Bán tháo nhà vì lãi ngân hàng đột ngột tăng

Đang ôm 4 mảnh đất biệt thự tại khu Nam Sài Gòn, anh Hồ vừa nhận được thông báo từ ngân hàng tăng lãi suất khoản vay 10 tỷ đồng của anh lên thêm 0,6% so với hợp đồng đã ký 0,9% một tháng. Không kham nổi tiền trả lãi, anh Hồ tính đến chuyện bán lỗ các lô đất nhanh để trả nợ cho xong

Anh Hồ cho hay, khi địa ốc nóng, anh đã thế chấp mọi tài sản để vay ngân hàng, cộng thêm vốn hiện có của gia đình, đổ vào tậu nhà đất. Không chỉ có 4 miếng biệt thự kia, mà nhiều lô đất khác của anh nay cũng nhận được thông báo tăng lãi suất vay của các ngân hàng.

"Bây giờ lãi suất từ 1,2-1,5% một tháng, trong khi địa ốc trầm lắng và có chiều hướng giảm giá, tôi bất ngờ lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan không bán đất đai đi thiếu tiền trả nợ", anh Hồ than.

Chị Linh, nhân viên một công ty viễn thông ở TP HCM đã phải bỏ ngang hợp đồng vay tiền mua nhà với Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), trả lại toàn bộ số tiền vừa vay. Nguyên nhân, chị không đồng ý mức lãi suất tăng chỉ sau 4 tháng ký hợp đồng.

Khách hàng này đã thương thảo mua lại căn hộ Phú Mỹ Hưng từ một người quen, hợp đồng thời hạn một năm với Vietcombank ký vào tháng 11/2007, lãi suất 0,9% một tháng. Đầu tháng 3, nhà băng ra thông báo áp dụng mức lãi suất mới 1,5% một tháng, nếu không đồng ý thì chấm dứt hợp đồng.

"Mức lãi suất này quá cao so ban đầu nên gia đình tôi quyết định hủy bỏ những ký kết trước đây", chị Linh tâm sự.

Từ tháng 2, nhiều ngân hàng xiết lại tín dụng, thông báo đến khách hàng tăng lãi suất đối với các hợp đồng mua nhà đang thực hiện. Khách mua bán trực tiếp thì còn du di được áp dụng mức lãi cũ, trong khi tình hình khó khăn hơn đối với những nhà đầu tư mua đi bán lại. Nhà băng đã tăng lãi suất cao đối với phần khách hàng này.

Đây cũng là tình cảnh của rất nhiều nhà đầu tư bất động sản hoạt động theo kiểu gom hàng đang "nóng" từ cuối tháng 11 năm ngoái để bán lại.

Khi hàng loạt chung cư cao cấp "sốt" ầm ầm, ngân hàng cũng đang thừa tiền nên dễ dàng chấp thuận cho nhiều người đầu tư địa ốc vay khoản lớn. Thậm chí nhà băng còn khuyến khích vay vốn thế chấp bất động sản. Do đó giới đầu tư thoải mái vay tiền đổ vào nhà đất.

"Giá như ngân hàng xiết tín dụng từ năm ngoái, bây giờ tôi không lâm vào thế kẹt như hiện nay", một nhà đầu tư tiếc rẻ. Người này đã vay hàng chục tỷ đồng để trả tiền cho các căn hộ chung cư cao cấp cuối năm ngoái.

Nhân viên tín dụng ngân hàng Vietcombank chi nhánh Tân Thuận cho biết, mức lãi suất 1,5% đang được áp dụng cho các hợp đồng vay đầu tư nhà đất mới. Khách hàng cũ chịu lãi suất 1,2%. Đối với những khách hàng được doanh nghiệp bất động sản bảo lãnh, lãi suất chỉ tăng khi đáo hạn hợp đồng.

Giám đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP HCM, ông Hồ Hữu Hạnh thừa nhận: "Nếu xiết tín dụng bất động sản từ tháng 6-2007 thì cả nước đã tránh được cơn sốt nhà đất và người dân sẽ thoát khỏi cơn bão lãi suất".

Theo ông Hạnh, người dân cần hiểu rằng kéo nhau đầu tư vào nhà đất chưa hẳn là tốt. Ngoài chuyện tạo giá ảo, tình hình này không chỉ gây thiếu nhà ở cho người có nhu cầu thực sự mà còn khiến cho các tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư sản xuất ở Việt Nam phải bội chi tiền mặt bằng, thu hẹp phạm vi sản xuất.

Nhiều chuyên gia trong ngành tài chính dự báo, thị trường bất động sản sẽ có sự sàng lọc mạnh mẽ sau đợt thắt chặt tín dụng này. Bài toán nhiều người thường làm là vay tiền mua nhà không phải để ở mà chỉ đầu cơ chờ bất động sản tăng giá, sẽ phá sản.

"Người cần nhà nên mua sản phẩm trực tiếp từ doanh nghiệp để được bảo đảm mức lãi suất ưu đãi, vì càng sang tay nhiều lần sẽ càng tự trói mình vào chiếc thòng lọng lãi suất", một chuyên gia tài chính khuyến cáo.

Khi quảng cáo bán nhà, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cam kết ngân hàng sẽ hỗ trợ dự án và làm đầu mối giới thiệu nhà đầu tư gặp gỡ nhà băng để vay vốn, như một lợi thế cạnh tranh. Nay khi lãi suất tăng, chủ dự án cho biết chỉ bảo vệ được người mua trực tiếp.

Ông Trương Quốc Hưng, Giám đốc kinh doanh tiếp thị Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng cho hay, các khách hàng trực tiếp của công ty đều được giữ mức lãi suất cũ nếu chưa đáo hạn hợp đồng. Tính đến tháng 12/2007, Phú Mỹ Hưng có chương trình hợp tác với 11 ngân hàng cho vay mua nhà trả góp thời hạn từ 20-30 năm.

Tuy nhiên, lãnh đạo công ty Phú Mỹ Hưng thừa nhận, những nhà đầu tư hay người mua thứ cấp, đã sang lại căn hộ từ khách hàng đầu tiên sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng. Họ phải tự thương thảo hợp đồng vay với nhà băng nên luôn bị đánh mức lãi suất mới rất cao.

"Công ty sẵn sàng bảo vệ khách hàng trực tiếp của mình vì có căn cứ để xác định lãi suất ưu đãi. Song, với những khách hàng thứ cấp, chúng tôi không thể can thiệp", ông Hưng nói.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức khẳng định: "Khách hàng mua nhà của HAGL sẽ không phải đối mặt với lãi suất cao như ngoài thị trường".

Theo ông Đức, HAGL đã ký thỏa thuận hợp tác với Vietcombank. Theo đó, khi trả 30% giá trị bất động sản, khách hàng sẽ được HAGL bảo lãnh cho vay 70% giá trị căn hộ trong vòng 15 năm, mức lãi suất hiện nay là 1,1%.