Nước mắt Agassi
Bại trận trước tay vợt trẻ Becker (Đức, không liên quan Boris Becker nổi tiếng một thời!) và sớm bị loại khỏi giải Mỹ mở rộng, cựu số 1 thế giới Agassi đã chia tay quần vợt thế giới không được trọn vẹn như cách đa số người hâm mộ mong đợi: Chiến thắng giải đấu chót như Sampras (vô địch US Open 2002 rồi treo vợt), hay ít ra cũng như... Zidane vào đến trận chung kết World Cup 2006!
Nhưng hơn 20.000 khán giả kín sân rạng sáng 4-9 (giờ VN) vẫn dành cho Agassi những tràng vỗ tay và tiếng hò reo không ngớt kéo dài 4 phút, vượt xa sự tôn vinh vốn chỉ dành cho VĐV đoạt cúp. Người hâm mộ khó lòng nén sự nghẹn ngào: Chia tay Agassi, sân quần vợt chia tay người Mohican cuối cùng của thế hệ vàng Edberg, Becker, Sampras... cũng như nhà vô địch mẫu mực đã đóng dấu ấn khó phai vào thể thao thế giới.
Nói về Agassi, đầu tiên phải kể đến kỳ tích mà ngay cả “vua” quần vợt Borg hay bạn cùng lứa, nay đã gác vợt và thành huyền thoại Sampras cũng phải đầu hàng: Chiến thắng trọn 4 giải Grand Slam Úc, Pháp, Anh, Mỹ. Nếu kể thêm đến tấm HCV Olympic quần vợt và giải Masters cùng Cúp Davis thì Agassi là VĐV nam duy nhất trong lịch sử quần vợt đoạt được tất cả danh hiệu lớn. Càng lý thú hơn, cùng thời với Agassi, nữ VĐV quần vợt duy nhất làm được điều tương tự: thắng 4 Grand Slam và HCV Olympic là Steffi Graf, vợ của... Agassi!
Trong 2 thập niên cầm vợt, tên Agassi luôn ngự trị trong “top” bảng xếp hạng quần vợt thế giới, từ hạng 3 vào năm 1988 khởi đầu sự nghiệp cho đến hạng 1 năm 2003! Gần 20 năm trên sân, Agassi có đến 60 lần thắng giải. Agassi cũng là tay vợt nam duy nhất vào chung kết 4 giải Grand Slam liên tiếp. Về mặt chuyên môn, Agassi mở đầu xu thế đánh trả bóng sớm và mạnh mà không phải lùi lại, điều có thể xem như đặc trưng cho trường phái quần vợt hiện đại.
Không chỉ thành tích mà cả nhân cách càng khiến hình ảnh Agassi khắc sâu vào con tim giới hâm mộ. Như mọi người bình thường, Agassi cũng gặp những giai đoạn xuống dốc, khách quan bởi chấn thương hay chủ quan do bản thân buông thả. Năm 1997, Agassi tuột xuống hạng 122 thế giới, phải chơi ở những giải hạng dưới, điều khó chấp nhận với người từng ở đỉnh cao danh vọng. Nhưng ý chí và tình yêu quần vợt giúp Agassi vượt lên để anh quay lại top 10 thế giới chỉ sau 1 năm – cú nhảy vọt ngoạn mục nhất lịch sử!
Có thể những thăng trầm đó đã giúp Agassi trưởng thành, trở thành một VĐV đầy tự chủ, biết “thiền” và đặc biệt luôn sát cánh, chia sẻ, động viên các tay vợt trẻ. Khi Roddick còn ở tuổi 17, 18 và còn hồi hộp trước lúc ra sân, Agassi luôn gọi, hướng dẫn về chiến thuật để trấn an. Tay vợt Mỹ Jame Blake đã lần đầu khóc trước trận đấu khi chứng kiến cảnh người – anh – tinh – thần Agassi phải treo vợt. Càng khác với những ngôi sao đỏng đảnh Beckham, Ronaldo, Vieri gây đủ loại xì-căng-đan, Agassi còn là người chồng, người cha gương mẫu của gia đình Andre – Steffi cùng 2 bé trai Jarden – gái Jaz.
Giữa vài sự tiếc nuối, Agassi bình tĩnh: “Theo bảng kết quả, hôm nay tôi thua, nhưng ai đếm hết những gì tôi “được” suốt thời gian qua”. Ra đi để lại khoảng trống sau lưng, ắt hẳn quần vợt và người hâm mộ sẽ rất nhớ Agassi. Nhưng bắt gặp hình ảnh 2 đứa con của Andre trên khán đài, nhiều người hâm mộ bỗng mỉm cười: Vài năm nữa, liệu sẽ có “Agassi mới” xuất hiện trên sân quần vợt trong gương mặt Jarden và Jaz?
Li Na đi vào lịch sử Hai tháng sau khi trở thành tay vợt nữ Trung Quốc đầu tiên lọt vào tứ kết một giải Grand Slam (Wimbledon 2006), Li Na tiếp tục đi vào lịch sử quần vợt Trung Quốc khi đánh bại M. Pierce của Pháp, trở thành nữ VĐV quần vợt đầu tiên lọt vào vòng 1/8 giải Mỹ mở rộng vào đêm 3-9. Bị dẫn 4-6 trong ván đầu, một phần vì vẫn còn làm quen với mặt sân cứng, nhưng Li Na đã gây bất ngờ khi thắng lại Pierce, á quân giải Mỹ mở rộng năm ngoái, 2 ván sau với tỉ số kinh ngạc: 6-0, 6-0! Tuy nhiên, đối thủ của cô ở vòng kế tiếp là hạt giống số 3 Maria Sharapova, người trong 3 lần gặp trước toàn thắng Li Na và không thua người trong 3 lần gặp trước toàn thắng Li Na và không thua một ván nào (hai lần ở mùa này và tại vòng 3 Giải Úc mở rộng 2005)! T.Đ |