Đến làng trạng cười cho đã đời!
Nằm sát truông nhà Hồ, nơi có điều kiện sống hết sức khó khăn và khắc nghiệt, lại là nơi sản sinh ra những câu chuyện trạng lạc quan, yêu đời. Đó là làng Huỳnh Công Tây - một ngôi làng cười tương tự như làng cười Gabruvô ở Bulgaria
"Nghe chuyện làng trạng, trạng chi thì trạng chứ không bằng chuyện trạng làng Huỳnh Công Tây”. Câu nói có... tính chất trạng này ám ảnh tôi và quyết có một chuyến về làng trạng Huỳnh Công Tây. Về làng trạng, gặp chị Hoàng Dạ Hương phụ trách văn hóa của xã Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), chị không giấu tự hào: “Làng trạng Huỳnh Công Tây có hai cây trạng đại thụ. Đó là chị Trần Thị Liệu, năm nay 64 tuổi. Người còn lại trẻ hơn, sinh năm Quý Mão, 42 tuổi, chị Võ Vân Nương”. Tôi muốn cười cho đã đời nên đi tìm hai cây đại thụ trạng.
Ăn sâu vào máu thịt.- Chị Liệu vóc người thấp, nhỏ, khuôn mặt luôn tươi cười tạo cho tôi một cảm giác rất thoải mái khi nói chuyện. Chị Liệu đam mê chuyện trạng đến mức không thể bỏ được, đã ăn sâu vào máu thịt.
Để chứng minh là cây đại thụ của làng trạng, chị Liệu bắt đầu kể chuyện trạng cho tôi nghe: “Có một hôm tôi bị mẹ đánh một trận đòn rất oan. Buổi sáng, mẹ đi chợ về, vào nhà nghe mùi sắn nướng cháy, thơm phức, mẹ tôi mắng tại sao con ở nhà lấy sắn nướng ăn, không để dành cho bữa sau vì nhà ta đang thiếu. Tôi bảo, con không có nướng sắn. Mẹ tôi không tin vì nghe mùi thơm của sắn nướng từ bếp tỏa ra. Tức quá, mẹ đánh tôi một trận đòn. Bị đánh oan, đau và phải khóc nhưng tôi không nhận đã làm chuyện ấy. Mẹ tôi liền vào bếp khươi lớp tro lên thì thấy một mẩu sắn cháy, nhưng lấy ra không được. Lần theo mẩu sắn ấy thấy nó dài ra đến bên bức vách đất. Đào mãi một hồi, mẹ con tôi mới tá hỏa: Có một củ sắn thật to của gốc sắn được trồng từ sân sau nhà đã... bắt mùi tro cháy nên nó chui vào... đến bếp! Củ sắn được lấy ra có chiều dài hơn 2 m”.
Vì kể chuyện trạng giỏi nên tuổi thiếu nữ chị Liệu được nhiều người con trai nhòm ngó. Chị gặp được người chồng cũng thuộc vào loại cao thủ trong làng nói trạng Huỳnh Công Tây. Nhiều hôm, hai vợ chồng ngồi nói chuyện trạng với nhau suốt đêm, tiếng cười vang khắp nhà...
Chị Liệu có cả thảy 5 người con. Chị lại kể: “Có một hôm tôi thấy mình... thừa một đứa con. Hồi ấy đang còn chiến tranh, cả năm mẹ con đang nằm hầm thì nghe có tiếng máy bay và tiếp đến là tiếng kêu lạc xạc là lạ. Tôi ngồi dậy, dùng tay sờ mấy đứa con thì thấy một đứa con bị nóng, sốt bất ngờ. Có điều lạ là hồi chiều chỉ có 4 đứa con cùng ngủ với tôi trong hầm nhưng sao bây giờ có đến 5 đứa? Tôi nghĩ có đứa nào con hàng xóm chui vào ngủ, nhưng nó sốt thì gọi bác sĩ đến cấp cứu cho nó. Khi tôi lọ mọ bật đèn xem kỹ đứa con bị sốt thì quá bất ngờ, vì nằm cạnh con mình là một... quả bom mà bọn giặc lái Mỹ vừa thả xuống, nhưng rất may nó không nổ!”.
Ở bất kể nơi đâu chị Liệu kể chuyện trạng cũng được, có người đông tụ tập ngồi lại với nhau là có chuyện trạng. Hôm tôi có mặt ở làng, chị đang sáng tác vài mẩu chuyện trạng để tham gia hội thi chuyện trạng đón Xuân 2004.
Kể chuyện trạng như là sống.- Cách nhà chị Liệu chừng 300 m là ngôi nhà nhỏ của chị Võ Vân Nương. Chị Nương là một nông dân chính cống. Nước da nám đen, trên đầu luôn bịt một cái khăn gần kín tóc, bàn chân nứt nẻ có lớp chai dày vì suốt ngày phải lội ngoài ruộng. Chị Nương là thế hệ đàn em của chị Liệu nhưng là “hậu sinh khả úy”, có tài kể chuyện trạng không kém chị Liệu.
Tuy là nông dân nhưng chị Nương rất khác những người lao động ở làng quê. Chị tự tin đến lạ lùng trong mỗi lời nói, câu chuyện khi tiếp khách. Như hiểu được ý tôi, chị Nương nói chuyện: “Tôi thấy vui vẻ thế này nhưng cũng sống nội tâm lắm, một khối chuyện buồn. Những chuyện buồn tôi thường sáng tác thành thơ, hò vè... Kể chuyện trạng như là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi”. Nhiều người ở huyện Vĩnh Linh không thể quên được hình ảnh của chị lên sân khấu kể chuyện trạng trong ngày Huỳnh Công Tây đón nhận danh hiệu làng văn hóa.
Hôm ấy, khán giả hết sức ngạc nhiên trước sức sáng tạo của một phụ nữ nông dân chân không dép, quần ống cao ống thấp trong bộ bà ba màu nước đậu. Chị kể chuyện “ăn khoai lang phải đeo kính”: “Tôi đi cày. Đến giờ cơm trưa, phần cơm là một giỏ khoai lang đã nấu chín. Khi cầm tay bẻ đôi củ khoai, lập tức hai con mắt tôi bị mù, không thấy đường gì hết, mũi họng bị tịt lại, không thở được. Bà con trên đồng khiếp quá, mang tôi đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ đo huyết áp cũng không cao, tim mạch bình thường, nhưng tại sao tôi không thấy đường! Bác sĩ đưa xuống khoa mắt, khi đôi mắt tôi được căng ra thì thấy đầy hai mắt là một thứ bột có màu trắng, không rõ thứ gì. Sau khi đem thứ bột lạ này đi xét nghiệm, kiểm tra, mới té ra đó là... bột khoai lang! Do khoai lang của làng Huỳnh Công Tây củ to, quá nhiều bột nên vừa mới bẻ đôi củ khoai, bột khoai lang bung ra bay vào mắt! Từ đó mọi người ở làng tôi khi ăn khoai lang đều phải đeo kính cẩn thận”.
Bảo tồn: Chuyện trạng Huỳnh Công Tây có nguồn gốc từ chuyện trạng Vĩnh Hoàng, được xem như là một di sản văn hóa phi vật thể, cần được bảo tồn. Nếu được đầu tư bảo tồn một cách khoa học, một ngày nào đó sẽ có tour du lịch về làng Huỳnh Công Tây nghe chuyện trạng để được cười cho đã đời!
Tư chất thông minh, tính hóm hỉnh có sẵn nên những câu chuyện trạng của chị Nương kể nghe rất hấp dẫn. Người ngồi nghe chuyện phải nín thở từ đầu đến cuối để theo dõi từng cử chỉ, hành động của “diễn viên” chuyện trạng Võ Vân Nương. Kể chuyện trạng phải có năng khiếu bẩm sinh, không phải người nào kể cũng được. Cái hay của chuyện trạng ngoài việc do người nông dân tự sáng tác, nội dung chuyện hóm hỉnh, một phần quan trọng không kém nữa là ngôn ngữ kể chuyện rất độc đáo, chủ yếu sử dụng phương ngữ, nên mới nghe kể đã cười ngất, cười ngơ, như câu chuyện của chị Nương kể: “Đêm nớ, tui đi cày sớm, ra ngoài ràn (chuồng) bắt cặp bò đực cày đôi. Nhưng khi cài vào cày thấy con bò không chịu đi, tức quá tui lấy roi đập một cây vào lưng bò, con bò quay mặt dòm tui, thấy đực bò răng mà mặt mũi to đại chang, lạ quá. Tui tới sát coi cho kỹ. Té ra, đêm nớ cọp vô ràn bắt bò ăn thịt. Ăn xong, cọp chưa kịp ra khỏi ràn thì tui đã dậy đi cày quá sớm, bắt nhầm cọp cài vô cày mà không biết. Tức quá, tui mở dây cày ra, đập cho hắn một trận, hắn quá sợ, co bốn cẳng chạy vô rừng...” (chuyện Bắt nhầm cọp cày).
Làng trạng Huỳnh Công Tây.- Trên thế giới có hai ngôi làng cười, một là làng cười Gabruvô ở Bulgaria, làng còn lại là làng trạng Huỳnh Công Tây ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là làng nói trạng nổi tiếng từ xưa đến nay với nhiều tên tuổi lớn. Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian - thạc sĩ Trần Công Lanh - chuyện trạng Huỳnh Công Tây ra đời cách nay hơn ba trăm năm. Đây chính là cái gốc của những câu chuyện mà có một thời nhiều người quen gọi là “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” (Vĩnh Hoàng là đơn vị hành chính cấp xã của huyện Vĩnh Linh trong kháng chiến).
Vùng đất Huỳnh Công Tây nằm sát truông nhà Hồ, nơi ngày xưa có điều kiện sống hết sức khó khăn, khắc nghiệt. Tuy nhiên, con người ở làng này rất lạc quan, yêu đời, luôn có một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Nội dung các câu chuyện trạng của làng Huỳnh Công Tây do bà con sáng tác ra rất vui vẻ, hóm hỉnh không nằm ngoài hình ảnh cuộc sống thường ngày của người dân ở đây. Đặc điểm của người dân làng Huỳnh Công Tây là ứng khẩu nhanh và ứng tác rất giỏi. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhận xét rằng chuyện trạng Huỳnh Công Tây là một kho tàng văn học dân gian có một không hai của Việt