Trích hồi ký Effenberg: Matthaeus là kẻ to mồm và hèn nhát

Thật ra, tôi không hề muốn viết dòng nào về chủ đề “Lothar Matthaeus”. Tuy nhiên, Lothar không thể được tha thứ đầy khoan dung như thế.

Trước khi quen biết Lothar trong mối quan hệ cá nhân, anh ấy chính là cầu thủ khiến tôi ngạc nhiên và khâm phục nhiều nhất. Không một ai được như vậy. Trong nhiều năm dài, anh ấy đã thể hiện phong độ cực cao và làm được nhiều việc, trở thành vô địch thế giới. Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới và không biết bao nhiêu danh hiệu khác nữa. Tại Moenchengladbach, tôi là người kế thừa của anh ấy, chơi đúng ở vị trí mà anh ấy đã để lại. Rồi cũng như chính con đường của Lothar, tôi đã từ đó mà đi thẳng tới Bayern. Khi được gọi vào đội tuyển quốc gia, tôi mừng kinh khủng, vì sẽ được chơi cùng với anh ấy, cùng anh ấy trao đổi dăm ba câu chuyện và học hỏi ở anh ấy nhiều điều. Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn giữ nguyên lòng kính trọng sâu sắc trước những thành tựu và công lao của cầu thủ Matthaeus.

Matthaeus luôn muốn mình là người nổi bật

Nhưng khi nói về “con người” Matthaeus thì ta sẽ nhanh chóng thấy ra nhiều vấn đề. Chẳng hạn chỉ nguyên chuyện anh ấy thể hiện thế nào trong đội tuyển quốc gia. Chắc chắn rằng - tôi xin đảm bảo - Lothar là kẻ to mồm nhất. Anh ấy là một bậc chuyên gia trong việc luôn luôn thò mũi vào mọi chuyện. Đầu bếp của đội tuyển ngày ấy là Fritz Westermann thường tổ chức cho chúng tôi những bữa ăn theo kiểu tự chọn. Lẽ đương nhiên là mỗi cầu thủ tự đứng lên, cầm lấy một cái đĩa, tự kiếm cho mình các món ăn... Ngay cả Berti Vogts và các HLV khác cũng làm như thế. Nhưng chỉ riêng có Matthaeus là làm khác đi: Anh ấy ngồi tại chỗ và gọi ông đầu bếp đang đứng bên kia phòng: “Fritz, hãy nghe đây, làm một cái gì đó nghiêm chỉnh cho tôi”.

Có những chuyện thật ra cũng chẳng nên nói, theo cái kiểu “tính sổ” hơi chấp nhặt, nhưng lời kết luận của Effenberg thì cũng nên lưu ý: “Đấy chính là Lothar. Anh ta luôn muốn đứng ở tâm điểm của mọi sự kiện. Tất cả mọi người phải xoay quanh anh ấy. Những cầu thủ khác như Sammer, Klinsmann, Haessler và Iigner cũng chỉ còn biết lắc đầu. Không ai nói gì, nhưng ai cũng có ý nghĩ của riêng mình. Lothar thường đưa ra lời bình luận về mọi chuyện, theo cái kiểu: “Ê, hãy dỏng tai lên, tôi có điều muốn kể cho các cậu nghe đây này”. Cô vợ Lolita của anh ấy đã có lúc bày tỏ sự ngạc nhiên. Trong nhà, Lothar khác hẳn, nhưng khi ra công chúng anh ấy lại phải luôn đóng vai trò của một siêu nhân.

Tại Bayern, Lothar nổi tiếng là người có quan hệ tốt với báo chí, đặc biệt là với các phóng viên. Tôi không muốn khẳng định rằng Lothar là người đã tiết lộ mọi chuyện với báo chí, nhưng có điều rất lạ là nhiều chuyện vốn chỉ là nội bộ lại xuất hiện rất sớm trên mặt báo, một khi Lothar có mặt trong cuộc họp. Trên báo, Lothar luôn nhận được điểm tốt nhất ngay cả trong những trận thật ra anh chơi khá tầm thường. Mà anh ấy lại luôn cho rằng những điểm mà báo chí cho cầu thủ là vô cùng quan trọng! Thật là buồn cười đến chết đi được.

Trong hàng ngũ cầu thủ chúng tôi, Lothar chẳng có nhiều bạn bè. Anh ấy chơi hay, là một libero giỏi, có những đường chuyền chính xác. Tuy nhiên, trước và sau trận đấu chẳng có ai muốn dây vào Lothar.

Kẻ chạy trốn hèn nhát

Matthaeus là một kẻ hèn nhát, trốn tránh trách nhiệm. Ví dụ mà Effenberg đưa ra: 1. Trận chung kết Champions League với M.U, 2. Trận chung kết với Argentina tại World Cup 1990. Nói tóm lại, vào những thời điểm cần đưa đầu ra mà chịu trách nhiệm trong những tình huống sống chết, Matthaeus đều tìm cách lẩn trốn! Cho đến tận hôm nay tôi vẫn không thể nào hiểu nổi tại sao Matthaeus lại tự xin ra sân vào phút thứ 80 trong trận chung kết Champions League với M.U vào năm ấy. Lúc đó chúng tôi cần bảo toàn tỉ số 1-0 trong ít phút nữa. Làm sao một libero lại có thể tự xin ra trong hoàn cảnh ấy? Bảo rằng do bị đau thì chẳng có dấu hiệu nào xác đáng cả. Nếu là tôi ở vị trí ấy, tôi chỉ có thể xin ra khi bị gãy chân hay khi bị đối thủ đánh cho không nhìn thấy gì nữa. Là libero, Matthaeus đâu có phải chạy hàng kilomet. Với kinh nghiệm của anh ấy chắc chắn chúng tôi đã bảo toàn được tỉ số.

Khi Lothar rời Bayern, sự ra đi của anh ấy là một sự động viên, là một niềm cổ vũ lớn đối với tôi và nhiều cầu thủ khác. Chúng tôi đoạt Champions Legue mà không cần Matthaeus. Anh ấy đã có tất cả trong bộ sưu tập thành tích của mình, chỉ có riêng cúp này là chưa có. Trước trận chung kết với Valencia về sau, chúng tôi đã nói với nhau: Lần này chúng ta đá chung kết mà không còn Matthaeus, chúng ta sẽ thắng. Rất có thể, khi Lothar nhìn thấy chúng tôi ôm Cúp C1 trong tay trên báo, anh ấy sẽ tức nổ đom đóm mắt.

Khi Đức được quả phạt  đền, đáng ra theo kế hoạch người sút phải là Matthaeus và thực ra Lothar đá 11m rất chuẩn. Nhưng vào thời điểm ấy, khi trách nhiệm trở nên quá nặng nề, Matthaeus lại không dám đương đầu.