Ông Hừng vẫn đang chờ sáng
Tên tôi là Hừng, Thái Văn Hừng, tuy đặt tên công ty là Hừng Sáng, nhưng thực ra, bao nhiêu năm chỉ mới có “Hừng”. Năm 2000, đứa con đầu lòng của tôi ra đời, tôi đặt tên cho nó là Sáng, tôi nghĩ, đời tôi từ bấy giờ, có “Sáng”
Ngày chuẩn bị ra trường, ông kể: Tôi về thực tập ở Cần Thơ, tình cờ ra chợ mua xà bông, thấy giá cao quá. Hồi đó, đưa một kg xà bông từ Sài Gòn về phải qua biết bao nhiêu trạm kiểm soát. Thay vì mua xà bông, tôi về mang sách vở, đồ dùng học tập, bán hết, gom thêm tiền, mua được 10 kg dầu dừa, xút..., tôi nấu xà bông. Cứ sáng làm, chiều bán, một vốn, ba, bốn lời. Đúng một tháng sau tôi có gần bốn chục lượng vàng. Tôi không trở về trường nhận bằng tốt nghiệp nữa. Tôi thành lập tổ hợp sản xuất xà bông, bỏ ra 30 lượng vàng mua một máy ép dầu dừa. Máy ép dầu dừa của tôi là chiếc thứ hai ở tỉnh Hậu Giang hồi đó. Năm 1980, chỉ hơn một năm sau ngày khởi nghiệp, ông Hừng nhớ lại: “Tôi có cả nghìn cây vàng”.
Năm 1981, ông Hừng mở rộng “ngành nghề sản xuất” sang cả lĩnh vực làm dép nhựa, một nghề mà khi còn sinh viên, hằng đêm ông vẫn thường làm. Nhiều người ở Cần Thơ còn nhớ, tổ hợp dép nhựa, xà bông của ông Hừng ở phường An Hội, Cần Thơ lúc đó có hơn 200 công nhân, rất nổi tiếng, mỗi khi có lãnh đạo ở Trung ương về là tỉnh lại dẫn xuống thăm. Năm 1982, đích thân Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ hướng dẫn Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Thanh Bình đến thăm tổ hợp. Bí thư Nguyễn Thanh Bình khen ngợi: “Giải quyết được nhiều công ăn việc làm bằng sản xuất thế này là tốt, đồng chí nhớ phát huy”.
Làm ăn với Nhà nước.- Năm 1983, trong phong trào “Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa”, ông Hừng nhớ lại: “Cần Thơ động viên tôi chuyển tổ hợp thành xí nghiệp quốc doanh. Tỉnh trả cho tôi 100 cây vàng và cho tôi làm trưởng phòng kỹ thuật với mức lương 36 đồng/tháng. Lúc đầu tôi cũng nghĩ, muốn làm lớn chắc phải vô Nhà nước thôi. Nhưng rồi, tôi nghiệm ra nhiều thứ khó. Cũng xí nghiệp ấy, lúc còn là của tôi, nếu máy móc hư dù là nửa đêm, tôi kêu mấy ông tư nhân vào khênh về sửa ngay, sáng mai đã có thể chạy được rồi. Nhưng bây giờ tôi là anh cán bộ trưởng phòng, phải theo nguyên tắc. Máy quốc doanh hư phải tìm một anh quốc doanh sửa, và phải là anh chịu thanh toán bằng chuyển khoản mới hợp lệ. Thế rồi máy hư phải mất cả tháng sau mới sửa được, chất lượng sửa chữa lại không ra gì. Tôi thấy tình hình không ổn, bèn xin từ chức.
Rời Cần Thơ, ông Hừng lên Long Xuyên, mua 1.200 m2 đất, xây nhà xưởng, mua 4 máy ép nhựa, lập ra hợp tác xã (HTX) Mỹ Bình chuyên sản xuất bao nhựa PP, ống nước, dép nhựa. HTX Mỹ Bình của ông Hừng lúc đó nổi tiếng cả nước. Ông Hừng kể: “Nhưng tôi vẫn chưa hài lòng, tôi nhớ lại 4 năm làm sinh viên chỉ mơ có được một đôi giày thể thao. Học và đi thi đấu thể thao, nhưng đời tôi, đến lúc đó chỉ được đi những đôi giày rách, xin bạn”. Đầu năm 1985, ông Hừng mua thêm 2.000 m2 nhà xưởng, cho san lấp để sản xuất giày thể thao. Nhưng đến ngày
Cho đến tận bây giờ, ông Hừng nói: “Tôi vẫn không làm sao quên được cảm giác hôm đổi tiền. Tỉnh cho đoàn xuống, biểu tôi ngưng sản xuất. Rồi kêu xã viên ra, để mỗi người ngồi một góc, phát cho tờ giấy, yêu cầu khai, số tiền 50.000 đồng/người- tương đương một lượng vàng- góp vốn trong HTX Mỹ Bình là tiền thật của họ hay thực chất là tiền của tôi. Tôi nghĩ chuyến này tiêu rồi, vì, tiền vốn HTX là của tôi, nhưng may thay, bà con không ai bảo ai đều khai là tiền họ góp vốn thật, tôi thoát”. Lần đổi tiền năm đó, cứ một đồng tiền mới “ăn” 10 đồng cũ, nhưng tôi chủ yếu giữ vàng. Vàng lá lúc đó cũng là hàng quốc cấm. Bên ngoài thị xã, tôi nghe nói, những người khám thấy trong nhà có hơn một cây vàng là bị đưa lên xe chở đi. Trong khi ở nhà tôi, vợ tôi loay hoay lắm cũng chỉ giấu được 200 cây vàng, còn 37,5 cây, tôi quyết định mang sang gửi ở nhà một anh cán bộ Liên hiệp HTX Long Xuyên. Sau này, tôi mới biết, trong suốt thời gian nhà tôi bị khám xét, anh ấy đứng cách nhà tôi có mấy chục mét, người cứ run bắn lên”.
Sau vụ đổi tiền, một số vị lãnh đạo An Giang bị kiểm điểm vì người thì giới thiệu, người thì ký cho ông Hừng chuyển hộ khẩu từ Cần Thơ về Long Xuyên... Ông Hừng nhớ lại: Tôi “qua” được vụ này, nhưng nghiệm ra rằng, trong tình hình lúc đó, những tư nhân như tôi không thể nào làm ăn lớn được. Tôi gặp tTnh ủy, đề nghị bán 2.000 m2 nhà xưởng mới cho Tỉnh ủy với giá 5 cây vàng. Tỉnh ủy An Giang đồng ý và cho tôi làm phó giám đốc xí nghiệp tôi vừa bán đó. Sau một năm, tỉnh thấy tôi làm ăn được, giao luôn chức giám đốc cho tôi. Năm 1987 tình cờ ghé qua Hội chợ Quang Trung, thấy máy dệt bao PP tròn, giá 18.000 USD/máy, tôi quyết định mua. Từ một máy, tôi làm hiệu quả, chỉ gần hai năm sau, tôi mua thêm được một dây chuyền 10 máy. Xí nghiệp Nhôm - Nhựa An Giang của tôi lúc đó được nhiều nơi biết tiếng.
Lên TP Hồ Chí Minh.- Năm 1990, ông Thái Ngô Cư, lúc đó là Chủ tịch UBND quận 11, dẫn đoàn cán bộ quận xuống An Giang tham quan. Đến xí nghiệp của ông Hừng, ông Cư thấy thợ lành nghề ở đấy toàn là dân người Hoa quê ở quận 11. Ông Hừng kể, ông Cư trò chuyện với tôi rất lâu và đặt vấn đề mời tôi lên quận 11 làm ăn. Lúc đó, các chính sách cho tư nhân làm ăn bắt đầu mở ra. Không cần suy nghĩ nhiều, ông Hừng nói: “Tôi làm đơn xin từ chức, giao toàn bộ cơ ngơi cho tỉnh, lên TPHCM. Ở TP hơn mười năm, tôi đã rất thành công và cũng đã nhiều khi đứng bên bờ vực”.
Nửa cuối những năm 1990, giày thể thao và thú nhồi bông Hừng Sáng rất được biết đến ở TPHCM. Công ty của ông Hừng vào những năm này, có tới hơn 3.000 công nhân, mỗi năm, doanh số xuất khẩu của ông Hừng đạt hơn 10 triệu USD. Nhưng đấy cũng là những năm khó khăn của kinh tế châu Á. Hàng loạt hợp đồng làm hàng xuất khẩu của ông Hừng bị từ chối thực hiện. Nguyên liệu đã nhập về, quy mô công ty đã mở ra vượt tầm tay, hàng chục tỉ đồng nợ, ngay lúc đó mất khả năng chi trả. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, cựu tổng giám đốc VP Bank: “Ông Hừng nằm trong số 12 nhân vật, bao gồm cả các quan chức VP Bank và khách hàng bị đưa vào danh sách khởi tố, bắt giam. Một số người trong danh sách này đã bị bắt”.
Cơ quan điều tra, rà đi soát lại cũng nhiều lần, lãnh đạo VP Bank lúc bấy giờ là ông Huỳnh Bửu Sơn nhận thấy: Số tiền VP Bank bảo lãnh cho Hừng Sáng 2,3 triệu USD, thực sự được dùng để chi trả cho 28 hợp đồng nhập nguyên liệu. Kiểm kê trong kho, nguyên liệu nhập còn tồn, trị giá 13 tỉ; thành phẩm, 10 tỉ. Thay vì cho khởi tố, bắt giam, ông Sơn nói: “VP Bank cho lập tổ kiểm soát, cùng quản lý Công ty Hừng Sáng để thu hồi nợ”. Cũng trong thời gian này, một phương án tái cơ cấu nợ cho Hừng Sáng được đưa ra, “lối thoát” cho ông Hừng vừa sáng lên thì... cháy. Toàn bộ nhà xưởng, nhà kho ở Lạc Long Quân cháy sạch. Họa vô đơn chí, ông Hừng nói: “Bao nhiêu năm, bảo hiểm tôi mua đầy đủ, đúng lúc đó, chuyển giao quyền kiểm soát cho VP Bank, tiền bảo hiểm chưa kịp đóng thì xảy ra hỏa hoạn”. Ông Hừng bị nhốt ngay vào trụ sở Công an phường 3 ngày. Mặc dù có nhiều xì xào cho rằng ông Hừng “đốt nhà máy để chạy nợ”, tuy nhiên theo một quan chức công an, việc công an giữ ông Hừng lúc đó là vì sợ ông tự tử.
Cuộc đời: Sinh năm 1956, có thể coi ông Hừng là một người tuổi Thân truân chuyên. Cha mẹ làm ruộng nhưng hồi học phổ thông ông đã có tiếng ở miền Tây vì là vô địch bóng bàn học sinh TP Cần Thơ. Tốt nghiệp tú tài năm 1975, ông vào học Đại học TDTT, khóa đầu tiên ở TPHCM. Ngày đi học, đêm ông đi làm thuê cho các cơ sở sản xuất xà bông, dép nhựa...
Và chuyện... nhà đất.- Lúc lên TPHCM, ông Hừng mua 1.340 m2 đất của Xí nghiệp In Thống kê ở số 155A Lạc Long Quân, trên lô đất này có một nhà tôn rộng 240 m2. Theo ông Hừng, khi ông vừa lên TP, có người giới thiệu Xí nghiệp In đang rao bán lô mặt bằng này. Cơ quan chủ quản của Xí nghiệp In, Sở Tài chính xác nhận: “Tài sản không từ nguồn gốc ngân sách, cho bán”. Nhưng vì không có hộ khẩu tại TPHCM, ông Hừng không thể sang tên và xin giấy phép xây dựng nhà xưởng nên phải nhờ Xí nghiệp In Thống kê đứng tên giùm, các cơ quan Nhà nước lúc đó xác nhận điều này. Năm 1992, Công ty Hừng Sáng ra đời, ông Hừng bắt đầu làm thủ tục hợp thức hóa.
Năm 1993, UBND TP có văn bản giao cho các sở làm thủ tục hợp thức hóa nhà xưởng này cho Hừng Sáng, tuy nhiên đúng lúc ấy xảy ra vụ Công ty Minh Phụng, một công ty đóng ở quận 11, bị thanh tra. Ông Hừng nói: “Không ai ở UBND quận 11 dám ký giấy tờ cho tôi cả”. Năm 1994, ông Bùi Thiện Tích lên thay chức chủ tịch quận, ông Tích ký giấy tờ cho Hừng Sáng ngay. Tháng 9-1994, Sở Nhà đất chủ trì cuộc họp có đủ các ban, ngành, tất cả đều đồng ý, Sở Nhà đất cho đăng bố cáo, sau 3 tháng, không ai tranh chấp gì. Tháng giêng năm 1995, sở “chấp thuận cho Hừng Sáng hợp thức hóa”. Nhưng, đúng lúc đấy thì Nghị định 18 ra đời: Các tổ chức chỉ được quyền thuê đất. Thế là để được đứng tên mình, ông Hừng phải chấp nhận làm thủ tục thuê phần đất 155A mà mình đã mua trước đây.
Gặp người phụ nữ khác.- Nghị định 18 khi thực hiện đã bộc lộ tính vô lý của nó, năm 1998, khi sửa Luật Đất đai, Quốc hội đã điều chỉnh quy định này. Năm 2000, Chính phủ đã ra nghị định hướng dẫn, theo đó, những trường hợp như nhà xưởng 155A của ông Hừng, được chuyển từ thủ tục thuê đất theo Nghị định 18 thành thủ tục giao đất theo sửa đổi mới của Luật Đất đai. Ông Hừng lại làm thủ tục với nhiều hy vọng. Nhưng, ngày
28-10-2003, ông nhận được Công văn 5354 của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua, quyết định: “Chấp thuận cho Hừng Sáng thuê khu đất tại số 155A”. Nếu vẫn là thuê như Nghị định 18 thì ông Hừng xin lại làm gì. Ông Hừng nói: “VP Bank mất hết kiên nhẫn. Xưởng 153 thì không làm thủ tục sang tên được, xưởng 155A thì chỉ được coi là thuê. Trong khi, tôi chỉ cần trả cho VP Bank 13 tỉ nữa là được tái cơ cấu nợ”.
Sau vụ cháy nhà xưởng, ông Hừng gặp một người phụ nữ khác, người này sinh cho ông đứa con đầu lòng, ông Hừng đặt tên cho con là Sáng. Cho dù từ đó tới nay, ông Hừng vẫn chưa hết truân chuyên, tuy nhiên ông nói: “Ngay cả khi bị cháy hết tài sản, tôi cũng không những không nản lòng mà còn nung chí để thành công. Tôi tin là tôi sẽ thành công, nhất là bây giờ, Hừng đã có thêm Sáng”.