vấn đề nhạy cảm mà người hâm mộ đặc biệt quan tâm, còn ôm đồm nhiều việc. Hoạt động của LĐ không đáp ứng được từ việc tổ chức các giải đấu, cho đến các vấn đề về tài chính, đào tạo trẻ hay một số kế hoạch lớn như Quỹ Hỗ trợ bóng đá trẻ, xổ số bóng đá. Cách điều hành của LĐ hiện nay nếu là tiền đạo thì việt vị liên tục mà thủ môn thì thường xuyên phải vào lưới nhặt bóng. Ví dụ như "vụ" trọng tài trong trận chung kết SEA Games 22, sự kiện bầu chọn cầu thủ vàng nhân 50 năm AFC, sự cố Agribank Cup và thất bại tại Tiger Cup càng khẳng định sự điều hành LĐ còn nhiều trục trặc, không đạt yêu cầu.

- Theo ông, sự trục trặc này bắt nguồn từ nguyên nhân nào?

- Cơ cấu tổ chức của LĐ không còn phù hợp, không tập hợp được sức mạnh trí tuệ, tinh thần, vật chất cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Bộ máy điều hành và các ban chức năng chưa làm theo "chuẩn" của FIFA. Quy chế hoạt động không rõ ràng về vai trò điều hành, về quyền hạn trách nhiệm của chủ tịch, tổng thư ký. Dẫn tới việc không ổn định của bộ máy điều hành... Quy chế về mối quan hệ giữa LĐ với chính phủ, với Ủy ban TDTT và các bộ ngành cũng chưa rõ ràng cũng là một cản trở khi thực hiện một số dự án lớn. Trước sự đòi hỏi bức xúc của xã hội, không chỉ mổ xẻ đã đến lúc cần thiết phải cải tổ cơ chế hoạt động, bộ máy và nhân sự LĐ và dứt khoát phải cải tổ một cách triệt để, mạnh mẽ.

- Thưa ông, điều mà người hâm mộ quan tâm nhất hiện nay nằm ở vấn đề nhân sự của LĐ. Liệu LĐ sẽ có sự thay đổi gây chấn động về con người?

- Cách đây 2 tháng, khi vào TP.HCM làm việc, tôi đã được tiếp kiến nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông đã hỏi và đề nghị tôi nên chuẩn bị dần cho đại hội LĐ nhiệm kỳ tới. Ngay sau khi trở về Hà Nội, tôi đã có cuộc trao đổi với thường trực LĐ về vấn đề nhân sự. Tôi đã đề xuất ở nhiệm kỳ tới, những cán bộ chủ chốt của LĐ như chủ tịch, các phó chủ tịch, tổng thư ký nên giữ chức vụ trong hai nhiệm kỳ liên tiếp thì mới mong ổn định lâu dài các chiến lược phát triển của LĐ. Bộ máy điều hành sẽ bao gồm những chuyên gia không chỉ riêng về bóng đá mà còn nhiều lĩnh vực khác của xã hội như kinh tế, tiếp thị...và không nhất thiết phải có chân trong thường vụ hay BCH nhưng phải là những con người làm được việc, làm một cách chuyên nghiệp, dám dấn thân và chịu đựng được khó khăn và sức ép của dư luận. Tôi mong rằng quá trình tuyển chọn, đề cử nhân sự vào BCH LĐ nhiệm kỳ tới cần phải được tiến hành công khai, minh bạch. Nhân đây tôi cũng muốn đề xuất ý kiến cá nhân. Những người có tâm huyết với bóng đá VN, những cán bộ quản lý có uy tín xã hội, những lãnh đạo của các cơ quan nên mạnh dạn ra tự ứng cử. Báo giới hãy giới thiệu những nhân vật có đủ tầm và tâm để làm việc cho bóng đá VN.

- LĐ đợi nhiệm kỳ kết thúc hay sẽ tiến hành tổ chức đại hội sớm hơn, thưa ông?

- Vào tháng 1/2005, LĐ sẽ họp để mổ xẻ những thiếu sót vừa qua, đồng thời sẽ bàn luôn kế hoạch cải tổ bộ máy, nhân sự và thời gian tổ chức để báo cáo lên BCH. Một việc rất quan trọng nữa cần bàn tới là vai trò của chủ tịch LĐ, có nên kiêm nhiệm như hiện nay hay chuyên trách. Tôi rất mong Chính phủ quan tâm sát sao để chỉ đạo LĐ trong quá trình chuẩn bị đại hội. Tôi cũng mong muốn làm sao, nhiệm kỳ tới không vấp phải những thiếu sót như của các nhiệm kỳ trước cũng như của nhiệm kỳ này!