5 điểm đáng nói trong hiến pháp sửa đổi của TQ
+ Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Trung Quốc khóa 10 vừa qua đã thông qua 13 nội dung sửa đổi hiến pháp năm 1982, và trong số này có 5 điểm đáng chú ý nhất+ Lần sửa đổi thứ 4 này của bản hiến pháp ra đời từ thời kỳ cải cách, mở cửa nhằm hoàn thiện thêm một bước quá trình cải cách dưới sự lãnh đạo của “thế hệ lãnh đạo thứ 4”.
Hiến pháp sửa đổi bổ sung những nội dung có tính thực tiễn cho phù hợp với tình hình mới mà đáng nói nhất là 5 điểm dưới đây:
Thứ nhất, bổ sung nội dung “phát triển hài hòa văn minh vật chất, văn minh chính trị và văn minh tinh thần” trong nhiệm vụ “hiện đại hóa công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng, khoa học - kỹ thuật”.
Thứ hai, khái niệm “dựa vào công nhân, nông dân, trí thức để xây dựng CNXH” sửa thành “xây dựng một mặt trận thống nhất rộng rãi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ), bao gồm các đảng phái dân chủ, các tổ chức quần chúng, tập hợp mọi người lao động xây dựng CNXH, mọi người yêu nước ủng hộ CNXH và tán thành thống nhất đất nước”.
Thứ ba, hiến pháp mới khẳng định: “Nhà nước TQ bảo vệ mọi quyền lợi hợp pháp và lợi ích của kinh tế tư nhân và phi công hữu, khuyến khích, ủng hộ và hướng dẫn sự phát triển của khu vực kinh tế này”. Hiến pháp còn khẳng định: “Tài sản tư hữu hợp pháp của công dân là bất khả xâm phạm. Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu và thừa kế tài sản tư hữu của mọi công dân”.
Các nhà kinh tế TQ rất hoan nghênh việc đánh giá đúng vai trò của kinh tế tư nhân. Ông Lịch Dĩ Ninh, ủy viên Hội nghị chính trị hiệp thương TQ, nói: “Muốn giải quyết mối lo ngại lâu dài của chủ doanh nghiệp phi công hữu, nhất định phải tạo ra môi trường tư tưởng và dư luận lành mạnh, xây dựng trật tự thị trường lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ phát triển, xóa bỏ sự phân biệt đối xử công hữu và tư hữu”. Ông Tân Dật, chủ nhiệm khoa Trường Đại học Nhân dân TQ, nói: “Lần sửa đổi hiến pháp này chứng tỏ nhà nước đã đối xử bình đẳng với kinh tế dân doanh”.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thành Tư, chuyên gia pháp luật Viện Khoa học Xã hội TQ, khẳng định: “Không coi trọng bảo vệ tài sản tư hữu, không chú trọng tích lũy tài sản, đất nước khó có thể giàu mạnh”. Giáo sư Viện Kinh tế học Trường Đại học Bắc Kinh Tiêu Chước Cơ phân tích: “Tài sản tư hữu hợp pháp được hiến pháp bảo vệ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế phi công hữu và đối với mọi người dân. Nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất, xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh, nhà đầu tư nước ngoài không còn lo ngại bị tịch thu tài sản.
Thứ tư, về nội dung sửa đổi: “Theo nhu cầu lợi ích công cộng, Nhà nước có thể trưng thu hoặc trưng dụng đất đai theo quy định của pháp luật, đồng thời thực hiện bồi thường”, đại biểu Quốc hội Ngụy Phúc Thịnh nói: “Nội dung sửa đổi này thể hiện sự coi trọng lợi ích của nông dân. Hiện nay trưng dụng đất của nông dân quá nhiều, quá bừa bãi, bồi thường lại quá thấp”. Chuyên gia pháp luật Viện Khoa học Xã hội TQ Lương Tuệ Tinh nói: “Trưng thu đất vì lợi ích công cộng như xây dựng các khu kinh tế chế xuất, khu khoa học - kỹ thuật trong điều kiện kinh tế, thị trường vẫn thuộc về quan hệ trao đổi hàng hóa, cần phù hợp với nguyên tắc trao đổi ngang giá theo kinh tế thị trường. Việc bồi thường phải sòng phẳng và hợp lý”.
Thứ năm, về nội dung sửa đổi: “Kiện toàn chế độ bảo hiểm xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế”, Chủ nhiệm Trung tâm Bảo hiểm Xã hội TQ Trịnh Công Thành nêu lên thực trạng tuyệt đại đa số các địa phương TQ thiếu bảo hiểm xã hội, 80% người lao động và người già không có bảo hiểm dưỡng lão, 90% thiếu bảo hiểm y tế cơ bản. Ông nói: “Chế độ bảo hiểm xã hội của TQ là “dò đá qua sông”, thiếu tính pháp luật. Đưa chế độ bảo hiểm xã hội vào hiến pháp sẽ thúc đẩy mạnh tiến trình lập pháp bảo đảm xã hội”.