Hiệu ứng phá giá kiểu "Essien"
Thị trường chuyển nhượng mùa hè đã khép lại vào ngày 31-8 và có thể coi những gì diễn ra trong suốt 3 tháng qua là hệ lụy của vụ chuyển nhượng Michael Essien từ Lyon sang Chelsea cách đây một năm. Nghe có vẻ xa vời nhưng khuynh hướng thực tế lại diễn ra đúng như vậy.
Mùa hè năm ngoái, đội bóng của nhà tỉ phú Nga Roman Abramovich đã mua tiền vệ người Ghana Essien với giá kỷ lục là 38 triệu euro. Vụ chuyển nhượng đó đã phá vỡ tất cả những chuẩn mực được duy trì nhiều năm liền của làng bóng đá thế giới. Lần đầu tiên một cầu thủ chơi ở khu vực giữa sân, có nhiệm vụ cản phá lối chơi của đối phương, đạt đến mức giá khủng khiếp mà trước đây vốn chỉ dành cho các ngôi sao tấn công.
Không thể phủ nhận rằng vị trí tiền vệ trung tâm ngày nay có ảnh hưởng quyết định đối với mỗi đội bóng. Những gì diễn ra ở VCK World Cup 2006 một lần nữa đã chứng minh điều này thông qua sự toả sáng của Andrea Pirlo, Patrick Vieira hay Tosten Frings. Song sự kiện Manchester United chi 30 triệu euro để mua Michael Carrick từ Tottenham, hay vụ Real Madrid bỏ ra 26 triệu euro để mua Mahamadou Diarra từ Lyon rõ ràng là hệ quả của vụ chuyển nhượng Essien một năm về trước.
Vào thời điểm đó, cầu thủ người Ghana chỉ được coi là một cầu thủ triển vọng chứ chưa thể ngồi vào chiếc chiếu đã được trải sẵn cho Pirlo hay Vieira. Bây giờ cũng vậy, màn trình diễn của Essien trong màu áo Chelsea suốt năm qua chỉ được chấm ở mức trung bình khá mà thôi.
Nhưng tại sao Chelsea vẫn chấp nhận chi một cái giá kỷ lục để mua Essien? Không đơn giản là vì họ cần một chiếc máy quét ở khu vực giữa sân. Lý do thứ nhất, Abramovich chẳng bao giờ tiếc tiền. Thứ hai, Chelsea không muốn Essien gia nhập Manchester United, đối thủ chính của họ ở giải Ngoại hạng Anh. Và thứ ba, chủ tịch Aulas của Lyon là một tay cáo già trên bàn đàm phán.
Và như vậy, vụ Chelsea mua Essien khiến thị trường chuyển nhượng bị phá giá. Tottenham đã coi vụ Essien như một quy chuẩn khi đàm phán với M.U về trường hợp của Carrick. Việc HLV Alex Ferguson cần người thay Roy Keane ở khu vực giữa sân chính là điều kiện đủ để Tottenham nâng giá Carrick lên cao ngất ngưởng, bất chấp việc cầu thủ này chỉ được ra sân một trận ở World Cup 2006.
Diarra thì thậm chí không có mặt trên đất Đức mùa hè vừa qua (đội tuyển Mali không được dự). Tuy nhiên, như trên đã nói, chủ tịch Aulas của Lyon luôn biết cách ép giá đối tác. Và do nhu cầu Real muốn mua một "Makelele mới" nên cái giá của Diarra đã được đẩy lên 26 triệu euro, tức là gấp 4 lần cái giá mà Lyon chi ra để mua cầu thủ này từ đội bóng vô danh Vitesse cách đây 2 năm!
Trong 2 vụ chuyển nhượng này, dĩ nhiên Manchester United và Real là những CLB bị thua thiệt. Họ phải chấp nhận một quy luật phá giá kỳ quái của thị trường. Điều khôi hài là những quy luật đó được tạo ra bởi Chelsea, đội bóng mà cả Real lẫn Manchester United đều cố ngăn cản không cho gia nhập nhóm G-14 (gồm 18 CLB quyền lực nhất Châu Âu).
Không phải lần đầu! Năm 2004, do bị Chelsea nẫng tay trên Carvalho của Porto, Real đành quay sang mua Woodgate từ Newcastle với giá 20 triệu euro. Trong vụ này, giá của Woodgate cũng bị đẩy lên gấp nhiều lần so với giá trị thực, chưa kể cầu thủ này còn có tiền sử chấn thương nghiêm trọng. Kết quả là trong 2 mùa vừa qua, số lần Woodgate ra sân trong màu áo Real chỉ được đếm trên đầu ngón tay và trước khi thị trường chuyển nhượng Hè 2006 đóng cửa, Real đã phải tống cầu thủ này sang Middlesbrough theo một hợp đồng cho mượn. |