Xem quần vợt - một cách thử thách lòng kiên nhẫn

Đến sân đấu để xem quần vợt khác hẳn đến sân bóng để xem đá banh, cũng khác hẳn đến nhà thi đấu để xem đấu cầu lông, bóng chuyền hay bóng rổ... Xem quần vợt theo đúng nghệ thuật buộc phải tuân thủ một số kinh nghiệm tiên quyết và quan trọng riêng biệt

Im lặng là vàng

Khác với sân đá bóng, nơi khán giả càng ồn ào cổ động càng khiến cho các cầu thủ trên sân cảm thấy phấn khích, sân quần vợt là một nơi cực kỳ “trang nghiêm” và im lặng. Các tay vợt chỉ có thể thi đấu trong một bầu không khí tĩnh lặng tuyệt đối và bất kỳ tiếng nói chuyện, sự di chuyển nào trên khán đài cũng có thể khiến họ mất tập trung và... đánh thua. Thế nhưng, cũng giống như ở Trung Quốc, khán giả xem quần vợt ở Việt Nam còn rất lạc hậu về điều này. Nhiều cô gái... chân dài vô tư đi lại trên khán đài khi các tay vợt ở dưới sân đang thi đấu hay các vị giám đốc cứ oang oang về những hợp đồng có giá trị khổng lồ qua điện thoại cầm tay, bất chấp sự khó chịu của cả những người xung quanh lẫn các tay vợt và trọng tài.

Đó là chuyện người ta phá vỡ sự im lặng một cách tiêu cực (cố tình làm ồn). Còn chuyện người ta phá sự im lặng một cách tích cực (do vô tình) cũng xảy ra thường xuyên. Phấn khích sau một pha bóng đẹp, các khán giả thường vô tư hò hét, vỗ tay thoải mái cho đến khi trọng tài nhiều lần nhắc nhở: “Xin cám ơn”. “Xin cám ơn”.

Đồ ăn và thức uống: Những trợ thủ cần thiết

Với quần vợt, không bao giờ một ngày thi đấu chỉ có một trận đấu. Thường có nhiều trận đấu diễn ra cùng lúc trên nhiều sân và theo đúng lịch thi đấu, cứ hết trận đấu trước, ban tổ chức sẽ tổ chức ngay trận đấu sau. Để bảo đảm đủ thể lực, tinh thần, sự minh mẫn trong một khoảng thời gian quá dài (thường ít nhất là 4 tiếng đồng hồ), những người đi xem quần vợt (bao gồm khán giả đơn thuần và các phóng viên) đều phải mang theo những trợ thủ cần thiết. Một chai nước suối, một ổ bánh mì là nền tảng cơ bản để có thể dõi theo các đường bóng của các tay vợt từ đấu đến cuối. Với nhiều khán giả khác, họ thậm chí còn bày ra một đại tiệc với đủ thứ hằm bà lằn như bia, nước ngọt, nước suối, thịt nướng, hamburger, giò chả... Như vậy, họ có thể hoàn toàn an tâm và thảnh thơi... gác chân trên khán đài để xem quần vợt và vô tư ăn uống.

Chọn chỗ - một điều kiện tiên quyết

Với những giải đấu trong nước - khi mà thông thường ban tổ chức chọn những sân có khán đài để tổ chức thi đấu - người ta thường đến sớm để được đứng sát hàng rào sân bởi vì khi không có khán đài, vị trí sát hàng rào sân bảo đảm cho khán giả có thể quan sát hết mọi diễn biến của trận đấu. Dĩ nhiên, khán giả phải thật lì, bất chấp cái nắng chang chang (không cần bất chấp trời mưa vì nếu mưa, trận đấu sẽ bị hoãn lại) cho đến khi ra về vì nếu lỡ dại bỏ đi một chút (để ăn, uống hay đi vệ sinh), cái chỗ ngon ăn ấy sẽ bị trám kín bằng một, thậm chí 2 khán giả khác.

Với những giải đấu quốc tế được tổ chức trên sân có khán đài, người hâm mộ có khuynh hướng ngồi ở những hàng ghế đầu, gần cửa ra vào. Đó là một chỗ ngồi rất thuận tiện để có thể xem được nhiều trận (tranh thủ giờ giải lao để luồn qua cửa xem các trận đấu ở các sân khác). Còn nếu bạn là một khán giả sành điệu và “kết” sân Lan Anh, bạn sẽ chọn chỗ ở những hàng ghế trên cùng ở khu khán đài B của sân trung tâm. Nơi đó là một khu vực rất thuận tiện (cao) để cùng lúc theo dõi cả 3 trận đấu: 1 ở sân trung tâm và 2 ở hai sân lân cận. Khu vực này cũng là chỗ ngồi ưa thích của nhiều phóng viên quần vợt thâm niên, những người có thể vừa quan sát kỹ trận đấu chính trên sân trung tâm, vừa có thể lấy kết quả ở 2 sân còn lại mà khỏi phải xuống phòng thông tin của ban tổ chức.

Thử thách lòng kiên nhẫn

Xem quần vợt phải biết kiên nhẫn. Thời gian xem quần vợt luôn tốn nhiều hơn thời gian xem các môn thể thao khác. Với bóng đá, bạn thường chỉ tốn 90 phút cho 1 trận bóng; với quyền anh, bạn chỉ mất khoảng 3 giờ đồng hồ là có thể tiêu thụ được từ 10-12 trận thượng đài, với bóng chuyền, mất khoảng 4 tiếng (hoặc hơn một chút) bạn sẽ được chứng kiến đến 2 trận đấu sôi nổi.

Nhưng với quần vợt, thời gian luôn bị kéo dài. Từ 4 giờ chiều đến 11 giờ đêm, hy vọng bạn chỉ xem được cao nhất là 4 trận quần vợt. Với những trận đấu có tỉ số 1-2, 2-1 mà việc phân định thắng - thua phải nhờ vào các loạt đánh tie-break, bạn sẽ mất đứt hơn 3 giờ đồng hồ. Và thông thường, những trận đấu cuối cùng diễn ra lúc 10 giờ đêm khó có thể kéo đông khán giả ở lại. Giới phóng viên cũng ngán ngại những trận đấu kiểu này. Trong làng báo ở TP, chỉ có một vài tờ báo có thể chờ đến khi trận đấu cuối cùng trong ngày kết thúc, dĩ nhiên cũng không thể sau 12 giờ đêm. Ấn tượng nhất về sự kiên nhẫn trong những lần tác nghiệp của tôi là việc ngồi chết dí gần 8 tiếng đồng hồ (từ 4 giờ chiều đến gần 12 giờ đêm) để xem trận đấu Davis Cup khu vực châu Á - châu Đại Dương nhóm 3 giữa Việt Nam và Bahrain (ngày 7-4-2004). Khi đó, trên khán đài chỉ còn lại vài chục khán giả và 2 phóng viên trụ lại. Đó quả là lần thử thách sự kiên nhẫn đáng sợ nhất khi đi xem quần vợt.