Từ trận hòa của NHĐA và thất bại của SLNA ở lượt 15: “Kiêu binh” hay bán độ?
Sting V-LeaguE.- Sting V-League 2003 bước vào giai đoạn nước rút cũng là lúc bóng ma tiêu cực xuất hiện trở lại. Trong khi tiêu cực cũ ở mùa giải trước - vốn bị vẩn đục bởi đường dây mua bán độ liên quan đến băng nhóm xã hội đen - chưa được giải quyết rốt ráo thì các trận đấu lượt thứ 15 (đặc biệt là trận Ngân hàng Đông Á (NHĐA)- LG.ACB-Hà Nội) vào cuối tuần qua để lại nhiều nghi vấn, buộc LĐBĐ VN và cơ quan an ninh cần phải sớm vào cuộc.
Bất đồng với HLV Vital? Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều qua (11-5), Giám đốc điều hành CLB NHĐA Nguyễn Tiến Huy bộc bạch rằng, cả ban lãnh đạo CLB vẫn chưa hết bất ngờ trước lối chơi khó hiểu của cầu thủ NHĐA. Theo ông Huy, sáng nay, 12-5, lãnh đạo CLB sẽ làm rõ nguồn dư luận về mối bất đồng giữa cầu thủ với HLV trưởng Vital, nguyên nhân dẫn đến trận hòa đáng xấu hổ vừa qua. Lãnh đạo CLB dự kiến sẽ có hình thức xử lý kiên quyết đối với các cầu thủ không hoàn thành nhiệm vụ. T.T
Lãnh đạo bó tay vì vượt tầm kiểm soát
Chiếm ưu thế và dẫn trước LG.ACB-Hà Nội tới ba bàn trong hiệp 1 trên sân Thống Nhất nhưng các cầu thủ chủ nhà NHĐA bất ngờ chơi vật vờ đến khó hiểu, dẫn đến việc để thủng lưới 3 bàn trong 6 phút cuối. Giám đốc điều hành của NHĐA, ông Nguyễn Tiến Huy, nói rằng ông cảm thấy xấu hổ khi khán giả có mặt trên sân Thống Nhất bày tỏ thái độ bất bình bằng cách chửi rủa đội bóng một cách thậm tệ. Theo ông Huy, có điều gì đó rất lạ thường trong lối chơi của các cầu thủ chủ nhà và dường như “nhiều vấn đề đã vượt khỏi tầm kiểm soát của lãnh đạo CLB”.
Nhiều người nhạy cảm cho rằng, cầu thủ NHĐA đang “làm mình làm mẩy” để đòi được tăng lương và tiền thưởng, buộc ai đó (HLV trưởng Vital chẳng hạn) phải ra đi. Cũng có nguồn tin cho rằng lợi dụng tình hình này, một vài cầu thủ đã bán độ (?!). Điều này chỉ có cơ quan chức năng và chính những người trong cuộc mới có câu trả lời cụ thể. Nhưng dù với bất kỳ lý do gì đi nữa mà không liên quan đến chuyên môn, việc các cầu thủ NHĐA đánh mất hình ảnh của mình là hành động xúc phạm đến khán giả, nhất là công chúng yêu bóng đá ở TPHCM. Còn qua lời tâm sự của đội trưởng Lê Huỳnh Đức, có vẻ nội tình đội NHĐA rất lộn xộn và các cầu thủ không những là “kiêu binh” mà còn là “loạn binh”.
Sự cố mới này khiến nhiều người liên tưởng đến việc trước đây, Giám đốc điều hành Lê Hùng Dũng, HLV Nguyễn Văn Vinh phải chia tay NHĐA (tiền thân là đội CATPHCM) vì “không được lòng cầu thủ”, dù trình độ chuyên môn của hai người này rất cao.
Lê Huỳnh Đức: Tôi thấy chán nản... “Toàn đội rất buồn sau trận đấu vừa qua, chúng tôi đã chơi một trận dưới sức mình. Tôi cảm thấy chán nản và không biết phải giải thích như thế nào về trận hòa khó hiểu này. Hy vọng sau cuộc họp toàn đội với lãnh đạo CLB, mọi chuyện sẽ được cải thiện, đặc biệt về mặt tinh thần”.
Sóng ngầm ở sân Vinh
Tương tự tình cảnh đội NHĐA, một cơn “sóng ngầm” trong nội bộ đội SLNA đang đe dọa hất đổ mọi thành quả mà đội bóng xứ Nghệ đã cố công xây dựng ở giai đoạn 1. Nguyên do căn bản khiến SLNA điêu đứng cũng chỉ... vì tiền.
Có một thực tế là trước nay, nhiều cầu thủ SLNA xem Trưởng đoàn kiêm HLV trưởng Nguyễn Hồng Thanh chẳng khác gì một vị “thánh sống” qua việc ông lo lắng chu đáo cho mỗi cầu thủ sau lúc không còn đá bóng: Nghỉ hưu, cầu thủ được giúp đỡ một công việc hợp lý để đảm bảo cuộc sống. Thế nhưng, nước cờ của ông Thanh giờ có vẻ không hợp thời trước sức hút mạnh mẽ của đồng tiền. Mức lương trung bình khoảng 4-6 triệu đồng cùng khoản thưởng 30 triệu đồng/trận thắng làm nhiều cầu thủ dao động. Những biểu hiện bất thường của bộ tứ hàng phòng ngự Sỹ Sơn, Văn Lưu, Ngọc Tú, Huy Hoàng trong 3 thất bại liên tiếp vừa qua khiến người hâm mộ trên sân Vinh bắt đầu tin rằng những lời đồn đại vừa qua là có cơ sở. Dư luận người hâm mộ Nghệ An cho rằng hàng thủ của đội nhà, đặc biệt là vị trí của trung vệ thòng, có nhiều biểu hiện đáng ngờ.
“Bệnh lan” từ Đà Nẵng, Thể Công
Ở mùa này, nạn “kiêu binh” có lẽ xuất phát từ Đà Nẵng sau khi đội bóng này kết thúc hợp đồng với 2 tiền đạo chất lượng cao nhưng ăn chơi trác táng (Musisi và Lulenti). Nhưng theo nhiều người am tường, nạn “kiêu binh” xuất hiện ở VN từ rất lâu và Thể Công có lẽ là đội khởi xướng. Được xem là nòng cốt của đội tuyển quốc gia trong nhiều năm qua, nhưng phong độ của Thể Công có thể lên xuống thất thường, thậm chí lắm lúc, đội đứng trước nguy cơ rớt hạng. Chính điều này gây ngạc nhiên cho các HLV trưởng người nước ngoài từng nắm đội tuyển quốc gia. Cả ông Riedl lẫn ông H. Calisto đều cho rằng với thành phần cầu thủ ưu tú, Thể Công không thể nào chơi tệ nếu các cầu thủ đá hết mình.
Thành tích của Thể Công ở mùa bóng này là một minh chứng. Từ đáy của bảng xếp hạng, Thể Công thực hiện một cú trỗi dậy kinh ngạc với 7 trận bất bại, vươn lên vị trí thứ 3 sau ĐTLA và HAGL. Điều gì tạo nên sự thay đổi ngoạn mục cho Thể Công? Câu trả lời rất đơn giản: Tăng lương và tiền thưởng. Giới thạo tin ở Hà Nội cho rằng sau thời gian mòn mỏi chờ đợi, mới đây các cầu thủ Thể Công cảm thấy tinh thần thoải mái nhờ tiền thưởng sau trận thắng 2-0 trước Đà Nẵng.
Cơ chế lương thưởng mới - vốn được lãnh đạo đội “hứa” ở mùa giải năm ngoái - vừa bắt đầu được áp dụng một cách thực tế. Với thu nhập “cứng” khoảng 8 triệu đồng (4 triệu lương và 4 triệu từ nhà tài trợ), sau mỗi trận thắng, một cầu thủ loại A của Thể Công có thêm 4 triệu từ số tiền thưởng (từ số tiền 50 triệu đồng/ trận thắng sân nhà; 70 triệu đồng/trận thắng sân khách). Tổng cộng trong tháng 4 vừa qua, mỗi cầu thủ Thể Công trong đội hình chính) kiếm được trung bình từ 20-30 triệu đồng- một con số đáng nể với đội bóng từng bị coi là “nghèo” nhất V-League.
N.N - V.Q