Thầy Siu Pơi

13 tuổi, Siu Pơi bỏ rừng đi tìm cái chữ, rồi cõng chữ về làng xóa mù cho đồng bào. Hơn 50 năm dạy học, thầy giáo Siu Pơi có những đóng góp đáng trân trọng trong sự nghiệp giáo dục ở miền núi

Căn nhà của vợ chồng Nhà giáo Ưu tú Siu Pơi nằm khép mình trên con phố nhỏ ở phố núi Pleiku. Khi tôi đến, ông Siu Pơi không có ở nhà. Bà Nay H’vill, vợ ông, bảo ông đang hớt tóc ở gần. Mời khách vào, bà giáo nói: “Chủ nhật này ông đi đám cưới học trò, đứa nào cưới hỏi cũng quyết mời cho kỳ được thầy Siu Pơi đến dự”. Uống chưa xong bát nước chè xanh, ông đã về. Ông giáo già hiền từ chào khách bằng nụ cười đôn hậu. Và rồi những chuyện nghề xa xưa của ông cứ lần lượt hiện về...

Bỏ rừng đi tìm cái chữ.- Năm 1928, cậu bé Siu Pơi cất tiếng khóc chào đời trên mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại. Như bao trẻ cùng trang lứa, Siu Pơi vắt vẻo trên lưng trâu và lớn lên cùng với cây rừng. Núi đồi trùng điệp, thảo nguyên bao la, đôi chân Siu Pơi không nơi nào là không đặt đến. Con nai, con hoẵng thoáng thấy cây cung, chiếc nỏ trên tay Siu Pơi, không con nào dám nhởn nhơ đứng lại. Cuộc sống Siu Pơi gắn bó với cái nương, cái rẫy, với con suối Pônchma xanh vắt lưng trời.

Yêu nghề: Hơn 50 năm theo nghề giáo, thầy Siu Pơi đã có những đóng góp rất lớn cho ngành giáo dục, đặc biệt trong việc xóa mù cho đồng bào dân  tộc. Ông cũng là người đầu tiên soạn sách giáo khoa song ngữ Việt - Jrai. Ở tuổi 70, thầy Siu Pơi vẫn miệt mài nghiên cứu, chuẩn bị xuất bản cuốn Tục ngữ - dân ca Jrai 

Một lần, anh rể Siu Pơi đố: “Nhà ta có bao nhiêu cái rui?”. Siu Pơi trèo lên mái đếm được 140 cái. Lần khác, anh rể lại hỏi: “ Nhà ta có bao nhiêu cái rui?”. Siu Pơi định trèo lên mái đếm, anh rể khoát tay “khỏi” rồi nhìn vào cây cột cái, nói: “140 cái”. Siu Pơi lại gần cây cột, thấy dấu khắc ngoằn ngoèo. Anh rể giải thích: “Tao chép lại bằng con chữ đấy”. Đêm, quanh bếp lửa bập bùng, già làng kể trường ca Xinh- Nhã, Siu Pơi nay thuộc, mai quên. Anh rể Siu Pơi nhớ vanh vách từng đoạn. Siu Pơi thắc mắc, anh trả lời: “Tao chép lại bằng con chữ”. Trưa, bờ suối vắng, thấy anh rể nằm trên tảng đá nói chuyện lầm rầm, hỏi nói với ai, anh trả lời: “Tao nói với sách”. Siu Pơi ngạc nhiên: “Sách là gì? Sao lại nói chuyện được với nó?”. Anh rể không thèm nhìn Siu Pơi mà ra vẻ tự hào: “Trong sách có cái chữ. Mày phải đi học cái chữ mới biết đọc như tao”. Siu Pơi mất ba ngày suy nghĩ: “Cõng nước từ suối lên, mình làm được; giết con nai rừng, mình cũng làm được. Vậy mình phải lấy được cái chữ”. Hỏi già làng, Siu Pơi biết trên huyện có cái trường, ở đó “chứa” nhiều cái chữ. 13 tuổi, Siu Pơi bỏ rừng, quyết đi tìm cái chữ để gùi về cho cả buôn làng.

Cõng chữ về rừng!.- Tốt nghiệp tiểu học, gặp lúc Nhật đảo chính Pháp, Siu Pơi trở về buôn Chư ma. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia Thanh niên Cứu quốc rồi làm thầy giáo trong vùng kháng chiến của đồng bào dân tộc. Lúc này Siu Pơi vừa tròn 20 tuổi. Ông gặp và cưới bà Nay H’vill, khi ấy là văn công của Đoàn Văn công Tây Nguyên. Yêu nghề giáo, ông thuyết phục vợ cùng chuyển sang dạy học. Cô gái văn công xinh đẹp dù yêu lời ca tiếng hát nhưng trước lý lẽ và tình cảm của chồng cũng chấp nhận chuyển nghề. Trong kháng chiến, việc dạy học thường bị ngắt quãng vì bị địch càn quét, khủng bố. Trường vừa mới dựng lên đã bị giặc đốt, học trò vừa mới tập hợp được lại bị giặc lùa, nhưng ông không nản chí. Có những ngôi trường được dựng lên ba, bốn lần trên những nền đất tro than, bất chấp sự phá hoại của giặc. Có lúc giặc càn quét dài ngày, ông phải đi làm công tác tuyên truyền, cũng là một cách dạy học chỉ có điều không phải là dạy chữ. Mãi đến năm 1954, tập kết ra Bắc, ông mới được toàn tâm, toàn ý với nghề giáo.

Thủ lĩnh xóa mù.- Sau giải phóng, ông giữ chức Phó Trưởng ty Giáo dục tỉnh Gia Lai - Kon Tum, phụ trách bổ túc văn hóa và xóa mù. Ông thiết lập một hệ thống trường lớp bổ túc và phát động phong trào xóa mù đến tận các buôn làng heo hút. Lúc đầu bà con không chịu đi học mà chỉ thích đi rừng, ông phải đích thân đến từng làng vận động, khi thiếu thầy, ông trực tiếp đứng lớp dạy học. Anh em trong cơ quan lắc đầu: “Hiếm có cán bộ nào lăn xả với nghề như ông”. Còn ông thì nghĩ khác: “Nói được mà không làm được, bà con không ưng cái bụng, không tin”.

Có lần, một già làng cắc cớ hỏi: “Học cái chữ thì rẫy có tốt hơn không, có nhiều lúa không?”. Ông trả lời: “Cái chữ không cho thêm lúa, không làm no bụng nhưng sẽ giúp cái đầu sáng ra, giúp mắt nhìn xa hơn...”. Ông bảo, điều cốt yếu là phải giải thích cho người dân biết được lợi ích của việc học để họ tự nguyện đi học, không nên cưỡng bách, ép buộc vì như thế chẳng khác nào “lùa” bà con đi học như chuyện lùa đi xem bóng đá trong truyện Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan”.

Bà Nay H’vill, vợ ông, rất có năng khiếu “chinh phục” học trò. Khi dạy ở Trường học sinh dân tộc miền Nam hay Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú, học sinh xa nhà nên thường nhớ cái nương, cái rẫy, dễ sinh quậy phá hoặc trốn học. Bà tổ chức văn nghệ, đóng kịch, dạy múa hát để các em vơi đi nỗi nhớ nhà. Với học sinh nữ, bà dạy các em may vá, nội trợ. “Hồi đó cô ấy còn có sáng kiến kêu gọi thầy cô dùng nguyên liệu sẵn có như song, mây, tre, nứa... làm đồ dùng dạy học. Vui lắm, thiết thực lắm!”- ông vừa nói vừa nhìn bà một cách trìu mến.

“Thầy tôi là một pho từ điển”.- Những ngày đầu đi dạy, Siu Pơi gặp không ít khó khăn. Học trò ông phần lớn là con em các dân tộc thiểu số, không biết tiếng Việt. Trong chương trình học tiểu học thời Pháp thuộc ông cũng chỉ được học tiếng Pháp và Jrai. Vừa mày mò tự học, ông vừa tranh thủ sự giúp đỡ của đồng nghiệp để bổ sung vốn tiếng Việt. Chưa đầy hai năm, ông đã dạy được chương trình song ngữ Việt- Jrai. Từ thực tế ấy ông nảy ra ý định soạn sách song ngữ. Ban đầu là giáo án cho các lớp học, sau đó ông tra cứu, biên soạn, nhờ đồng nghiệp chỉnh lý, lần lượt ông cho ra đời những sách giáo khoa song ngữ Việt- Jrai đầu tiên dùng cho chương trình tiểu học.

Ông yêu nghề đến mức làm cán bộ quản lý ông vẫn tranh thủ đi dạy; nghỉ hưu, ông lại tiếp tục đi dạy. Ban ngày ông dạy ở trường phổ thông, cao đẳng và trường cán bộ tỉnh; tối đến, ông dạy tiếng Pháp cho trẻ em quanh nhà. Ông bảo dạy để khỏi quên nghề và “để có tư liệu thực tiễn mà viết sách”. Ngoài giờ dạy học, ông lại ngồi vào bàn miệt mài với từng con chữ. Có khi ông đi cả tuần vào tận các bản sâu, tìm các già làng để sưu tầm từng câu ca, câu chuyện cổ. Mày mò nghiên cứu nhiều năm, ông xuất bản cuốn “Sơ lược ngữ pháp Jrai”, tiếp theo đó cuốn “Từ điển Jrai - Việt”. Sách của ông không có những lý thuyết cao siêu mà đầy những ví dụ thực tế đời sống.

Cuộc đời giảng dạy, nghiên cứu của ông đúc kết lại không chỉ là các quyển sách được in mà còn là tri thức, là trí tuệ của nhiều thế hệ học trò người dân tộc, trong đó nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, có người là chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực. Có lần, ông K’so Phước, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đến thăm ông. Một cán bộ đi cùng giới thiệu thầy Siu Pơi là tác giả của cuốn “từ điển đầu tiên” đang được giới khoa học trân trọng như là điều mới lạ. Ông bí thư tỉnh ủy nói với người này một cách tự hào: “Thầy tôi là một pho từ điển sống đấy anh ạ!”. Thì ra ông chính là học trò cũ của thầy, ông đến không phải như lãnh đạo đến thăm một nhân sĩ mà đơn giản chỉ là học trò cũ viếng thăm thầy. Không riêng bí thư tỉnh ủy, nhiều thế hệ học trò khác từ khắp mọi miền đất nước vẫn thường về thăm thầy.

Hạnh phúc tuổi già.- Năm 1990, vợ chồng Nhà giáo Ưu tú Siu Pơi được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới trao tặng giải thưởng He Do về những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục ở miền núi. Hiện đã ở vào tuổi trên 70, thầy Siu Pơi vẫn làm việc say sưa, miệt mài. Ông vẫn thường dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng Jrai cho các ngành điện lực, công an, y tế... Bằng chất giọng trầm ấm, ông khẽ đọc bài dân ca trong quyển “Tục ngữ, dân ca Jrai” của ông sắp xuất bản: “Vi vu gió đông, con thích chơi diều/ Hiu hiu gió xuân, con thích đánh con quay/ Cha vẫn chưa thấy về...”.

Ông nói, bao nhiêu năm đi dạy, khi còn ở Tây Bắc hay về lại mảnh đất Tây Nguyên, mỗi sớm mai nghe tiếng trẻ đọc bài, lòng ông lại rộn lên niềm vui hạnh phúc. “Cái hạnh phúc đơn sơ, bình dị như mỗi bận đi nương ngồi nghỉ mệt dưới bóng mát cây kơ-nia, nghe đôi chim chơ-rao lảnh lót trên cành. Khi còn làm quản lý, một lần đi cơ sở, từ xa tôi đã nghe tiếng trẻ ê a: Hôm qua em tới trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em tới lớp... Tôi đã đứng lặng hồi lâu vì xúc động. Tiếng đọc bài ấy khiến tôi và bà nhà gắn bó với nghề cho đến hôm nay”.