Nữ anh hùng rước đuốc

Trong số những người tham gia rước ngọn đuốc Olympic 2008 tại TPHCM vào ngày 29-4, đáng chú ý có nữ Anh hùng châu Á Phạm Thị Huệ, người đại diện cho ý chí và nghị lực của người VN vượt lên nghịch cảnh

Lần gần đây nhất tôi gặp nữ Anh hùng châu Á Phạm Thị Huệ, người nổi tiếng trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, cách đây đã một năm. Khi ấy chị tất tả với những lo toan bộn bề của cuộc sống, chăm sóc chồng con như bao phụ nữ bình thường. Có khác chăng ngoài việc đi làm, Anh hùng châu Á còn bận bịu với nhiều công tác xã hội khác. Không ai nghĩ người Việt Nam đầu tiên nhận được danh hiệu Anh hùng châu Á do tạp chí Time của Mỹ bình chọn lại bận bịu và đảm đang đến vậy. Gần đến ngày rước đuốc Olympic tại TPHCM, tôi lại có dịp trò chuyện với chị. Chị cười nói: “Mình phải khỏe lắm mới làm được nhiều việc đến vậy”.

Biểu tượng của lòng quả cảm

Phạm Thị Huệ sinh ra trong một gia đình toàn chị em gái, mẹ mất sớm, bố đi bước nữa. Tuổi thơ của Huệ là những vết thương lòng còn hằn in nhiều ký ức buồn. Lấy chồng năm 20 tuổi, Huệ mong ước xây dựng cho riêng cho mình một tổ ấm nho nhỏ. Nhưng số phận đã khiến Huệ phải đấu tranh với cuộc sống để giành giật hạnh phúc về cho mình, cho đứa con tội nghiệp của chị.

Năm 2004, sau khi được bình chọn là Anh hùng châu Á, cuộc sống của chị đã có nhiều thay đổi. Với chị, cuộc sống giờ đây không chỉ là hy sinh cho gia đình nhỏ nữa, chị được số phận lựa chọn để làm những việc lớn lao hơn thế. Trở thành tình nguyện viên Chương trình Tuyên truyền chống HIV/AIDS (UNAIDS) của Liên Hiệp Quốc, rồi chuyên gia của GIPA (Cơ quan Tư vấn cho những người “có HIV” trực thuộc UNAIDS). Năm 2007, một lần nữa nữ Anh hùng châu Á lại được vinh danh khi hội nghị các nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu (Young Global Leaders - YGL) do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Chị trở thành biểu tượng của lòng quả cảm trong mắt những nhà hoạt động xã hội quốc tế, đặc biệt với những nỗ lực phi thường chống lại căn bệnh thế kỷ. Hai lần nhận được vinh dự to lớn, chị Huệ chỉ suy nghĩ đơn giản: “Anh hùng là dám sống với chính mình và dám vượt qua số phận”.

Sẵn sàng cho lễ rước đuốc

Chị Huệ là người phụ nữ VN đầu tiên được vinh danh là Anh hùng châu Á và có cơ hội góp mặt tại hội nghị dành cho những nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu. Bằng tinh thần quả cảm, vượt lên chính mình và với những cống hiến âm thầm nhưng không hề nhỏ bé dành cho xã hội, chương trình “Tìm người rước đuốc Olympic 2008” do Samsung Vina tổ chức đã chọn Phạm Thị Huệ là một trong ba gương mặt tiêu biểu vượt lên nghịch cảnh (cùng với luật sư Lê Minh Phiếu, anh Nguyễn Chiến Thắng- chuyên gia tin học) tham gia rước ngọn đuốc Olympic tại TPHCM vào ngày 29-4.

Trước những ngày rước đuốc, chị Huệ vẫn tất bật với những công việc thường ngày. Chị cho biết: “Tôi chỉ vào TPHCM trước một ngày. Lần thứ ba có được vinh dự lớn thế này tôi cảm thấy sung sướng lắm. Có đôi chút hồi hộp, vì thế mấy hôm nay tôi đang phải làm việc gấp đôi để tuần tới tập trung toàn bộ cho lễ rước đuốc”. Ngày 29-4, ngọn đuốc Olympic đến TPHCM và nữ Anh hùng châu Á sẽ có dịp trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm, một trong những phẩm chất không thể thiếu đối với các nhà vô địch thể thao. Đúng như chị tâm sự: “Dù là một người có HIV, nhưng tôi nghĩ rằng với người có bệnh hay không có bệnh, lối sống lành mạnh vẫn là quan trọng nhất để có cuộc sống tốt. Sống lành mạnh thì không thể thiếu được làm việc. Công việc giúp tôi thêm tự tin, thêm lạc quan và cho tôi sức khỏe”.

Từ khi được chọn làm người rước đuốc, nhiều người lo lắng cho sức khỏe của chị vì Anh hùng châu Á sẽ phải chạy trên một đoạn đường dài. Trò chuyện với chị thời gian này chị cười nói: “Từ lâu tôi luôn nghĩ nếu không có sức khỏe thì sẽ chẳng làm được gì. Hiện tại, tôi khỏe hơn bao giờ hết và đã sẵn sàng”.

Giỏi việc xã hội, đảm việc nhà

Phạm Thị Huệ làm rất nhiều việc: tình nguyện viên của Liên Hiệp Quốc, công tác tại Phòng Tuyên truyền phòng chống đại dịch AIDS ở Hội Phụ nữ Hải Phòng. Ngoài ra, những lúc được mời chị còn tham gia các hoạt động truyền thông về HIV tại các diễn đàn, hội nghị về HIV/AIDS, thậm chí là cả việc chăm sóc cho những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.

img
Ngọn đuốc Olympic 2008 sẽ diễu hành trên đường phố TPHCM ngày 29-4. Ảnh: Reuters

Bận bịu là vậy, nhưng Huệ vẫn luôn làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ và người con dâu trong gia đình. Ông Hà Đồng Thiệp, bố chồng chị, nói: “Nếu không có Huệ, vợ chồng tôi cũng không biết phải xoay xở việc nhà thế nào. Huệ là đứa con dâu hiếu thảo, đảm đang”.